Mỗi người dân hãy lựa chọn cho mình một môn Thể thao phù hợp

Đó chính thông điệp mà Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Phạm Văn Tuấn muốn gửi tới mỗi người dân Việt Nam tại lễ phát động “Ngày chạy Olympic 2017 – Vì sức khỏe toàn dân năm 2017 và khai mạc giải chạy báo Hànộimới vì hòa bình lần thứ 44” - sự kiện được tổ chức tại bờ Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội vào sáng ngày 26/3.

Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện "Ngày chạy Olympic 2017 – Vì sức khỏe toàn dân" được tổ chức hàng năm?

Kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lý tưởng cao đẹp của phong trào Olympic hiện đại, việc tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân là một hành động thiết thực nhằm đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Bên cạnh đó, Ngày chạy Olympic giúp nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống nhân dân. Từ đó, từng bước hình thành thói quen thường xuyên luyện tập Thể dục Thể thao đồng thời xây dựng Ngày chạy Olympic trở thành một hoạt động truyền thống hằng năm.

Từ ý nghĩa đó, với quan điểm cá nhân ông mong muốn điều gì từ sự kiện này?

Việc tuyên truyền về tác dụng, lợi ích từ việc tập luyện Thể dục Thể thao thường xuyên tới người dân cả nước là điều cần thiết, nhất là trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, những người hoạt động và làm công tác quản lý trong lĩnh vực Thể dục Thể thao, trong đó có tôi luôn mong muốn, cá nhân mỗi người dân từ người già, người trẻ, thiếu niên, nhi đồng hãy tìm hiểu và lựa chọn cho mình một môn Thể thao phù hợp để tập luyện thường xuyên, nhằm nâng cao sức khỏe. Từ mỗi cá nhân, chúng ta hãy lan tỏa tinh thần yêu thích tập luyện Thể thao tới các thành viên trong gia đình, bạn bè, tổ dân phố, cơ quan....Có như vậy, người dân khỏe mạnh, tức một xã hội khỏe mạnh thì đất nước mới phát triển bền vững.  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn (Ảnh: Vân Anh)
Ông có nhận định gì, sau 3 năm "Ngày chạy Olympic 2017 – Vì sức khỏe toàn dân" được tổ chức rộng khắp cả nước?

Nhìn chung, về cơ bản sau 3 lần tổ chức, qua mỗi năm, sự kiện đã thu hút ngày càng nhiều (hàng triệu) người dân tích cực hưởng ứng tham gia Ngày chạy. Các tỉnh, thành, ngành, đơn vị trên phạm vi cả nước đều tổ chức nghiêm túc, đúng thông điệp của sự kiện đưa ra. Ở mỗi địa phương, đơn vị huy động được lực lượng hùng hậu ở mọi lứa tuổi tham gia hưởng ứng ngày chạy với không khí sôi nổi, phấn khởi. Đặc biệt, vùng hải đảo xa xôi cũng được tổ chức nghiêm túc, trang trọng và thu hút đông đảo người dân tham gia. Cá nhân tôi đánh giá cao sự lan tỏa, hiệu ứng từ sự kiện này tới quần chúng nhân dân. 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phong trào Thể dục Thể thao quần chúng trong những năm qua?

Có thể khẳng định rằng, phong trào Thể dục Thể thao quần chúng thời gian qua tiếp tục phát triển rộng rãi trong các đối tượng trên địa bàn cả nước. Điều đó, thể hiện rõ nhất ở sự gia tăng về số lượng người tập luyện Thể dục Thể thao thường xuyên, sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện, các CLB TDTT và chất lượng của các hoạt động Thể dục Thể thao. Cả nước, tỷ lệ người dân tập luyện Thể dục Thể thao thường xuyên từ năm 2005 đạt 19,8% nhưng đến hết năm 2016 là 29,53% sau 11 năm tăng 9,73%. Tỷ lệ gia đình Thể thao đạt 21,2%.

Cùng với đó, cuộc vận động "toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác hồ vĩ đại" được triển khai rộng khắp trong những năm qua đã phát huy hiệu quả thực tiễn và là động lực thúc đẩy phong trào Thể dục Thể thao ở cơ sở phát triển mạnh mẽ. Số CLB TDTT các loại gồm cả công lập và dân lập tăng lên đáng kể đạt gần 50.000 CLB. Các hoạt động Thể thao giải trí gắn kết với hoạt động du lịch được tạo điều kiện phát triển ở nhiều địa phương; công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động Thể thao quần chúng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn có Hội đồng Thể dục Thể thao, CLB hoặc nhà văn hóa Thể thao, khoảng 46% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập. Thể dục Thể thao quần chúng trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những bước tiến đáng kể. Phong trào tập luyện TDTT người cao tuổi phát triển mạnh và được duy trì thường xuyên với khoảng 3500 CLB, các phong trào TDTT tại địa phương  luôn được gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" để phát triển rộng rãi phong trào TDTT.

Ông có thể chia sẻ những định hướng của Thể thao quần chúng trong thời gian tới? 

TDTT quần chúng duy trì và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện TDTT, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện TDTT ở cơ sở. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào TDTT với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" với chương trình xây dựng nông thôn mới. Quan tâm phát triển phong trào TDTT  người cao tuổi, người khuyết tật và lao động tại các khu công nghiệp.

Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động Thể thao trong trường học. Tập trung cho Chương trình phối hợp hai ngành để chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất và hoạt động Thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường sự đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, các trang thiết bị, dụng cụ Thể thao. Ngành TDTT tập trung chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại các địa phương phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện sử dụng cac công trình Thể thao, các cơ sở vật chất sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ Thể thao phục vụ công tác giáo dục thể chất và Thể thao trường học .

N. H 

 

Ảnh trong bài
  • Mỗi người dân hãy lựa chọn cho mình một môn Thể thao phù hợp