|
Ông Vũ Thế Phiệt trả lời phóng vấn (Ảnh: Kim Tuyến) |
Tính tới thời điểm này, công tác chuẩn bị của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn tất và chuẩn bị lên đường sang Kuala Lumpur thi đấu, ông có thể chia sẻ một vài thông tin về đoàn tham dự Đại hội lần này?
Năm nay đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Asean Paragames lần thứ 9 với 141 VĐV tranh tài ở 8/16 môn thể thao thi đấu: Cử tạ, Bơi lội, Điền kinh, Cờ vua, Cầu lông, Boccia, Bóng bàn và Bóng đá. Số lượng VĐV Việt Nam tham dự năm nay có nhỉnh hơn so với các năm trước và số môn thi đấu cũng nhiều hơn. Đặc biệt với khí thế giành được HCV tại Paralympic 2016, tinh thần các đội tuyển năm nay đều phấn khởi và tỏ rõ sự quyết tâm của chính mình.
Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội lần này, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam gặp khó khăn gì, thưa ông?
Hiện nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất và không còn vướng mắc gì đặc biệt đối với đoàn. Khó khăn duy nhất mà đoàn gặp phải là sự thay đổi nội dung thi đấu liên tục của nước chủ nhà Malaysia. Phải cho đến ngày hôm qua (10/9), Ban tổ chức mới công bố điều lệ thi đấu của từng bộ môn. Đây không chỉ là khó khăn của riêng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam mà còn là của nhiều quốc gia khác. Trước đây, có nhiều VĐV có thể tham gia được 5 nội dung nhưng năm nay, do Ban tổ chức cắt giảm nên chỉ còn có thể thi đấu ở 1 nội dung hoặc có những VĐV không thể tham gia tranh tài. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các VĐV.
Những khó khăn trên ít nhiều có ảnh hưởng đến mục tiêu của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội lần này?
Đây là một sự kiện thể thao mang đậm tính nhân văn. Chúng tôi không đặt mục tiêu tranh chấp thứ hạng cho các VĐV của mình mà chỉ hướng đến mục đích phấn đấu vượt lên chính mình nhưng cũng đồng thời phải nhắm tới giành các kỷ lục thế giới. Bởi thứ hạng này phần nào sẽ không thể phản ánh được đúng thực chất của đoàn Việt Nam do Ban tổ chức Malaysia còn nhiều vấn đề về sức ép. Qua việc giành nhiều kỷ lục, sẽ giúp ta đánh giá được chất lượng của Thể thao người khuyết tật Việt Nam để hướng tới các giải Asian Para Games 2018 tại Indonesia hay Paralympic tại Tokyo 2020.
Vậy trong số 8 môn thể thao tham dự Asean Paragames lần này thì đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam kỳ vọng đặc biệt vào những bộ môn nào, thưa ông?
Chúng tôi vẫn kỳ vọng vào ba bộ môn thế mạnh của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam là Cử tạ, Bơi lội và Điền kinh. Còn lại một vài nội dung mới như Bóng đá khiếm thị, Boccia,… cũng sẽ cố gắng giành huy chương. Đặc biệt, năm nay đoàn cũng cử một số VĐV trẻ sang thi đấu để những VĐV này có thêm kinh nghiệm cũng như kỹ, chiến thuật để chuẩn bị cho giải Châu Á tại Indonesia vào năm sau. Đây cũng sẽ là lực lượng hứa hẹn có thể giành huy chương cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Asean Paragames năm nay.
Tại Đại hội lần này, đồng hành cùng các VĐV có rất nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?
Chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các đơn vị như: Công ty Hebalifer, Quỹ Paraport Việt Nam, Công ty Thể thao Động lực, Công ty TNHH Yến sào Khánh Hoà…. Đây là những nhà tài trợ đã đồng hành cùng Thể thao người khuyết tật Việt Nam nhiều năm qua và năm nay họ cũng vẫn sát cánh cùng chúng tôi. Chúng tôi luôn bày tỏ lòng cảm ơn đến các đơn vị tài trợ cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT và các Sở thể thao địa phương…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này, chúc đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao khuyết tật Đông Nam Á - Asean Paragames 9.
Hồng Anh