Những dấu ấn của thể thao Bắc Ninh giai đoạn 1997-2017

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, phong trào TDTT của tỉnh Bắc Ninh có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đặc biệt, đến năm 2017, là năm tỉnh Bắc Ninh tròn 20 năm tái lập tỉnh, đồng thời cũng tròn 10 năm triển khai và thực thi Luật TD,TT, hoạt động thể duc, thể thao Bắc Ninh đã tạo được những dấu ấn đậm nét về cả phong trào TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Ông Nguyễn Đương Bắc - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh đã chia sẻ với Trang tin TDTT Việt Nam về những kết quả mà ngành TDTT tỉnh đã đạt được cũng như những giải pháp, định hướng phát triển của thể thao Bắc Ninh trong những năm tới.

Ông Nguyễn Đương Bắc - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Y Trang )
Được biết, năm 2017 là năm tỉnh Bắc Ninh kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh (1997-2017), đồng thời cũng là tròn 10 năm (2007-2017) ngành TDTT thực thi Luật TD,TT. Vậy ông có thể cho biết những nét khái quát về phong trào TDTT của địa phương trong chặng đường 20 năm qua?

Khi mới tái lập tỉnh, thể thao Bắc Ninh với xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu, đội ngũ cán bộ mỏng, lực lượng huấn luyện viên, vận động viên vừa yếu vừa thiếu, cơ chế chính sách đãi ngộ còn nhiều hạn chế, bất cập… vượt qua những khó khăn đó, với sự đồng lòng, quyết tâm và sự nỗ lực không mệt mỏi của những người làm công tác TDTT, sau 20 năm, tái lập tỉnh, Thể thao Bắc Ninh đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều dấn ấn quan trọng.

Trước hết về thể thao quần chúng, tỷ lệ người tập luyện TDTT tăng lên nhiều lần, phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" phát triển rộng rãi tới đông đảo người dân từ người cao tuổi, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức và người lao động đều tích cực tập luyện TDTT. Hiện toàn tỉnh có trên 1.500 câu lạc bộ, điểm tập TDTT các cấp; tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30% theo tiêu chí mới (40% theo tiêu chí cũ); tỷ lệ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 20%; có 8 Liên đoàn, hiệp hội thể thao. 100% số trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng.  

Thêm vào đó, ở cấp tỉnh nhà thi đấu đa năng đi vào sử dụng từ năm 2006 đã góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua việc đăng cai các sự kiện thể thao như SEA Games, Indoor Games và các giải thể thao quốc tế khác như: giải Cầu lông quốc tế, giải Bóng chuyền nữ quốc tế... Việc đăng cai tổ chức các giải đấu quốc gia và quốc tế đã để lại ấn tượng tốt đẹp về cơ sở vật chất, công tác tổ chức cũng như sự nhiệt tình, thân thiện của người dân Bắc Ninh đối với các đoàn VĐV trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, công tác TDTT ở cấp cơ sở, các xã, phường thị trấn, thôn làng khu phố cũng luôn được quan tâm.

Hiện tại, ngoài việc dành quỹ đất cho TDTT, còn có các thiết chế tập luyện rất tốt. Bên cạnh đó, ở các khu công cộng đều có phương tiện tập luyện đơn giản phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước, nhiều chính sách đã được ban hành đã huy động được các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho lĩnh vực TDTT. Nhờ đó, hệ hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng cho TDTT đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo thống kê, ngoài những công trình thể thao có quy mô quốc gia như Sân vận động, nhà thi đấu đa năng, nhà tập luyện cho VĐV..., Hiện toàn tỉnh còn có 23 bể bơi, 57 sân Quần vợt, 31 sân bóng đá cỏ nhân tạo và hàng trăm cơ sở nhà tập, phòng tập. Đã có 3/8 huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn gồm thành phố Bắc Ninh, Gia Bình, Lương Tài. 112/126 xã, phường, thị trấn có quy hoạch quỹ đất dành cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

Về thể thao thành tích cao thì sao, thưa ông?

Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, thể thao thành tích cao của tỉnh có những bước tiến vượt bậc. Lúc đầu khi mới tái lập tỉnh, thể thao Bắc Ninh xếp thứ 46/67 tỉnh thành, ngành (Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002), sau đó vươn lên thứ 24 (Đại hội V năm 2006), rồi đến vị trí thứ 22 (Đại hội VI năm 2010) và tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, thể thao Bắc Ninh cũng hoàn thành chỉ tiêu đặt ra khi giành được 15 huy chương, xếp hạng trong tốp trung bình khá toàn quốc. Đặc biệt, từ chỗ chưa có HCV, thể thao Bắc Ninh đã có rất nhiều HCV tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế. Trong đó, dấu ấn quan trọng là Bắc Ninh đã có VĐV giành HCV giải trẻ  thế giới. Các VĐV trọng điểm của Bắc Ninh được đầu tư theo đề án và được phê duyệt.

Cho đến thời điểm này, Bắc Ninh đào tạo gần 200 VĐV của 9 môn thể thao trọng điểm gồm: Vật, Karatedo, Boxing, Cử tạ, Đấu kiếm, Cầu lông, Cờ vua, Wushu và Judo. Đây cũng chính là những môn trọng điểm nhóm 1.Trong đó, có những môn đã khẳng định được thương hiệu, như môn Vật luôn nằm trong tốp 3 toàn quốc; Boxing đưa vào đào tạo 2006, thì đến năm 2011 đã đem về tấm HCV trẻ Thế giới đầu tiên cho Việt Nam. Năm 2008, Cử tạ cũng xuất sắc giành HCB tại Olympic. Trong khi đó môn Karatedo cũng chỉ mất hai năm đào tạo đã giành được HCV tại giải Quốc gia, sau 5 năm có HCV Sea Games 24 và 25, HCĐ châu Á; Đấu kiếm, HCV trẻ châu Á...

Hàng năm ngành đều giành được từ 120 - 150 huy chương tại các giải đấu Quốc gia và Quốc tế, có 40 - 50 lượt VĐV được phong đẳng cấp Kiện tướng và VĐV cấp I. Trung bình hàng năm ngành cung cấp 20 - 30 VĐV cho các đội tuyển Quốc gia. Kết quả này đã thể hiện hướng đi đúng đắn của ngành TDTT trong việc lựa chọn những môn thể thao mũi nhọn phù hợp với điều kiện của địa phương để đầu tư và có những môn chúng tôi đào tạo 5 năm đã có huy chương quốc tế là một kết quả nằm ngoài sự mong đợi. Đây cũng chính là nguồn động viên, khích lệ to lớn để những người làm công tác TDTT, các HLV VĐV của tỉnh có thêm động lực để tiếp tục cố gắng vươn lên đáp ứng yêu cầu hội nhập với thể thao trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định, kết quả trên là điều rất đáng tự hào, bởi trong 20 năm, đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, thể thao Bắc Ninh đã có sự tiến bộ vượt bậc mà ngay chính những người lạc quan nhất cũng khó có thể hình dung nổi, khi vị thế, thứ hạng của thể thao tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao theo từng năm.

Để có được những kết quả trên, chắc hẳn ngoài chủ trương, chính sách đúng đắn còn cần rất nhiều yếu tố. Với tư cách là người đứng đầu ngành TDTT tỉnh Bắc Ninh, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để sự nghiệp TDTT của tỉnh phát triển mạnh mẽ như thời gian qua?

Đúng như vậy! Trong suốt những năm qua, thế hệ những người làm công tác TDTT tỉnh Bắc Ninh luôn trăn trở, tìm mọi giải pháp để nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc. Chính vì vậy, với phương châm "vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thiếu đâu khắc phục đến đó" chúng tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách và trưởng thành. Để có được kết quả như trên không phải chuyện một sớm một chiều, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành.

Thêm một điều thuận lợi, đó là sự ra đời của Luật TD,TT năm 2006 đã góp phần tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của TDTT đối với đời sống xã hội, với sức khỏe của nhân dân. Trên cơ sở những quy định của Luật TD,TT ngành TDTT Bắc Ninh đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các giải thể thao quần chúng (trung bình, mỗi năm tổ chức 2.000 giải giao lưu, thi đấu thể thao ctừ cấp tỉnh đến cơ sở). Đây là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tập luyện TDTT; đăng cai tổ chức các giải quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vừa giúp VĐV, HLV có thêm điều kiện cọ xát, học hỏi kinh nghiệm thi đấu, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong những năm tiếp theo, Bắc Ninh có những kế hoạch gì đề thúc đẩy sự nghiệp TDTT phát triển hơn nữa, thưa ông?

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, ngoài việc đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Chương trình đầu tư trọng điểm các môn thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”. Theo đề án, các môn thể thao thành tích cao được chia làm 3 nhóm để tập trung đầu tư. Nhóm I, những môn chủ lực của Olympic, Đại hội Thể thao châu Á, Đông Nam Á và Đại hội TDTT toàn quốc, gồm: Vật, Karate-do, BoXing, Cử tạ. Nhóm II, các môn có huy chương trong Đại hội TDTT toàn quốc và một số môn mới nhưng phù hợp với tố chất con người và truyền thống của tỉnh, như: Cờ vua, Đấu kiếm, Cầu lông, Pencaksilat... Nhóm III, nhóm các môn duy trì, phát triển và từng bước nâng cao thành tích khi có điều kiện thuận lợi, như: Điền kinh, Judo, Vovinam, Wushu, Đua thuyền, Đá cầu, Bóng chuyền nữ, Dance Sport, Xe đạp…

Đề án đặt mục tiêu từng bước xây dựng thể thao thành tích cao theo xu hướng phát triển của thể thao Việt Nam và quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách thứ hạng, trình độ thể thao thành tích cao của Bắc Ninh với các đơn vị mạnh trong khu vực Đồng bằng Bắc bộ và một số tỉnh lân cận. Đây được xem là nền tảng để thể thao Bắc Ninh đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Song song với đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu tuyển chọn, đào tạo, ứng dụng Khoa học kỹ thuật trong tuyển chọn, đào tạo theo mô hình chóp nón, đối với từng môn cụ thể. Đào tạo phong trào thì rộng, còn với từng môn, chọn những VĐV tiêu biểu để đầu tư. 3 môn trọng điểm: Vật, Karatedo và Cờ... sau đó đến Boxing, Judo, Cầu lông và các môn thể thao khác.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

HP (thực hiện)

 

Ảnh trong bài
  • Những dấu ấn của thể thao Bắc Ninh giai đoạn 1997-2017