Năm 2018: TTVN tập trung xây dựng các nhiệm vụ mang tính đột phá

Tổng kết năm 2017, toàn ngành TDTT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo được nhiều ấn tượng mạnh mẽ trên các lĩnh vực từ công tác quản lý nhà nước tới công tác chuyên môn. Đây cũng là năm được xem là đòn bẩy để tạo sự chuẩn bị tốt nhất trong việc thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng năm 2018 phát triển cũng như hướng đến việc giành thành tích cao tại Asiad 2018 và xa hơn là Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. Nhân dịp Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng
(Ảnh: Y Trang)
Ông có thể cho biết đôi nét về những thành tích nổi bật của ngành Thể dục Thể thao trong năm 2017?

Có thể nói năm 2017, toàn ngành TDTT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, kết quả nổi bật phải kể đến việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao đã được trình xin ý kiến lần thứ nhất Quốc hội tại phiên họp ngày 15/11. Cũng trong năm 2017, Tổng cục TDTT đã trình Bộ VHTTDL 20 Thông tư quy định về các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn nhân viên chuyên môn của nhiều môn thể thao...

Ở lĩnh vực TDTT quần chúng, năm 2017 cũng tạo nhiều điểm nhấn với việc tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, thu hút hơn 6 triệu người tham dự. Đại hội TDTT các cấp đến nay đã được tổ chức thành công ở 10.925/11.162 xã, phường, 544/713 quận, huyện và 08/63 tỉnh/thành. Bên cạnh đó, Tổng cục TDTT đã tổ chức 29 Hội thi, giải Thể dục thể thao quần chúng cấp quốc gia với tổng số 10.325 VĐV, 1.667 HLV tham dự, tổ chức 36 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho 4.978 cán bộ, trọng tài, HLV, hướng dẫn viên, cộng tác viên, giáo viên môn giáo dục thể chất, nhân viên cứu hộ trên cả nước. Hoạt động Thể dục, Thể thao trong chương trình xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, tính đến nay đã có 2.766 xã (chiếm tỷ lệ 31,1%), 34 quận, huyện (chiếm 20,9%) có thiết chế về Thể dục Thể thao đạt chuẩn theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Song song với việc phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao ghi dấu ấn với thành tích đạt được tại SEA Games 29. Đoàn thể thao thi đấu xuất sắc giành được tổng cộng 168 huy chương các loại, trong đó 59 HCV, 49 HCB, 60 HCĐ, phá 12 kỷ lục SEA Games và xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự SEA Games 29, trong đó các môn thể thao Olympic giành được 51/59 HCV, chiếm trên 86% tổng số huy chương của đoàn. Đây cũng là kỳ SEA Games đầu tiên đội tuyển Điền kinh Việt Nam vượt qua đội tuyển Điền kinh Thái Lan để đứng đầu khu vực Đông Nam Á; đội tuyển Bơi xuất sắc giành 10 HCV, phá 5 kỷ lục SEA Games, qua đó phát hiện nhiều tài năng trẻ như Kim Sơn, Huy Hoàng,...

Bên cạnh thành tích đạt được tại SEA Games 29, năm 2017 cũng là năm mà các VĐV Việt Nam giành được nhiều thành tích đáng khích lệ trên đấu trường thể thao châu lục và thế giới. Điển hình như ở môn Quyền anh, VĐV Trần Văn Thảo giành đai WBC châu Á lịch sử; hay ở môn Taekwondo, võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền đã thi đấu xuất sắc khi lần đầu tiên giúp Taekwondo Việt Nam giành tấm HCB đầu tiên tại giải vô địch thế giới ở nội dung đối kháng,... Bóng đá Việt Nam cũng giành thành tích ấn tượng khi lần đầu tiên có 6 đội tuyển Bóng đá quốc gia (đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia, đội tuyển Bóng đá nam quốc gia, đội tuyển Bóng đá U23 nam,...) giành quyền tham dự vòng chung kết châu Á. 

Bên cạnh những kết quả có được, hẳn toàn ngành vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thưa ông?

Tôi cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm qua toàn ngành vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn và những tồn đọng cần phải khắc phục trong trong thời gian tới như: Đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, nhất là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án còn thiếu quyết liệt, thiếu cụ thể dẫn đến nhiều văn bản ban hành còn chậm so với kế hoạch đề ra; Công tác xây dựng kế hoạch tập huấn của các đội tuyển chưa sát, còn phải điều chỉnh kế hoạch của các đội tuyển; Một số đơn vị có đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, giải quyết dứt điểm chậm, gây ảnh hưởng tới tình hình công tác của đơn vị.

Cùng với đó, về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, ý thức tổ chức, kỷ luật cho đội ngũ HLV, VĐV, đội ngũ cán bộ, trọng tài điều hành các giải thi đấu chưa được quan tâm đúng mức nên ở một số cuộc thi đấu, trọng tài điều hành còn chưa được chính xác. Bên cạnh đó, lãnh đạo, HLV, VĐV một số đội bóng ở giải V League đã có hành vi thi đấu thiếu văn hóa, phi thể thao. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 đã có những cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, còn một số môn thể thao đã không đạt chỉ tiêu đề ra.

Sở dĩ vẫn còn những tồn tại đó là bởi công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt. Một số cán bộ, HLV, VĐV, trọng tài thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong, chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong công tác, tập luyện, thi đấu; Chế tài xử phạt chưa thực sự nghiêm khắc nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, bạo lực, thiếu văn hóa; công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa, ứng xử cho HLV, VĐV trọng tài chưa tốt, chưa được tiến hành thường xuyên.

VĐV Việt Nam ít có cơ hội được thi đấu cọ xát ở đấu trường quốc tế nhằm nâng cao, ổn định tâm lý và kinh nghiệm thi đấu, đặc biệt là tại các giải thể thao quốc tế có quy mô lớn, nơi tập trung các VĐV có trình độ chuyên môn tầm châu lục và thế giới. Trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu của các VĐV Việt Nam nhìn chung còn thiếu những vẫn lạc quan hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Thưa ông, ông có thể cho biết mục tiêu của toàn ngành trong năm 2018?

Năm 2018, có rất nhiều việc cần phải làm song có lẽ mục tiêu lớn nhất của toàn ngành chính là việc hoàn thiện dự thảo đề án Luật, sửa đổi bổ sung Luật Thể dục, Thể thao để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp dự kiến vào tháng 5 năm 2018. Cùng với đó, Tổng cục TDTT sẽ tập trung tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoàn thiện thể chế về Thể dục Thể thao, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án được giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Hướng đến số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 31,5%, số gia đình tập luyện thể dục, thể thao đạt 23,5%, phấn đấu giành 2 - 3 HCV tại Asiad 18 và đạt thành tích cao nhất tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Châu Á, Olympic trẻ, các giải thể thao khu vực, châu Á và thế giới. Tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII.

Ngoài các mục tiêu về quản lý nhà nước và công tác chuyên môn, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác về Thể dục Thể thao đã được ký kết với quốc gia trong khu vực và trên thế giới, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác thể dục thể thao với các nước ASEAN, các nước có nền thể thao mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hungary,.... Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Tổng cục, thực hiện tinh giản biên chế tại các đơn vị trực thuộc theo quy định; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Trung tâm HLTT quốc gia, phục vụ cho các đội tuyển, tập trung cho các môn thể thao trọng điểm, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và học tập văn hóa cho các VĐV thể thao tại các Trung tâm HLTT quốc gia.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
 

N.H

Ảnh trong bài
  • Năm 2018: TTVN tập trung xây dựng các nhiệm vụ mang tính đột phá