Khái quát về chuyển nhượng Vận động viên nhà nghề

Chuyển nhượng vận động viên nhà nghề liên quan tới: Luật quan hệ lao động, tòa án tối cao hoặc địa phương, liên minh các câu lạc bộ môn thể thao nhà nghề và công đoàn của vận động viên, hợp đồng lao động giữa người chủ câu lạc bộ và vận động viên. Nhưng trước tiên là hợp đồng giữa người chủ câu lạc bộ nhà nghề và vận động viên, nếu không có tranh chấp thì đây là căn cứ chính để giải quyết vấn đề chuyển nhượng vận động viên.

Hợp đồng giữa người chủ câu lạc bộ môn thể thao nhà nghề nào đó ký kết với một vận động viên nhà nghề thuộc loại hợp đồng dịch vụ cá nhân (personal service contracts), thỏa mãn những điều kiện nhất định mà mỗi bên đều phải tuân thủ triệt để hợp đồng. Nếu trong thời hạn hợp đồng mà vận động viên chuyển sang thi đấu cho câu lạc bộ khác thì câu lạc bộ đã ký kết hợp đồng có quyền tố tụng, yêu cầu bồi thường, cấm hoặc cản trở chuyển nhượng.

Tuy nhiên câu lạc bộ không cho chuyển nhượng phải chứng minh tiền bồi thường không đủ, sự tổn thất vận động viên của câu lạc bộ là không thể bù lại được, hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Chính vì vậy, giá của từng vận động viên của câu lạc bộ đều niêm yết trên thị trường chứng khoán, nằm trong vốn chung của từng câu lạc bộ để chứng minh và tính toán hợp pháp về tiền bồi thường, tiền chuyển nhượng. Đây là giá gốc để từ đó thương thảo giá chuyển nhượng giữa các câu lạc bộ. Nếu vận động viên đã hết hạn hợp đồng mà không gia hạn, được chuyển nhượng tự do.

Liên minh các câu lạc bộ một môn thể thao nhà nghề bao gồm hội đồng liên minh, tổng trọng tài, bộ phận chức năng, công đoàn của vận động viên. Công đoàn vận động viên thể thao nhà nghề là tổ chức hợp pháp đầu tiên xử lý tranh chấp về chuyển nhượng vận động viên nếu có. Kết quả xử lý có hiệu lực đối với các bên gửi văn bản yêu cầu xử lý tranh chấp. Đương nhiên căn cứ để xử lý tranh chấp trước tiên phải dựa vào Luật quan hệ lao động của mỗi quốc gia liên quan tới tiền công, thời gian lao động, điều kiện lao động và các nội dung khác.

Nếu tranh chấp vẫn chưa được xử lý ở bước này, các bên tranh chấp có thể kiện tới tòa án địa phương, tòa án tối cao. Phán quyết của tòa án tối cao là phán quyết cuối cùng. Tiền lệ kiện lên tòa án tối cao đã có ở môn bóng chày nhà nghề của Mỹ vào năm 1995 về chính sách tiền công của một câu lạc bộ, mặc dù không phải về chuyển nhượng vận động viên.

Hợp đồng giữa chủ câu lạc bộ và vận động viên nhà nghề là công cụ xúc tiến dịch vụ thương mại, cũng là phương án dịch vụ thương mại vì vậy phải tham khảo những vấn đề dưới đây:

-         Mẫu hàng hóa, chất lượng hàng hóa (vận động viên).

-         Quyền ưu tiên, quyền môi giới, quyền người đại diện.

-         Khấu trừ kinh phí.

-         Tiền lương.

-         Tặng phẩm và thưởng.

-         Sử dụng miễn phí.

-         Sự đảm bảo của sản phẩm và sự ràng buộc.

-         Sự liên kết thương mại.

-         Phương án dự phòng, phương án phụ của hợp đồng.

-         Phương án thực thi của hợp đồng.

-         Kết quả của hợp đồng và sự đánh giá.

Vấn đề chuyển nhượng vận động viên nhà nghề có khác nhau đôi nét ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên chuyển nhượng vận động viên nhà nghề được xử lý chặt chẽ nhất ở Mỹ. Ở nước ta, chuyển nhượng vận động viên bóng đá chuyên nghiệp (bắt đầu quá trình nhà nghề hóa) khá đơn giản, nên cải thiện thêm trong thời gian tới.

 GS.TS Dương Nghiệp Chí

Ảnh trong bài
  • Khái quát về chuyển nhượng Vận động viên nhà nghề