Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chương trình Bơi an toàn phòng chống đuối nước

Chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng từ các Bộ, ngành, địa phương và người dân. Mặc dù mới triển khai trong khoảng thời gian 3 năm, nhưng hiệu quả mà Chương trình mang lại có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em mà qua đó còn giúp cho người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc học bơi cũng như các kỹ năng phòng chống đuối nước. Trang tin TDTT Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng, Tổng cục TDTT xung quanh vấn đề này.

 

Chương trình bơi an toàn phòng chống đuối nước trẻ em đã nhận được sự hưởng ứng của các Bộ, ngành và người dân (Ảnh: Q.Lượng)

Sau 3 năm triển khai “Chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em”, đến nay Chương trình đã đạt được những kết quả như thế nào thưa ông?

Sau gần 03 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được những kết quả rất tích cực thể hiện ở việc các cấp chính quyền, nhà trường, các cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh hơn cơ sở vật chất, bể bơi và đẩy mạnh phong trào phổ cập bơi cho trẻ em. Năm 2016, cả nước có gần 3000 bể bơi đến cuối năm 2018 tăng lên 4.689 bể bơi các loại, sang năm 2019 số bể bơi tiếp tục tăng thêm 1.446 bể (tính đến tháng 6/2019 số bể bơi trên cả nước là 6135 bể bơi các loại); tỷ lệ trẻ em biết bơi trong năm 2016 dưới 30%, đến 2018 tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng lên khoảng 35%. Và con số này, dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2019, bởi lẽ, ngay từ đầu năm, Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước đã được triển khai rộng rãi trên cả nước, 63/63 tỉnh/thành đều có văn bản hướng dẫn tổ chức Lễ phát động gắn với nhiều hoạt động thiết thực để kêu gọi nhân dân và trẻ em tích cực học bơi. Cụ thể, có gần 4980 xã phường, trường học, cơ sở hoạt động thể thao dưới nước tổ chức Lễ phát động kết hợp với khai mạc lớp dạy bơi hè 2019, thu hút 12.000.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng tổ chức 12 lớp tập huấn cho 1122 học viên là công chức, viên chức, Cộng tác viên, hướng dẫn viên của ngành VHTTDL, ngành GD&ĐT, ngành Lao động, Thương Binh và Xã hội, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và cá ngành, đoàn thể liên qua. Các địa phương tổ chức 1910 lớp tập huấn cho 47.000 học viên và tổ chức 38.000 lớp dạy bơi, dạy kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước cho hơn 5.000.000 người tham gia.

Trong quá trình triển khai, Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân. Vậy theo ông, điều gì đã tạo cho Chương trình có sức hút lớn như vậy?

Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và cộng đồng. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta thông qua việc ban hành chính sách ưu tiên phát triển môn bơi được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung Luật Thể dục thể thao và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về công tác phòng chống đuối nước. Sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan, sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTL, Tổng cục TDTT và sự đồng hành tài trợ của Công ty TNHH Nestle Việt Nam từ năm 2018 đến nay đã góp phần tạo điều kiện để Chương trình đạt được những kết quả đáng biểu dương. 

Cùng với đó, Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi và công tác tuyên truyền về Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trong thời gian qua đã làm biến chuyển tích cực trong nhận thức của toàn xã hội về lợi ích tác dụng của tập luyện môn bơi để phòng, chống đuối nước, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực và giáo dục nhân cách, đạo đức, ý chí, nghị lực cho trẻ em và cộng đồng. Bên cạnh đó, nhờ hiệu quả thiết thực mà Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đem lại đó là tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng lên, tỷ lệ trẻ em đuối nước và tử vong do đuối nước đã giảm thiểu rõ rệt. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do đuối nước giai đoạn 2011 - 2015 mỗi năm trên 3000 trẻ em giảm dần là dươi 2000 trẻ em trong năm 2017 - 2018.

Cùng với những thuận lợi trên, việc triển khai Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế? Vậy đâu là những nguyên nhân thưa ông?

Thực tế quá trình triển khai Chương trình Bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em cho thấy vẫn còn một số hạn chế như nhận thức của nhiều gia đình về nguy cơ đuối nước của trẻ em chưa cao; hệ thống cơ sở vật chất và đặc biệt là giáo viên dạy bơi để triển khai chương trình tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn.

Mặc dù Chương trình có những thuận lợi như nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân, nhưng do nguồn ngân sách của các địa phương cũng như kinh tế các hộ gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn khó khăn nên thiếu bể bơi, thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn đủ năng lực để triển khai Chương trình đạt được mục tiêu, yêu cầu chuyên môn về công tác phòng, chống đuối nước. Do vậy, mặc dù tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước giảm rõ rệt, nhưng thực trạng trẻ em biết bơi giỏi vẫn đuối nước, tình trạng đuối nước tập thể rất thương tâm liên tiếp xảy ra trong dịp tết và kỳ nghỉ hè.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, trong thời gian tới, Vụ TDTT Quần chúng - Tổng cục TDTT sẽ có những biện pháp nào để nâng cao chất lượng của chương trình Bơi an toàn, hướng tới hoàn thành mục tiêu như chươnng trình đã đặt ra đến năm 2020?

Với vai trò là cơ quan tham mưu và đầu mối triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, từ năm 2019, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi, Vụ Thể dục thể thao quần chúng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy bơi, xây dựng và hướng dẫn tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học bơi và công nhận trẻ em biết bơi không chỉ chú trọng tiêu chí trẻ em biết bơi đúng kỹ thuật, bơi nhanh, bơi xa mà còn đánh giá việc các em nắm vững kiến thức phòng, chống đuối nước, thực hành tốt kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối an toàn, kỹ năng cứu bạn và tự cứu mình.

Đề xuất, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai giảng dạy, phổ biến về kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em tại 100% trường tiểu học, trung học cơ sở; đồng thời phối hợp Công ty TNHH Nestle Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn thực hành các kỹ năng phòng chống đuối nước tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tổ chức tại 05 khu vực và tại Nam Định năm 2020.

Tích cực hướng dẫn, phổ biến, triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật TDTT, trong đó: tại Khoản 3 Điều 4, Khoản 1 Điều 21 và Khoản 6 Điều 22 của Luật có quy định về chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên phát triển môn bơi trong nhà trường; đồng thời Vụ Thể dục thể thao quần chúng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan thực hiện tốt công tác quản lý đối với các cơ sở hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước khi tổ chức hoạt động và đẩy mạnh phong trào dạy bơi, học bơi cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là trẻ em, nhằm hạn chế và đẩy lùi tai nạn tử vong do đuối nước gây nên.

HP (thực hiện)