|
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng, Tổng cục TDTT (Ảnh:NVCC ) |
Xin ông cho biết những nội dung cụ thể của chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2018?
Chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, trong năm 2018 việc xây dựng triển khai Chương trình này đã có những điểm mới, với những nhiệm vụ đột phát. Cụ thể, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ.
Thứ Nhất: Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền. Hoạt động thông tin tuyên truyền trong năm 2018 được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đối với mọi đối tượng, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào trẻ em học bơi gắn với việc phổ biến, tuyền truyền cho học sinh, thiếu nhi về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Tổng cục TDTT đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phổ biến tài liệu dành cho hướng dẫn viên dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em; Biên soạn, in ấn và phổ biến tới các đơn vị, trường học 10.000 tranh kỹ thuật dạy Bơi các kiểu (trường sấp, bơi ếch), 5000 tờ gấp về kỹ năng phòng, tránh đuối nước; 10.000 quyển tài liệu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ em; Xây dựng và phát sóng hàng ngày trên Đài truyền hình Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 9/2018 nội dung 40 clip hướng dẫn về kỹ thuật cơ bản các kiểu bơi ếch, bơi trườn sấp; hướng dẫn xây dựng các mô hình bể bơi, hồ bơi đơn giản phục vụ dạy bơi, phòng chống đuối nước trẻ em, phổ biến các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, giới thiệu những điển hình tiên tiến về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em của các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, tình hình phối hợp triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước của 63 tỉnh/thành được đăng tải, đưa thông tin trên các trang website ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phát sóng trên đài truyền hình địa phương.
Thứ hai: Phát động phong trào trẻ em toàn quốc học bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước. Nhằm đẩy mạnh phong trào trẻ em toàn quốc tích cực tham gia học bơi phòng, chống đuối nước, Tổng cục TDTT tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn Sở VHTTDL, Sở VH TT 63 tỉnh/thành tổ chức phát động trẻ em tập luyện môn bơi và học kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước. Tùy theo điều kiện của các đơn vị, địa phương, ngành VHTTDL sẽ tổ chức phát động phong trào trẻ em học bơi và kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước tại tất cả các loại hình bể bơi hiện có trên địa bàn trong dịp hè 2018.
Lễ phát động cấp toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 20/5/2018 với sự tham gia của 3000 em thiếu nhi, học sinh. Tại đây, các em sẽ được bơi miễn phí, được chơi một số trò chơi dưới nước, được tham gia thi tìm hiểu kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước và các trò chơi dân gian. Đặc biệt, tại Lễ phát động, các em được nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của việc học bơi, học kỹ năng phòng, chống đuối nước, em các sẽ tích cực tham gia học bơi và tích cực tuyên truyền, vận động bạn bè cùng tham gia học bơi và học kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước.
Thứ Ba: Hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với Hội Đồng đội trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan hướng dẫn các xã, phường, trường học của 63 tỉnh/thành triển khai phổ cập bơi cho trẻ em và hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, công nhận trẻ em biết bơi; Tổng cục TDTT cũng sẽ tổ chức các đoàn cán bộ đi kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức phổ cập Bơi và kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em của các tỉnh, thành nhằm rút kinh nghiệm, học tập, triển khai cách làm hiệu quả của một địa phương để nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình “trẻ em toàn xã biết bơi”. “học sinh toàn trường biết bơi”.
Thứ Tư: Tập huấn đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ. Trong năm 2018, Tổng cục TDTT phối hợp với các đơn vị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về Bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho khoảng 600 cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên của 63 tỉnh, thành (tại 3 khu vực Hà Nam, Khánh Hòa và Bến Tre). Ngoài ra, Tổng cục TDTT cũng hỗ trợ tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho 300 tuyên truyền viên là cán bộ phục trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư của 63 tỉnh, thành về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Năm 2018, Chương trình, giáo án tập huấn được đổi mới giúp cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên có phương pháp tổ chức hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đối tượng là trẻ em và đặc thù, điều kiện của từng đơn vị, địa phương.
Thứ Năm: Tổng cục TDTT phối hợp với Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục &ĐT tổ chức Giải Bơi học sinh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc “Đường đua xanh năm 2018 tại Đà Năng cuối tháng 7/2018 và Hội thi Bơi lặn cứu đuối toàn quốc tháng 8/2018 tại Đồng Tháp. Trong đó, giải Bơi thiếu nhi toàn quốc “Đường đua xanh” năm 2018 là dịp để đánh giá phong trào học sinh, thiếu niên, nhi đồng tham gia học bơi. Khác với năm 2017, Giải bơi “Đường đua xanh” năm 2018 sẽ đánh giá toàn diện kết quả học bơi an toàn của các em, Giải bơi không chỉ đành giá về thành tích bơi lội mà đánh giá cả sự nắm bắt kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước của các em. Hội thi bơi, lặn, cứu đuối toàn quốc năm 2018 được tổ chức nhằm đánh giá về kỹ năng, trình độ chuyên môn của cán bộ, hướng dẫn viên làm công tác phòng, chống đuối nước thuộc các ngành, đoàn thể trong 63 tỉnh/thành.
Thưa ông, vậy trong các nhiệm vụ trên thì đâu là điểm nhấn trong chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em năm 2018. Sự kiện này có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với phong trào tập luyện môn Bơi trong lứa tuổi học đường?
Mặc dù các nhiệm vụ triển khai về Chương trình bơi đã được tổ chức thường niên, nhưng số vụ đuối nước, số trẻ em ở các địa phương bị tử vong do đuối nước vẫn xảy ra nhiều. Chính vì vậy, năm 2018 ngành VHTTDL quyết định tổ chức "Lễ phát động trẻ em toàn quốc học bơi". Đây là điểm nhấn trong Chương trình năm nay. Việc tổ chức Lễ phát động nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của tập luyện bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước trẻ em.
Hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi, đặc biệt là trẻ em tích cực tham gia học bơi để phòng, chống đuối nước và giúp trẻ em phát triển thể lực, tầm vóc. Đồng thời, thông qua sự kiện này, vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội được nâng lên góp phần thúc đẩy phòng trào trẻ em học bơi an toàn phòng, chống đuối nước. Với ý nghĩa đó, kể từ năm 2018, Lễ phát động tại các đơn vị, địa phương sẽ được tổ chức hàng nằm và được đẩy mạnh trong dịp trẻ em, học sinh được nghỉ hè.
Việc triển khai thực hiện chương trình Bơi phòng, chống đuối nước gặp những khó khăn như cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn lực giáo viên dạy Bơi… ông có thể cho biết ngành TDTT đã có những giải pháp như thế nào để cùng với các Bộ, ngành chung tay thực hiện xóa mù Bơi?
Để giảm tải tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ em, trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước ta và các Bộ, ngành, đoàn thể rất quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ BVTTDL đã tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động cũng như ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Qua đó, nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước của ngành VHTTDL về hoạt động Bơi và đồng thời cũng là những giải pháp nhằm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khắc phục những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, bể bơi và nguồn nhân lực để triển khai đạt hiệu quả Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trên địa bàn.
Mặc khác, chúng tôi đều chú trọng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cùng với việc kiểm tra, đánh giá thực tế cũng như căn cứ vào những kiến nghị từ các địa phương để kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Đơn cử như việc áp dựng Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL (Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn) vào thực tế hiện nay thì rất khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai do vướng mắc về việc quản lý các mô hình bể bơi đơn giản vì các bể bơi đơn giản không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định mà Thông tư đề ra. Chính vì vậy, Tổng cục TDTT đã tham mưu Bộ VHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư đó nhằm giúp cho địa phương có nhiều cơ sở vật chất hơn nữa phục vụ cho việc tập luyện môn Bơi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hướng mở cho các Liên đoàn hiệp hội, các địa phương một cách toàn diện để cho cả xã hội cùng làm, qua đó, giúp cho phong trào tập bơi và phòng chống đuối nước đạt hiệu quả cao.
Ví dụ: trong điều kiện hiện nay, nhiều địa phương không có điều kiện làm bể bơi cứng (bể bơi theo quy chuẩn về chiều dài, chiều rộng, tiêu chuẩn về nước…) thì chúng tôi hướng dẫn cách làm bể bơi thông minh hay cách làm sạch ao hồ; hướng dẫn cách thức, tháo gỡ khó khăn cho địa phương như huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cá nhân, phụ huynh… để có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tập luyện và phổ cập môn Bơi để hướng tới mục tiêu xóa mù bơi.
Song song với đó, hàng năm Tổng cục TDTT tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thuộc các ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành VHTTDL, cán bộ làm công tác Đoàn, Đội, cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo về trẻ em. Hoạt động này nhằm khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, giáo viên dạy bơi. Thông qua Chương trình, đội ngũ cán bộ nòng cốt được đào tạo, tập huấn tiếp tục giúp các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn để xây dựng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, trường học thuộc 63 tỉnh/ thành.
Đối với cơ sở vật chất phục vụ cho việc phổ cập bơi cho trẻ em, trong thời gian qua, Tổng cục TDTT đã khuyến khích các tỉnh/thành phố tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, lắp ghép các loại hình bể bơi phục vụ cho việc dạy bơi, học bơi cho trẻ em; Đồng thời hướng dẫn Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành tăng cường vai trò quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn, vệ sinh, an toàn của các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, tạo điều kiện phát triển phong trào dạy bơi, học bơi cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là trẻ em, nhằm hạn chế và đẩy lùi tai nạn tử vong do đuối nước gây nên.
Đặc biệt, Luật TDTT sửa đổi hiện nay đã chỉ rõ Bơi là môn học được khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trong các trường học. Điều này hứa hẹn phong trào tập luyện môn Bơi trong các nhà trường, trong đó việc đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực cho Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng được quan tâm và đạt kết quả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
PV thực hiện