Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ: Từng bước vững mạnh, trưởng thành

Qua trao đổi với ông Trần Chí Quân, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ có thể thấy dù sinh sau, đẻ muộn, dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng sau gần 10 năm hình thành và phát triển với sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của cả một tập thể, Trung tâm HLTT quốc gia Cần Thơ đang dần trở thành cái nôi đào tạo và cung cấp VĐV đỉnh cao khu vực ĐBSCL cho quốc gia với số lượng từ 14 đến 20 VĐV hằng năm.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong công tác quản lý, đào tạo VĐV tại Trung tâm?

Ông Trần Chí Quân: Cách đây 10 năm, ngày 26/3/2007, Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Thái ký Quyết định thành lập Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ (Trung tâm HLTTQG Cần Thơ). Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2007 đến 2008 nhiệm vụ chính của Trung tâm gần như chỉ là xây dựng đội ngũ cán bộ. Đến tháng 6/2009, Trung tâm mới chỉ tiếp quản 8 đội về tập huấn…

Có thể nói, cái khó khăn lớn nhất của Trung tâm chính là việc chưa có cơ sở vật chất phục vụ các đội tuyển tập huấn tập luyện. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các đội tuyển mà Trung tâm HLTTQG Cần Thơ tiếp quản vẫn đang phải tập luyện, tập huấn tại các cơ sở Trung tâm liên kết như Khu liên hợp thể thao Thành phố Cần Thơ; Hồ bơi Ánh Viên, Quốc phòng 4, Quân khu 9; một số đội như Xe đẹp, Bi A, Bắn cung, Điền kinh phải tập ở các cơ sở tại Vĩnh Long, An Giang… Việc tập rải rác khiến Trung tâm không thực sự thuận lợi trong việc quản lý các đội tuyển. Tuy nhiên, vấn đề này có lẽ sẽ được sớm giải quyết khi khoảng tháng 8/2017, một số môn trong nhà sẽ được chuyển về tập trung tại Trung tâm mới tại quận Ô Môn. Hiện công trình đang hoàn tất giai đoạn 1 gồm nhà tập các môn thể thao trong nhà và một số hạng mục khác. Khi công trình hoàn thành cũng là dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm HLTTQG Cần Thơ.

Bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất thì đội ngũ HLV đa số đều là các HLV trẻ, còn ít kinh nghiệm. Nói vậy không có nghĩa họ không có trình độ, phải khẳng định rằng những HLV trẻ đều có trình độ chuyên môn, sự nhiệt tình, nhiệt huyết với công việc; cái họ cần bây giờ là thời gian và Trung tâm luôn khuyến khích các HLV tự đi học, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Hiện nay, Trung tâm quản lý 15 đội tuyển, đội trẻ với hơn 200 VĐV, HLV, chuyên gia nhưng toàn Trung tâm chỉ có 26 cán bộ công chức, viên chức, hợp đồng 68 làm công tác quản lý. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ, tiền công, tiền ăn so với mặt bằng chung với xã hội vẫn còn thấp…

Nhìn chung, với 10 năm phát triển, dù Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, nhiều sóng gió nhưng với quyết tâm, nỗ lực, sự nhiệt tình của từng thành viên, Trung tâm đã dần vượt qua, dần khẳng định là một trong những trung tâm lớn mạnh của cả nước, là nguồn cung cấp VĐV cho các ĐT quốc gia hằng năm từ 14 đến 20 VĐV. Hơn nữa, được sự quan tâm sát sao từ Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ tin tưởng trong tương lai gần sẽ ngày một mạnh mẽ, phát triển hơn nữa, xứng là cái nôi đào tạo VĐV của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Chí Quân - Giám đốc Trung tâm thể thao quốc gia Cần thơ (Ảnh:V.Duy )

Trong số 15 đội tuyển trung tâm quản lý có đến 13 đội tuyển trẻ, ông có thể chia sẻ đôi nét từ quá trình tuyển chọn cho đến công tác đào tạo, quản lý VĐV?

Ông Trần Chí Quân: Hằng năm chương trình tuyển chọn được tiến hành theo từng môn và dự kiến mỗi môn sẽ tổ chức tuyển chọn trong vòng từ 2 – 3 năm. Mỗi năm, sẽ có 2 đợt tuyển cũng tương ứng với 2 đợt đào thải VĐV (các VĐV sau thời gian tập luyện không đảm bảo chuyên môn sẽ được gửi trở về địa phương), đợt 1 bắt đầu từ cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 khi các VĐV kết thúc chương trình học văn hóa của năm học và đợt 2 vào tháng 8 trước khi các cháu chính thức bước vào năm học mới. Các nhà tuyển trạch sẽ dựa trên một số tiêu chuẩn về năng khiếu, hình thái, tình trạng sức khỏe và một số nội dung tương ứng với đặc trưng của từng môn (kỹ thuật, vận động…) của từng em.

Sau khi tuyển chọn, các em sẽ được tập trung tập luyện, ăn ở ngay tại các cơ sở đào tạo. Trung bình mỗi môn một ngày sẽ có 3 buổi tập được chia từ 5h00 – 6h30, tập chính từ 8h00 – 10h30, chiều từ 14h00 – 16h30; và sau mỗi ngày tập, các em sẽ được học văn hóa vào buổi tối.

Với quỹ thời gian như vậy thì đâu là khoảng thời gian để các VĐV giải trí thưa ông?

Ông Trần Chí Quân: Trung bình 1 tuần các em có 12 buổi tập và 6 buổi học. Các VĐV được nghỉ tập chiều thứ 5 và ngày chủ nhật. Đây chính là thời gian để các em giải trí, thư giãn với từng nhu cầu riêng.

Vậy Trung tâm có thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa hay dã ngoại để VĐV được thoải mái về tâm lý, giảm bớt căng thẳng trong tập luyện không thưa ông?

Ông Trần Chí Quân: Thông thường những ngày nghỉ, Trung tâm để các VĐV tự do giải trí theo ý muốn cá nhân. Bên cạnh đó, thì những lễ tết, các dịp kỷ niệm thì Trung tâm cũng thường xuyên xây dựng nên những chương trình giải trí hấp dẫn như Cuộc thi hát Karaoke; mở lớp truyền đạt kỹ năng sống…

Trong thời gian tới, trung tâm có những kế hoạch và định hướng như thế nào thưa ông?

Ông Trần Chí Quân: Trải qua quá trình sàng lọc, Trung tâm đã không còn đào tạo một số môn không có hiệu quả như Bóng bàn, Cầu lông để thay vào đó, xác định tập trung vào 3 môn trọng điểm là Bắn cung (làm từ năm 2009), Canoeing (bắt đầu từ năm 2011) và Cử tạ. Đây chính là nhóm môn Olympic trọng điểm mà Trung tâm cần tập trung đầu tư, đào tạo.

Bên cạnh đó, ngoài một số môn như Bi Sắt, Bơi, Bóng chuyền bãi biển, Xe đạp địa hình, TDDC, Teakwondo, Judo thì Trung tâm đã xác định rõ ràng việc đào tạo từng nội dung của từng môn như Bi da Anh – chỉ đào tạo nam; Pool 9 bi, Boxing, Cầu mây chỉ đào tạo VĐV nữ; Điền kinh kết hợp với Vĩnh Long làm nhảy xa 3 bước và nhảy sào…

Ngoài ra trong thời gian tới Trung tâm dự kiến có thể phát triển thêm 2 môn là Bóng rổ nữ và Rowing. Việc xác định rõ ràng thế mạnh để phát triển từng nhóm môn, từng nội dung, tôi tin tưởng rằng Trung tâm sẽ gặt hái được những thành công nhất định.

Ngoài ra, ông có thể chia sẻ thực trạng chuyên gia hay đội ngũ y sĩ tại Trung tâm?

Ông Trần Chí Quân: Hiện nay ở Trung tâm có 4 môn có chuyên gia gồm Bơi, Cử tạ, Bắn cung và Bóng chuyền bãi biển. Trung tâm đang định hướng sẽ mời thêm 1 chuyên gia của môn Canoeing. Trong thời buổi đất nước còn nhiều khó khăn, quan điểm của Trung tâm là không nhất thiết môn nào cũng cần phải có chuyên gia. Ở Việt Nam có rất nhiều HLV giỏi, có trình độ cao và Trung tâm luôn muốn tạo mọi điều kiện để các HLV nội có thể phát huy được hết khả năng của mình.

Còn đối với y sĩ, hiện tại Trung tâm mới có 3 người và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm 2 y sĩ nữa nhưng chủ yếu chỉ là sơ cấp cứu. Nhìn chung, vấn đề y sĩ vẫn còn nan giải với Trung tâm.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Ảnh trong bài
  • Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ: Từng bước vững mạnh, trưởng thành