Kết thúc SEA Games 29: TTVN hoàn thành ba mục tiêu đặt ra

Một kỳ SEA Games được đánh giá là nhiều khó khăn đặt ra đối với TTVN đã chính thức khép lại. TTVN đã xuất sắc hoàn thành ba mục tiêu đặt ra trước khi tham dự Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á đó là giành từ 49 - 59 HCV, đứng trong tốp đầu các môn Asiad và Olympic, đứng trong tốp ba các quốc gia tham dự. Liên quan tới công tác tổng kết Đại hội, phóng viên Trang tin điện tử Tổng cục TDTT đã có cuộc trao đổi với Trưởng đoàn TTVN - ông Trần Đức Phấn xung quanh những vấn đề này.

Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn trả lời phóng vấn (Ảnh: Thịnh-Thu)
Kết thúc SEA Games 29, Việt Nam đã giành được 58 HCV, xếp thứ 3 toàn đoàn. Với tư cách là Trưởng đoàn TTVN ông đánh giá thế nào về thành tích này?

Trước khi lên đường tham dự SEA Games 29, chúng ta đặt ra ba chỉ tiêu đó là tốp ba các quốc gia tham dự Đại hội, giành từ 49 – 59 HCV và đứng trong tốp đầu đối với các môn thể thao Asiad và Olympic. Như vậy, với thành tích 58 HCV đạt được và là một trong top đầu các môn Asiad và Olympic, chúng ta đã hoàn thành được chỉ tiêu đặt ra. Chúng ta đã có những môn thể thao Olympic thi đấu rất thành công như Điền kinh, Bơi tuy nhiên cũng có nhiều môn chưa đạt thành tích như kỳ vọng là Bắn súng, Bắn cung, Taekwondo, nếu được như mong muốn sẽ giúp mục tiêu tốp Ba của TTVN vững chắc hơn.

Chỉ hơn 1 HCV so với Singapore (57 HCV) nhưng TTVN vẫn bảo vệ được ngôi vị tốp Ba quốc gia đứng đầu Đại hội, thực sự tôi vô cùng vui mừng. Có được thành công này, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả VĐV thân yêu, HLV, các thành viên đoàn TTVN, người hâm mộ quê nhà, giới truyền thông, các nhà tài trợ.... Đặc biệt, tại kỳ SEA Games năm nay, TTVN nhận được sự khích lệ thường xuyên từ phía lãnh đạo ngành VHTTDL, trong đó có Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện hàng ngày gọi điện, nhắn tin thăm hỏi, gửi lời động viên kịp thời tới các VĐV thân yêu.

Bản thân tôi đánh giá SEA Games 29 là kỳ Đại hội thành công đối với đoàn TTVN.  

Ông có thể chia sẻ đôi điều về môn thể thao mà ông ấn tượng nhất và những tấm huy chương ghi dấu ấn đặc biệt đối với ông tại SEA Games năm nay?

Điền kinh là môn thể thao thực sự gây ấn tượng mạnh đối với tôi bởi mục tiêu đặt ra cho môn thể thao này tại hai kỳ SEA Games 2017 và 2019 là phải san bằng số lượng huy chương đối với đối thủ mạnh nhất trong khu vực là Thái Lan. Thế nhưng, ngay tại kỳ SEA Games 29, Điền kinh Việt Nam đã làm nên một thành tích tuyệt vời khi vượt qua Thái Lan với 17 HCV, qua đó đứng đầu bảng tổng sắp huy chương theo môn. Thành tích này của Điền kinh Việt Nam đã được bạn bè khu vực tham gia Đại hội ghi nhận, ngay Trưởng đoàn Thể thao Thái Lan cũng nhiều lần ca ngợi về thành công của Điền kinh Việt Nam đã góp phần làm thay đổi cục diện của môn thể thao nữ hoàng tại SEA Games lần này.

Còn đối với những tấm huy chương ghi dấu ấn đặc biệt đối với tôi có thể kể đến là 3 chiếc HCV của Tú Chinh (Điền kinh), hay HCV của tài năng trẻ Kim Sơn (môn Bơi), chiếc HCV với thành tích nghẹt thở của Hà Minh Thành (môn Bắn súng)

Chúng ta đã hoàn thành ba mục tiêu đặt ra trước khi tham dự SEA Games 29, trong đó có mục tiêu đứng trong tốp đầu các môn Asiad và Olympic. Vậy ông cho biết sau kỳ SEA Games lần này, TTVN sẽ có sự đầu tư như thế nào cho các môn thể thao trọng điểm mà đặc biệt là các môn thể thao Olympic?

Một số VĐV Olympic đã lớn tuổi nên sẽ phải rà soát, mà thậm chí đã rà soát ngay tại SEA Games 29, nhất là các VĐV trọng điểm. Ngay sau Đại hội, ngành thể thao sẽ tiến hành làm việc với lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích Cao 1, 2 để tập trung khoảng gần 100 VĐV trọng điểm nhằm chuẩn bị cho Asiad năm 2018 cũng như vòng loại Olympic 2020. Trong đó, Bơi và Điền kinh là hai môn sẽ có kế hoạch tập trung và đầu tư, đặc biệt ngay sau SEA Games 29.

Tính sơ bộ tại Đại hội lần này, tỷ lệ số HCV các môn thể thao Olympic trên tổng số HCV đoàn TTVN giành được đạt trên 90% so với 87% của kỳ Đại hội trước. Con số này cho thấy sự đầu tư đúng hướng của TTVN cho các môn Olympic. Thực tế điều kiện tập luyện của các VĐV thành tích cao Việt Nam còn nhiều khó khăn và hạn chế, nguồn lực đầu tư cũng hạn hẹp, trang thiết bị tập luyện chưa đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế chính vì vậy nếu không đầu tư trọng điểm sẽ vô cùng khó khăn để tiến đến đấu trường Asiad và Olympic. Do đó, ngành thể thao sẽ đầu tư theo VĐV, nội dung và những môn thể thao trọng điểm.

Tâm lý luôn bị coi là điểm yếu của VĐV thành tích cao Việt Nam không chỉ tại SEA Games 29 mà còn trên nhiều sân chơi khác, vậy theo ông, để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần có những giải pháp gì?

Trước tiên tôi khẳng định, lãnh đạo đoàn TTVN cũng như Ban huấn luyện chưa bao giờ tạo áp lực tâm lý đối với các VĐV cũng như luôn tạo điều kiện tốt nhất để VĐV có được tâm lý thi đấu thoải mái nhất. Tuy nhiên, trên thực tế TTVN thực sự hạn chế trong công tác chuẩn bị tâm lý cho VĐV trong quá trình thi đấu. Việc không có bác sĩ dinh dưỡng và bác sỹ tâm lý chuyên biệt khiến các VĐV Việt Nam không vượt qua vấn đề này.

Chúng ta cần phải nghiêm túc đầu tư cho lĩnh vực này, bởi khoa học thể thao đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng tầm TTVN. Trình độ ngoại ngữ cho cán bộ tiếp cận với nguồn tài liệu nước ngoài trong lĩnh vực này còn hạn chế. Đây là vấn đề cần có sự đầu tư lớn và lâu dài chứ không chỉ trong một thời gian ngắn.

Là một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, nhưng SEA Games vẫn được coi là "ao làng", ông nghĩ sao về xu hướng tổ chức SEA Games tập trung cho các môn Olympic và Asiad?

Quan điểm cá nhân của tôi là nếu tổ chức SEA Games thì phải tính toán tổ chức các môn Asiad và Olympic là chính, đặc biệt là các môn Olympic. Đó mới thể hiện được sự phát triển thực chất của các môn thể thao cũng như đánh giá được năng lực thực sự của môn thể thao nào có thể hướng tới Asiad và Olympic. Đây là quan điểm không chỉ của riêng tôi mà rất nhiều quốc gia trong đó có Philippines cũng vậy khi đề nghị chỉ thi đấu các môn Olympic và Asiad. Nếu làm được điều đó thì sẽ rất công bằng cho các quốc gia tham dự.

Ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà tại kỳ SEA Games lần này và qua đó chúng ta tích lũy được kinh nghiệm gì cho công tác chuẩn bị tổ chức kỳ SEA Games 31 sắp tới tại Việt Nam, thưa ông?

Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà từ lễ tân đón tiếp, địa điểm ăn nghỉ, thi đấu… đặc biệt là công tác lễ tân chu đáo đối với số lượng lớn khách mời, cán bộ, VĐV, HLV… của 10 quốc gia tham dự.

Tại kỳ SEA Games nào, nước chủ nhà cũng có những điểm mạnh và những mặt hạn chế. Vấn đề cần lưu ý trong công tác chuẩn bị của nước chủ nhà đó là vấn đề giao thông, tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, Ban tổ chức cũng đã bố trí xe dẫn đường cho các đội thi đấu.

Bản thân các đội tuyển của Việt Nam cũng chủ động tới địa điểm thi đấu sớm, vì vậy chưa có trường hợp nào của đoàn TTVN bị muộn giờ thi đấu. Rút kinh nghiệm với công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 tại Việt Nam, tôi thấy vấn đề giao thông cần được đặc biệt lưu ý.

A.T

Ảnh trong bài
  • Kết thúc SEA Games 29: TTVN hoàn thành ba mục tiêu đặt ra