Thể thao Việt Nam đã có một kỳ ASIAN Games thành công

Chỉ còn 3 ngày nữa, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 sẽ chính thức khép lại. Tính đến thời điểm nay, đoàn TTVN với 4 HCV, 15 HCB và 13 HCĐ đang tạm xếp vị trí thứ 13 trên bảng tổng sắp huy chương. Để có cái nhìn đánh giá tổng quát về những thành công và những tồn tại của Thể thao Việt Nam tại kỳ ASIAN Games 18, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên đang tác nghiệp tại Indonesia về vấn đề này.

Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thành tích của đoàn TTVN tại ASIAN Games 2018?

Cho đến thời điểm này, đoàn TTVN cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ được giao tại ASIAN Games 2018. Đây là một kỳ Đại hội thành công nhất so với các kỳ Đại hội trước đây. Trước khi đến với đấu trường Á vận hội, đoàn TTVN đã đặt ra mục tiêu quan trọng đó là giành được tối thiểu 3 tấm HCV, trong đó có tấm HCV ở các môn Olympic. Đây là mục tiêu mà tại các kỳ Á vận hội trước chúng ta chưa từng đạt được. Và tại Á vận hội này, chúng ta đã hoàn thành khi giành được 2 HCV ở các môn Olympic, đó là tấm HCV ở môn Rowing và tấm HCV ở môn Điền kinh. Cùng với đó, nhóm môn ASIAD là Pencak Silat cũng chứng tỏ vị thế của mình ở châu lục khi mang về 2 tấm HCV.

Tất cả những tấm HCV giành được đều nằm trong sự tính toán của lãnh đạo Đoàn TTVN. Trong suốt thời gian thi đấu vừa qua, Lãnh đạo Đoàn TTVN luôn thường xuyên liên lạc với các lãnh đội và Ban huấn luyện của các đội tuyển để theo sát công tác chuẩn bị cho các VĐV thi đấu, cũng như có những động viên kịp thời để giúp cho các VĐV có tâm lý thi đấu tốt nhất.

Bên cạnh đó, thành tích của đội tuyển bóng đá nam, đội tuyển bóng chuyền nam là rất đáng để khen ngợi. Lần đầu tiên chúng ta có một đội bóng đá lọt vào Bán kết của một kỳ Á vận hội. Cùng với đó, đây cũng là kỳ Á vận hội đầu tiên đội tuyển Bóng chuyền nam giành chiến thắng trước đội tuyển bóng chuyền nam Trung Quốc. Ngoài ra, còn là sự xuất sắc của một số VĐV như Nguyễn Huy Hoàng của Bơi lội, đã vượt qua các đối thủ mạnh của Nhật Bản, Trung Quốc, giành tấm HCB đầu tiên cho Bơi Việt Nam ở đấu trường Asian Games, ở nội dung 1500m tự do rồi giành HCĐ nội dung 800m tự do, hay Trịnh Văn Vinh vượt qua chấn thương giành HCB môn Cử tạ, hạng 62kg…

Tuy nhiên bên cạnh những thành tích đạt được, chúng ta vẫn có những VĐV trọng điểm, những VĐV đã từng giành huy chương Olympic nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn tại kỳ Á vận hội này. Hiện, tôi đang chỉ đạo các bộ môn liên quan và các Ban huấn luyện có những báo cáo đánh giá, phân tích cụ thể về nguyên nhân, để từ đó rút ra kinh nghiệm trong các Đại hội thể thao sắp tới.

Ở Á vận hội lần này, một số VĐV đã không giành được thành tích như mong đợi như trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay Ánh Viên. Vậy ông đánh giá thế nào về thành tích của các VĐV này tại Á vận hội 18.

Trên hết, các VĐV luôn là người mong muốn giành chiến thắng nhất bởi các VĐV đã phải trải qua rất nhiều những tháng ngày tập luyện rất vất vả và chỉ mong có ngày có thể đem về vinh quang cho Tổ quốc. Tuy nhiên, trong thi đấu thể thao là vậy, chúng ta không thể lường trước được mọi việc bởi các VĐV còn gặp rất nhiều yếu tố tác động trong quá trình thi đấu khiến cho phong độ thi đấu của các VĐV không được như mong muốn. Các VĐV đều đã thi đấu hết sức mình, nhưng để thành công ở đấu trường Asian Games không phải là chuyện đơn giản.

Trường hợp như Hoàng Xuân Vinh hay Ánh Viên không phải là không có trong thể thao. Tại ASIAN Games lần này, VĐV Bắn súng người Hàn Quốc, người đã đem về tấm HCV cho Hàn Quốc ở Olympic cũng chỉ xếp vị trí thứ 5 và không mang về tấm huy chương nào. Có thể ở kỳ Đại hội này và có thể ở một vài giải đấu nào đó, sẽ có những phút giây họ không đạt được đúng như phong độ thi đấu của mình. Các VĐV cũng không mong muốn điều đó và cần sự cảm thông, chia sẻ từ người hâm mộ để có thể vững vàng tiếp tục tập luyện và thi đấu.

Trường hợp của Ánh Viên không giành được huy chương thật ra không phải bất ngờ, bởi trong tính toán của chúng tôi Ánh Viên không nằm trong số những VĐV cạnh tranh HCV hay HCB bởi các đối thủ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc,… đều rất mạnh. Dưới góc độ nhà quản lý chuyên môn, chúng tôi sẽ xem xét phân tích kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể, thậm chí nếu cần thiết chúng ta phải tính toán đến việc thay HLV, chuyên gia hoặc thay đổi cả địa điểm tập huấn để đạt hiệu quả cao nhất.

Vậy sau những thành công tại Á vận hội lần này, ngành TDTT có định hướng gì để hướng đến Olympic 2020, thưa ông?

Thể thao Việt Nam luôn có 3 kỳ Đại hội thể thao nối tiếp nhau, đó là SEA Games, ASIAN Games và Olympic. ASIAN Games lần này cũng là bước đệm để Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Olympic 2020. Như các bạn đã biết, đấu trường ASIAN Games hội tụ rất nhiều những gương mặt VĐV đã từng giành thành tích cao nhất ở Olympic, do vậy, Á vận hội lần này sẽ là cơ hội tốt để các nhà quản lý nhìn nhận, đánh giá lại một cách tổng quát nhất những môn thể thao, VĐV trọng điểm.

Trọng điểm ở đây được phân thành 2 loại: một là những VĐV trọng điểm để tranh huy chương ở tầm khu vực và hai là những VĐV trọng điểm xuất sắc để hướng đến mục tiêu tranh huy chương ở những đấu trường cao hơn, trong đó có ASIAN Games và Olympic. Tại Á vận hội lần này, có những VĐV còn rất trẻ nhưng đã thể hiện được phong độ thi đấu của mình, đơn cử trường hợp của VĐV Nguyễn Huy Hoàng. Huy Hoàng là VĐV mà chúng tôi đã có sự đầu tư, chuẩn bị trong khoảng 3,4 năm nay và tại ASIAN Games lần này, Huy Hoàng cũng đã phát huy được phong độ thi đấu của mình. Đây cũng là một trong những gương mặt mà chúng tôi sẽ tập trung đầu tư để hướng đến đấu trường cao hơn.

Sau khi kết thúc Đại hội, ngành TDTT sẽ làm việc với các chuyên gia cũng như Ban huấn luyện từng môn thi đấu để có sự đánh giá và phân tích một cách tổng thể cũng như có sự tính toán sát hơn, phù hợp hơn với những môn trong diện chuẩn bị cho SEA Games 29 và SEA Games 31 cũng như chuẩn bị cho các đấu trường lớn hơn, mà trước mắt là Olympic Tokyo 2020.

KC ghi (từ Jakarta, Indonesia)

Ảnh trong bài
  • Thể thao Việt Nam đã có một kỳ ASIAN Games thành công