Trường Đại học TDTT Đà Nẵng mở rộng đào tạo thêm kỹ năng mềm cho sinh viên

Đó chính là 1 trong những mục tiêu về công tác đào tạo mà trường Đại học TDTT Đà Nẵng sẽ hướng đến trong thời gian tới, được PGS.TS Lê Đức Chương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Đà Nẵng chia sẻ với phóng viên Trang tin Điện tử TDTT Việt Nam (www.tdtt.gov.vn) hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập trường.

PGS. TS Lê Đức Chương - Bí thư Đảng Ủy, Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Đà Nẵng (Ảnh: NPV)

 Ông có thể cho biết đôi nét về những thành tựu nổi bật của trường Đại học TDTT Đà Nẵng trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển?

Trường Đại học TDTT Đà Nẵng tiền thân là Trường Trung học TDTT Trung ương III, năm 1997 được nâng cấp thành trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành trường Đại học TDTT III Đà Nẵng vào năm 2007. Trải qua, 40 năm xây dựng và phát triển với mục tiêu nhằm đào tạo cán bộ TDTT cho phong trào TDTT trên toàn quốc, hiện nay Trường có 2 cơ sở với diện tích 50 ha được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, xứng đáng là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học TDTT của khu vực miền Trung Tây Nguyên. 

Với sự giúp đỡ của các trường Đại học TDTT trên toàn quốc, trường đã xây dựng thành 1 trường chính quy hiện đại với 3 khoa: Giáo dục thể chất, huấn luyện TDTT và quản lý TDTT; đã có hơn 12000 sinh viên ra trường và trở thành các huấn luyện viên, cán bộ làm việc trong ngành TDTT trên toàn quốc. Tự hào với bề dày truyền thống và bản lĩnh của nhà trường trong 40 năm qua, trường đã vinh dự nhận được Huân chương lao động hạng Ba (năm 1997), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2012) và nhiều danh hiệu khen thưởng cho các cá nhân và tập thể...

Cùng với đó, trong suốt 40 năm qua, trường đã tạo nên những nét truyền thống riêng, rất đáng tự hào, đó là: Tinh thần "đoàn kết - tương thân tương ái", cần cù, lao động hết mình vượt qua mọi khó khăn vì sự nghiệp giáo dục và TDTT; Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và thường xuyên học tập là nhu cầu tự thân của nhiều viên chức, thầy cô trong nhà trường. Bên cạnh đó là sự quan tâm, sẵn sàng sẻ chia khó khăn với cộng đồng của cán bộ, giáo viên và sinh viên, bằng việc bớt đi những ngày lương, đồng tiền tiết kiệm để gửi tới đồng bào miền Trung bị bão lụt, chia sẻ nỗi đau với những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, những mảnh đời tật nguyền bất hạnh,…

Như vậy, có thể nói thành công trường Đại học TDTT Đà Nẵng có được là nhờ những giá trị cốt lõi được xây dựng lên từ truyền thống, trách nhiệm xã hội của thầy, trò nhà trường trong suốt 40 năm qua đối với sự nghiệp TDTT của đất nước.

Giờ học môn Taekwondo (Ảnh: NPV)

Từ những thành tựu nổi bật trong 40 năm qua, với vị trí là người đứng đầu của trường, ông có thể cho biết kế hoạch cũng như định hướng mang tính chất đột phá của trường trong thời gian tới ?

Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã đào tạo sinh viên của 3 khoa một cách bài bản và mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp đào tạo thêm các chuyên ngành khác để nâng cao chất lượng của sinh viên như việc phối hợp với các Liên đoàn Thể thao trên toàn quốc để mở các lớp trọng tài, huấn luyện viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp ở các môn thể thao và trao các chứng chỉ theo mã ngành do Trường Đào tạo; Tổ chức các sự kiện thể thao để sau khi các em sinh viên tốt nghiệp có thêm nhiều cơ hội tìm việc làm khác. Đến nay trường đã đào tạo được 5 khóa đào tạo sau Đại học và sang năm 2018 tiến tới đào tạo các mã ngành chất lượng cao.

Bên cạnh đó, trường cũng tập trung xây dựng và thực hiện mô hình quản lý hiện đại trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mang tính thiết thực, hoạt động dịch vụ thể thao theo tiêu chuẩn của trường Đại học TDTT hàng đầu Việt Nam và hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; Cụ thể như:  nâng cao chất lượng giảng dạy bằng các biện pháp đa dạng, hiệu quả; cải tiến phương pháp và quy trình quản lý đào tạo đại học và sau đại học thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống các tiêu chí kiểm định chất lượng; tạo môi trường hiện đại, sáng tạo để đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học phát huy hết khả năng nghề nghiệp chuyên môn, tính tự chủ, tự quản lý, linh hoạt trong công việc.
 

Tăng cường, mở rộng các hoạt động quan hệ quốc tế, đa dạng hóa trong hợp tác đào tạo, phát triển cơ sở vật chất TDTT; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thư điện tử, tin học hóa toàn bộ công tác quản lý trong nhà trường. Tập trung hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực TDTT mang tính thiết thực; phối hợp với các trường đại học TDTT trong và ngoài nước nghiên cứu các đề tài khoa học; xây dựng và hoàn thiện hệ thống Thư viện điện tử; tin học hóa toàn bộ công tác quản lý trong nhà trường....

Đặc biệt, để công tác đào tạo của nhà trường ngày càng hiệu quả và đi vào thực tiễn hơn, trong định hướng phát triển của trường, chúng tôi đã đang và sẽ xây dựng, đưa vào giảng dạy thêm các tiết học về lý thuyết lẫn thực hành, nhằm trau dồi các kỹ năng mềm cho sinh viên như: Kỹ năng sống, kỹ năng học và tự học, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm... Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo mở thêm nhiều mã ngành khác về lĩnh vực TDTT để giúp các em sinh viên có thể phát huy hết khả năng ở nhiều mặt.

Thưa ông! Vài năm trở lại đây, các trường Đại học, Cao đẳng nghệ thuật, năng khiếu, điển hình như ngành TDTT trên cả nước không còn thu hút đông đảo sinh viên theo học như trước, vậy ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?

Cũng giống như các trường nghệ thuật, khối năng khiếu khác, do đặc thù về phát triển xã hội, các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước trong vài năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh như việc nới lỏng hơn về công tác tuyển sinh, mở hàng loạt các mã ngành đào tạo không chuyên,.. Điều này dẫn tới số lượng sinh viên không tập trung được vào các trường chuyên ngành mà bị dàn trải, chất lượng đào tạo không cao, sinh viên khi ra trường không có việc làm.

Trong khi đó, các trường khối năng khiếu như trường Đại học TDTT Đà Nẵng đều có những đặc thù nhất định. Với các sinh viên có năng khiếu về thể thao (thường là các em đã đang tập luyện và thi đấu tại địa phương hay đã có thành tích thể thao tại các giải đấu thành tích cao, quần chúng), điểm thi văn hóa sẽ không được cao so với các bạn cùng lứa theo học các khối A, B, C, D, trong khi quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm gần đây yêu cầu điểm sàn văn hóa đầu vào tại các trường. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác tuyển sinh đầu vào của nhà trường trong vài năm trở lại đây.

Đứng trước thực trạng đó, Ban giám hiệu và các cán bộ, giảng viên trường Đại học TDTT Đà Nẵng luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, liên tục trau dồi thêm các kỹ năng, vốn hiểu biết về xã hội, đan xen kết hợp với các bài học chính khóa là các kỹ năng sống nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng sinh viên có lối sống văn minh, vững vàng và tự tin hơn trong cuộc sống. Để khi ra trường sẽ trở thành những người có ích cho xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại cùng với vốn sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong công việc.       

Theo tôi, để thu hút được đông đảo sinh viên theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng nghệ thuật, năng khiếu, các cơ quan chủ quản các trường Đại học, đặc biệt là khối nghệ thuật, năng khiếu nên giao quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tự chủ trong quy chế tuyển sinh dựa vào đặc thù của từng trường. Trường phải luôn đổi mới trong cách dạy, ngoài việc tập trung đào tạo tốt các kỹ năng cứng (học chuyên ngành), thì cần chú trong hơn nữa tới công tác đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên. Có như vậy, mới thu hút được đông sinh viên và khi ra trường các em mới có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

NPV thực hiện 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT Đà Nẵng mở rộng đào tạo thêm kỹ năng mềm cho sinh viên