Bộ trưởng, ghi nhận và đánh giá rất cao về sự nỗ lực mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ trong toàn ngành Thể dục Thể thao trong việc hoạch định chiến lược và thực hiện triển khai các chủ trương Chính sách của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp phát triển Thể thao nước nhà. Đặc biệt, là sự cống hiến nỗ lực không mệt mỏi của hàng ngàn vận động viên, huấn luyện viên đã dày công khổ luyện, thi đấu hết mình góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh đầy rực rỡ của Thể thao Việt Nam trong năm 2019.
Thẳng thắn nhìn vào thất bại, nghiêm túc rút kinh nghiệm
Khi nói về thành công của Thể thao Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh tới SEA Games 30 là một dấu ấn đậm nét, phản ánh khá đầy đủ về sự đầu tư, định hướng đúng đắn của ngành Thể dục Thể thao. Có thể nói, đây là một kỳ Đại hội đáng nhớ nhất từ trước đến nay, bởi ngoài vị trí thứ hai toàn đoàn (lần đầu tiên vượt qua Thái Lan – cường quốc mạnh được coi là có phong trào Thể thao phát triển mạnh nhất Đông Nam Á) thì Thể thao Việt Nam đã khẳng định vị trị của mình ở những môn Thể thao Olympic như: Điền kinh, Bơi, Cử tạ... Đây chính là nền tảng cơ bản, giúp vận động viên Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin khi đặt mục tiêu giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020 có thể giành thành tích tốt nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao thành công của ngành Thể dục Thể thao trong năm 2019 (Ảnh: Y Trang)
Thành tích của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 được người dân cả nước hưởng ứng đón nhận trong niềm tự hào dân tộc. Đây là điều rất đáng tự hào mà không phải ngành nào cũng vinh dự có được. Bộ trưởng, mong muốn từ thành công này, đội ngũ cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên trong ngành Thể dục Thể thao không ngủ quên trên chiến thắng, không ngừng phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, coi đây là bước đệm vững chắc để toàn ngành cùng đoàn kết hướng đến những nhiệm vụ mới, thành công mới.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ: còn nhớ, cách đây 2 năm (2017) cũng ở Hội nghị Tổng kết của ngành Thể dục Thể thao khi nói về thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 29 (Malaysia), những nhà quản lý, chuyên môn còn rất nhiều trăn trở khi phân tích về thành tích của một số môn Thể thao Olympic không đạt được như kỳ vọng. Song điều hạnh phục nhất, chính là việc chúng ta đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, tìm nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm và tìm hướng khắc phục đúng hướng. Thành công ngày hôm nay, một phần đến từ những việc nói trên và quan trọng hơn cả là điều tạo nên sức mạnh, tiếng vang của Thể thao Việt Nam trong khu vực và bạn bè quốc tế đó là nhờ đạo đức, phong cách, ý chí, nghị lực tuyệt vời của các vận động viên Việt Nam.
“Phải nói rằng, nếu trực tiếp tận mắt nhìn các cháu vận động viên của đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu mới hiểu và thấy hết sức mạnh phi thường và sự bền bỉ, tình đồng đội, yêu Tổ quốc, luôn đặt tinh thần dân tộc lên hàng đầu khiến chúng ta thấy tự hào về đất nước và con người Việt Nam. Mặc dù, trên đấu trường ở một số môn Thể thao, vận động viên Việt Nam tuy thể hình nhỏ nhưng họ có một ý chí, tinh thần thi đấu rất phi thường. Các vận động viên đã khiến hàng triệu trái tim người Việt và bạn bè quốc tế khâm phục và xúc động khi hình ảnh thương tích (chảy máu, băng bó) ở môn Bóng đá nữ nhưng vẫn quyết liệt thi đấu, quên đi sự đau đớn. Hay môn Điền kinh vận động viên khi về đích đã ngất đi, lên nhận Huy chương phải nhờ tới sự trợ giúp của đồng đội... và rất nhiều gương mặt vận động viên trẻ giành thành tích cao song luôn tỏ ra khiêm tốn, tác phong rất chuyên nghiệp. Điều đó, đã làm cho đối thủ nể phục và tôn trọng khi nói về vận động viên Việt Nam.
Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, nếu chỉ thi đấu tốt nhưng đạo đức không tốt thì thành công đó cũng không được mọi người trân trọng bền lâu. Trải qua thời gian, Thể thao Việt Nam đã có nhiều bài học về đạo đức từ các thế hệ vận động viên đi trước (cá độ, hay vi phạm các tệ nạn xã hội khác). Chính vì vậy, nhìn vào thực tế của Thể thao Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao công tác giáo dục đạo đức lối sống cho vận động viên tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia, địa phương, ngành Câu lạc bộ trong toàn quốc.
Việt Nam không thiếu tài năng, làm thế nào để tìm ra và phát triển đúng hướng
Bộ trưởng cho rằng: Thể thao đỉnh cao, để có được thành công ngoài tài năng thì yếu tố tự rèn luyện về chuyên môn và tu dưỡng về đạo đức lối sống là yếu tố tiên quyết hàng đầu. Nếu chúng ta mời huấn luyện viên và chuyên gia giỏi hàng đầu thế giới hay châu lục về đào tạo, huấn luyện mà nội lực của vận động viên không tốt, tinh thần tự rèn luyện, học hỏi không nghiêm túc thì sẽ không bao giờ có kết quả tốt.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết (Ảnh: Y Trang)
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhắn nhủ: mỗi Huấn luyện viên, Chuyên gia hãy bỏ đi những suy nghĩ cá nhân, loại ngay tư tưởng phân biệt môn Thể thao này với môn Thể thao khác. Vị thủ lĩnh hãy là người truyền lửa, truyền cảm hứng tới các vận động viên, có tinh thần đồng đội, đoàn kết biết giúp đỡ, bổ sung chỗ khuyết thiếu cho nhau để cùng hoàn thiện tạo nên một tập thể vững mạnh. Công tâm và sử dụng tài năng đúng thời điểm, đúng vị trí, không thiên vị hoặc đặt kỳ vọng quá lớn vào 1 vận động viên. Nếu có dịp phù hợp hãy trao cho nhiều tài năng khác có cơ hội để thể hiện tài năng của mình và tỏa sáng. Hãy lấy hình ảnh, cách làm của Huấn luyện viên Park Hang Seo để học tập và áp dụng vào từng bộ môn Thể thao một cách phù hợp nhất.
Theo Bộ trưởng, “ở Việt Nam, người tài năng không thiếu, song vấn đề cơ bản là chúng ta tìm và định hướng phát triển họ như thế nào mà thôi”. Để làm tốt việc này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Tổng cục Thể dục Thể thao tiếp tục chú trọng tới công tác phát hiện, đào tạo vận động viên trẻ từ tuyến địa phương tới quốc gia. Điều chỉnh, ban hành cách quy định định, chính sách mở (nằm trong quy định pháp luật của nhà nước) giúp khuyến khích địa phương trong công tác tuyền chọn, đào tạo trẻ.
Cùng với đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia, phối hợp với các địa phương, ngành, câu lạc bộ chú trọng làm tốt hơn nữa công tác rèn luyện đạo đức, lối sống, học văn hóa đối với từng cá nhân vận động viên. Tạo mọi điều kiện tốt nhất, giúp vận động viên yên tâm tập luyện, có lối sống đẹp văn minh cùng tính chuyên nghiệp trong thi đấu.
Nói về nhiệm vụ trong thời gian sắp tới của ngành Thể dục Thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị cho từng mục tiêu cụ thể: Năm 2020, là một năm bận rộn, ngoài việc tập trung cao độ cho các giải đấu quốc tế đạt thành tích tốt nhất thì, đội tuyển Bóng đá nam U23 Việt Nam cần cố gắng để vượt qua vòng loại World Cup, chúng ta có cơ hội nhưng không thể chủ quan.
Cùng với đó, tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị Olympic tại Tokyo 2020. Mục tiêu ở kỳ này chúng ta giành 20 vé tham dự, biết rằng giành Huy chương là rất khó. Nhưng ít nhất hãy cố gắng giữ được thành tích của Olympic Rio 2016. Lợi thế ở kỳ Olympic Tokyo lần này, Thể thao Việt Nam được chủ nhà Nhật Bản giúp đỡ rất nhiều về công tác tập huấn, điều kiện tập luyện làm quen với khí hậu, môi trường tại đây. Do đó, các đội tuyển được tham dự hãy tận dụng tối đa những lợi thế có được và sự khổ luyện nghiêm túc để có thể tự tin giành thành tích tốt nhất tại Olympic Tokyo 2020.
Song song với những nhiệm vụ kể trên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giao Tổng cục Thể dục Thể thao khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm 2021. Từ yếu tố chuyên môn cho tới các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho sự kiện quan trọng này.
Đối với thể thao quần chúng, Bộ trưởng đánh giá đây là nền tảng của thể thao thành tích cao. Chúng ta phải lan tỏa mạnh mẽ phong trào tập Thể dục Thể thao sau những thành tích ấn tượng tại SEA Games vừa qua. Theo đó, Tổng cục thể dục thể thao cần tổ chức hội nghị để bàn các vấn đề cụ thể, giúp cho các đơn vị quản lý nhà nước về thể thao tham mưu tích cực hơn nữa cho lãnh đạo địa phương.
N. H ghi