|
Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
(Ảnh:www.gov.vn) |
Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về việc thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển Thể dục Thể thao sau 10 năm Luật Thể dục, Thể thao được đưa vào thực tiễn?
Sau 10 năm thực hiện, nhìn chung các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước về phát triển Thể dục, Thể thao đã được triển khai trong thực tiễn và có hiệu quả bước đầu. Ngân sách nhà nước cho hoạt động Thể dục Thể thao tiếp tục được gia tăng, cơ sở vật chất, sân bãi tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Hiện nay, trong cả nước có 572 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, khoảng 271.410 công trình Thể thao công cộng phục vụ cho nhu cầu tập luyện Thể dục Thể thao của nhân dân. Khoảng 60 - 70 xã, phường, thị trấn đã dành đất cho Thể dục Thể thao trong đó có khoảng 30% xã, phường có sân tập, nhà tập. Thể dục Thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có bước phát triển, Thể thao dân tộc được quan tâm giữ gìn, bảo tồn. Một số môn Thể thao như: Vovinam, Đá cầu, Võ cổ truyền... bước đầu đã được phổ biến ra quốc tế.
Tuy nhiên, có thể thấy Ngân sách nhà nước đầu tư cho Thể dục Thể thao có tăng, song tỷ trọng nói chung còn thấp, chưa thỏa đáng với nhu cầu phát triển Thể dục Thể thao trong bối cảnh hiện nay. Việc lập quy hoạch, kế hoạch dành đất cho Thể dục Thể thao đã và đang được thực hiện ở các cấp, các ngành nhưng triển khai thực hiện thực tiễn còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng; cá biệt một số trường hợp bị thay đổi quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng. Chính sách khuyến khích xã hội hóa Thể dục, Thể thao còn chưa thu hút được các nguồn lực trong xã hội.
Trong những năm qua tình hình tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Luật Thể dục, Thể thao như thế nào, thưa ông?
Có thể nói, trong quá trình thực hiện Luật Thể dục, Thể thao, một số lĩnh vực hoạt động Thể dục Thể thao như: tổ chức và hoạt động của cơ sở Thể dục Thể thao, Thể thao thành tích cao, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thể dục Thể thao… đã có các văn bản pháp quy hướng dẫn tương đối cụ thể, bước đầu tạo môi trường pháp lý ổn định để phát triển. Song bên cạnh đó, một số lĩnh vực còn thiếu văn bản hướng dẫn gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, điều hành cũng như việc triển khai các hoạt động cụ thể như Thể thao chuyên nghiệp…
Ở các địa phương và Liên đoàn, hiệp hội Thể thao tỉnh, lãnh đạo các tỉnh, thành và một số Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Quy chế để thực hiện Luật Thể dục, Thể thao về các lĩnh vực như: thành lập các cơ sở Thể dục Thể thao, chế độ chính sách cho VĐV, HLV, hướng dẫn viên Thể thao, Thể thao chuyên nghiệp, chuyển nhượng VĐV…
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thể dục, Thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được quán triệt tới các đơn vị, địa phương, ngành thông qua các Hội nghị, lớp bồi dưỡng, các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Sở VHTT, Tổng cục TDTT, các ngành tổ chức nhằm thống nhất nhận thức và hành động để triển khai các quy định của Luật Thể dục, Thể thao.
Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức Hội nghị riêng quán triệt Luật Thể dục, Thể thao cho các đối tượng liên quan đến địa bàn, mời báo cáo viên là những người trực tiếp tham gia xây dựng Luật Thể dục, Thể thao đến phổ biến. Sở VHTTDL phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và cùng các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thể dục, Thể thao tại địa phương với nhiều hình thức khác nhau.
Nhiều địa phương, đơn vị cấp huyện có tổ chức Hội nghị, lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Thể dục Thể thao, trong đó đưa Luật Thể dục, Thể thao là nội dung trọng tâm. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực Thể dục Thể thao được nâng lên một bước, các cấp ủy Đảng và Chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đã quan tâm và hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác Thể dục Thể thao, từng bước tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong Luật Thể dục, Thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về Thể dục Thể thao.
Để phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, hòa nhập với nền thể thao quốc tế, chắc hẳn việc sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao lần này sẽ có nhiều thay đổi đáng kể, thưa ông?
Sau khi lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các Bộ, ngành, địa phương dự kiến sẽ có 31 nội dung được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong Luật Thể dục, Thể thao. Trong đó, có những nội dung cụ thể hóa, có những nội dung mới để phù hợp hơn với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay cũng như phong trào phát triển Thể dục Thể thao trong nước và quốc tế.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Thể dục, Thể thao được tập trung hầu hết các lĩnh vực cụ thể như: việc thực hiện các quy định về Thể dục Thể thao cho mọi người (chương II, từ điều 11 đến điều 30). Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện, các nội dung quy định trong Luật về Thể dục Thể thao quần chúng đã bộc lộ một số những hạn chế nhất đinh. Chỉ tiêu đánh giá phong trào TDTT quần chúng gồm chỉ tiêu về người tập luyện Thể thao thường xuyên và gia đình Thể thao theo điều 12 Luật Thể dục, Thể thao chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bao quát và phản ánh hết sự phát triển Thể dục Thể thao quần chúng tại một đơn vị, địa phương. Luật còn thiếu tiêu chí đánh giá Thể dục Thể thao trong trường học, Thể dục Thể thao trong lực lượng vũ trang và Thể thao thành tích cao. Hay việc quản lý hoạt động thi đấu Thể thao quần chúng có yếu tố nước ngoài chưa được Luật Thể dục, Thể thao quy định rõ ràng. Theo đó, trước những bất cập, tồn tại kể trên sẽ có khá nhiều điều đòi hỏi cần phải được bổ sung, điều chỉnh kịp thời những nội dung trong các điều, quy định trong Luật Thể dục, Thể thao.
Về Thể thao thành tích cao, có thể nói Thể thao thành tích cao hiện nay được điều chỉnh bằng hệ thống văn bản pháp quy toàn diện nhất so với các lĩnh vực khác của hoạt động Thể dục Thể thao. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Luật Thể dục, Thể thao, các quy định về Thể thao thành tích cao đã bộc lộ một số tồn tại. Một số quy định về giải thi đấu Thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức trình tự thủ tục đăng cai tổ chức... còn chưa phù hợp với thực tiễn. Do vậy, dự kiến sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên Thể thao thành tích cao. Trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc quản lý đoàn Thể thao quốc gia. Thẩm quyền ban hành Luật thi đấu Thể thao. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện và thi đấu Thể thao thành tích cao...
Đặc biệt, đối với Thể thao chuyên nghiệp việc thực hiện, áp Luật Thể thao chuyên nghiệp đã đạt được những thành công nhất định ở các môn như Bóng đá, Bóng chuyền, Thể hình, Quần vợt. Kinh doanh, quảng cáo các giải thi đấu diễn ra sôi động, việc mua bán chuyển nhượng bản quyền truyền hình đối với các giải Thể thao đã và đang diễn ra sôi động, các Liên đoàn cũng đã có những nguồn thu đáng kể từ các hoạt động này.
Tuy nhiên, có thể thấy Thể thao chuyên nghiệp luôn gắn liền với sự vận hành của nền kinh tế thị trường hiện nay, luôn phát sinh những vấn đề tương đối cụ thể đòi hỏi pháp luật có sự điều chỉnh kịp thời. Thực tiễn thời gian qua đặt ra một số vấn đề mà quy định của Luật Thể dục, Thể thao chưa thể hiện được đó là: điều kiện xây dựng và định hướng phát triển của Thể thao chuyên nghiệp riêng biệt theo hướng chuyên nghiệp hóa từ khâu tổ chức, đào tạo, quản lý, chính sách chứ không chỉ là Thể thao thành tích cao đơn thuần... Chính điều đó, cho thấy Luật Thể dục, Thể thao cấp thiết phải bổ sung, điều chỉnh quy định với những nội dung mới phù hợp hơn để phát triển Thể thao chuyên nghiệp
Cùng với đó, những nội dung liên quan đến việc thực hiện các quy định về cơ sở vật Thể dục Thể thao hay quy định đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về Thể thao, hợp tác quốc tế cũng sẽ được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn.
Theo ông, việc ban hành và sửa đổi bổ sung Luật Thể dục, Thể thao có ý nghĩa như thế nào?
Kể từ khi Luật Thể dục, Thể thao được ban hành đến nay, nó đã có tác động tích cực đến phát triển sự nghiệp Thể dục Thể thao, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Thể dục Thể thao, tạo ra được cơ chế, chính sách phù hợp huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào phát triển Thể dục Thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, góp phần hình thành và bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam, phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Luật Thể dục, Thể thao ra đời cũng tạo ra những chuyển biến căn bản về nhận thức của toàn xã hội về các giá trị của Thể dục Thể thao, về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác Thể dục Thể thao trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI năm 2011 và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thể dục, Thể thao trong thời gian qua là đòi hỏi tất yếu, khách quan.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
N.H