Bóng bàn: chuyển mình trong công tác đào tạo trẻ

Công tác đào tạo vận động viên (VĐV) trẻ là một trong những giải pháp nhằm duy trì sự phát triển cho các bộ môn Thể thao thành tích cao. Thời gian qua, nhờ sự đầu tư của ngành Thể dục Thể thao (TDTT), cùng sự quan tâm của địa phương cũng như hiệu quả thu được từ xã hội hóa TDTT của một số môn Thể thao mũi nhọn, công tác đào tạo VĐV trẻ có bước chuyển mình và tạo sự bứt phá đáng ấn tượng.

HLV Trưởng đội tuyển trẻ Bóng bàn
quốc gia - Bùi Xuân Hà (Ảnh: Y Trang
)
Trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, Bóng bàn được giới chuyên môn và lãnh đạo ngành nhận định là một trong những môn Thể thao tiêu biểu về sự đổi mới trong công tác huấn luyện trẻ cũng như làm tốt công tác xã hội hóa. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Xuân Hà - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển trẻ Bóng bàn Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ đôi nét về tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia hiện mình đang đảm trách?

Đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia hiện đang tập huấn tại Trung tâm đào tạo VĐV trường Đại học TDTT Bắc Ninh với 12 VĐV phần lớn là các VĐV có thành tích tại giải trẻ quốc gia được tuyển chọn để bồi dưỡng, nâng cao thành tích Thể thao, cung cấp cho đội dự tuyển quốc gia. Nhìn chung, lực lượng VĐV trẻ của đội tuyển hiện tại mới được triệu tập lên tuyển, kinh nghiệm thi đấu còn rất hạn chế và trình độ chuyên môn không đồng đều.

Đội tuyển trẻ quốc gia hiện tại đang trong thời kỳ chuyển giao, xây dựng lại hình ảnh khi tham dự các giải quốc gia, quốc tế và trở thành lực lượng kế cận cho đội dự tuyển quốc gia. Thực tế cho thấy, để có được những lứa VĐV đỉnh cao xuất sắc không phải một sớm một chiều đào tạo là có ngay thành tích. Với lực lượng hiện tại, Ban huấn luyện (BHL) đang từng ngày cải thiện và xây dựng nền tảng thể lực, kỹ chiến thuật và tâm lý vững chắc đáp ứng yêu cầu thi đấu đỉnh cao cho các VĐV trong đội tuyển.

Với đặc thù là VĐV trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, hẳn công tác quản lý, giáo dục tư tưởng đạo đức sẽ gặp không ít những khó khăn, ông nghĩ sao về điều này?

Không chỉ với riêng môn Bóng bàn, mà ở đội tuyển trẻ nào cũng vậy, chủ yếu các VĐV được gọi lên tuyển khi tuổi đời còn rất trẻ, tính tình, còn rất trẻ con, thiếu kỹ năng sống. Mỗi em một hoàn cảnh, một tính cách nhưng các em có điểm chung đó là sự say mê, yêu thích Thể thao và luôn khát khao được thi đấu, cống hiến hết mình mang vinh quang về cho đất nước.

Vì phải thường xuyên sống xa gia đình, có những em nhà ở rất xa (Bình Dương, Vĩnh Long) do điều kiện không thường xuyên về thăm nhà, chính vì vậy BHL luôn hướng các em trong đội tuyển như một gia đình, cùng giúp đỡ, chia sẻ, chăm sóc cho nhau trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày... BHL rất nghiêm khắc trong việc dạy, hướng dẫn các em thật kỹ, chỉn chu ngay từ nếp sinh hoạt hàng ngày cũng như trong tập luyện (nơi ở phải gọn gàng từ nếp ăn uống, ứng xử với thầy, người lớn và bạn bè).

Ở phòng tập luyện, lúc nào cũng phải ngăn nắp, sạch sẽ, khi kết thúc ngày tập, các em phải tự chia ra từng tổ làm công tác vệ sinh, thu dọn gọn gàng, sắp xếp đồ dùng, dụng cụ cho buổi tập hôm sau. Việc làm rất nhỏ nhưng mục đích hướng tới cho các em đức tính biết chia sẻ, lao động vì tập thể, vì lợi ích chung.

Cùng với đó, mỗi năm BHL phối hợp với các nhà tài trợ, cá nhân yêu thích đầu tư cho Bóng bàn tổ chức các đợt dã ngoại lên các vùng sâu, vùng xa miền núi như huyện Na Rì - Bắc Kạn, kết hợp với địa phương để các em trong đội tuyển dạy học Bóng bàn miễn phí cho các em nhỏ ở nơi đây. Qua đó, giúp các em hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của trẻ em vùng cao, đồng thời tạo cho các em biết yêu thương và trân trọng cuộc sống hiện tại, không ngừng phải nỗ lực, phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn với đam mê của mình.

BHL quy định, khi tham gia các chuyến ngoại khóa các em luôn mặc đồng phục của đội tuyển có gắn hình lá cờ Việt Nam trên ngực áo để các em luôn biết trân trọng, tự hào khi được vinh dự đứng trong đội tuyển quốc gia. Vì thế, bản thân phải luôn phấn đấu cho sự nghiệp TDTT, luôn đặt lợi ích, nhiệm vụ quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, địa phương, đơn vị.

Chúng tôi, những người làm công tác huấn luyện luôn tâm niệm rằng để trở thành một VĐV tài năng về chuyên môn, thì ngay từ những bước đầu tiên khi bước vào sự nghiệp VĐV các em phải học cách sống tốt, từ đạo đức, tư tưởng và ý thức rèn luyện trong tập luyện... Từ quan điểm đó, BHL đặc biệt chú trọng tới việc giáo dục nhận thức cho VĐV về các chuẩn mực xã hội thông qua việc quản lý tập luyện, sinh hoạt, học văn hóa, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, ý chí, lòng yêu nghề, yêu Tổ quốc, xây dựng các quy tắc chặt chẽ, rõ ràng trước trong và sau các giờ tập luyện.

... về công tác huấn luyện về chuyên môn thì như thế nào, thưa ông?

Đức tính kỹ càng, chỉn chu từng chi tiết nhỏ là đặc điểm cần phải có đối với VĐV Bóng bàn. Ngoài việc chú trọng hoàn thiện, huấn luyện các em đi vào nề nếp, công tác huấn luyện chuyên môn được tập trung vào 4 kỹ năng gồm: hoàn thiện kỹ thuật tấn công, phòng thủ… đảm bảo đường vòng cung, tăng dần tốc độ và sức xoáy. Tăng cường tập luyện nắm vững kỹ thuật tấn công giật bóng đôi công..

Huấn luyện chiến thuật, BHL hướng đến xây dựng phong cách lối đánh cho từng cá nhân VĐV U14 – 15. Nâng khối lượng tập luyện, tăng cường thêm một số tình huống tập luyện chiến thuật chủ động biến hóa đôi công…tuân thủ các phương pháp huấn luyện thể lực đối với các VĐV trẻ. Về huấn luyện tâm lý luôn hướng các em đạt được sự tập trung chú ý cao độ nhất trong thời gian tập luyện, thi đấu. Xác định rõ mục tiêu thúc đẩy tính quyết tâm giành thắng lợi…

Để tăng cường cơ hội thi đấu cọ xát, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, hàng năm BHL luôn cố gắng kết nối với các mạnh thường quân, nhà tài trợ trong và ngoài nước (các việt kiều sống xa quê hương) yêu thích Thể thao đặc biệt là môn Bóng bàn hỗ trợ nguồn kinh phí, hay điều kiện ăn  ở, vé máy bay đưa đội tuyển trẻ tham gia tập huấn, thi đấu ở nước ngoài. Bên cạnh đó, trong tháng BHL tổ chức cho đội tuyển trẻ xuống Hải Dương thi đấu 1 tuần, sau đó sang CLB T&T Hà Nội, Quân Đội thi đấu.  

Đặc biệt, BHL tận dụng tối đa mối quan hệ của nhà trường (Đại học TDTT Bắc Ninh) liên kết với tỉnh Thượng Hải, Trung Quốc, xin giảm giá và kết hợp với nhà tài trợ đưa các em trong đội tuyển trẻ sang học tập, huấn luyện tại Học viện Bóng bàn Trung Quốc (nơi tập trung của đội tuyển trẻ Bóng bàn quốc gia Trung Quốc). Đây là cơ hội không dễ gì có được khi các VĐV trẻ Việt Nam được học tập, giao lưu với các VĐV Trung Quốc - quốc gia được mệnh danh là đứng đầu phát triển môn Bóng bàn.    

Bóng bàn trong khoảng 2 năm trở lại đây được đánh giá cao về việc thực hiện xã hội hóa, ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Tôi cho rằng, để làm tốt công tác chuyên môn nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn kinh phí bao cấp hàng năm thì chắc chắn không thể đủ và tạo được sự đột phá cho đội tuyển. Chính vì vậy, việc kêu gọi được sự đầu tư từ nhà tài trợ, doanh nghiệp cùng chung tay thì chắc chắn cục diện của bất kỳ môn Thể thao nào cũng sẽ thay đổi mạnh cả về mặt chuyên môn cũng như hình ảnh.

Năm 2016 được nhận nhiệm vụ về tiếp quản đội tuyển trẻ Bóng bàn quốc gia tôi và BHL luôn ý thực được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa trong hoạt động và thi đấu Thể thao. Chúng tôi bắt đầu xây dựng hình ảnh đội tuyển trẻ ngay từ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tới các hoạt động ngoại khóa hay trong các chuyến tập huấn, thi đấu trong và ngoài nước. Khi tới thăm nơi ăn ở và tập luyện của các VĐV trong đội tuyển ở bất kỳ thời điểm nào bạn sẽ cảm nhận được sự ngăn nắp, gọn gàng trong sinh hoạt cá nhân cũng như tập thể.

Chúng tôi luôn hướng các em xây dựng được “chất” riêng của mình với sự nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm trong tập luyện và “máu lửa” trong thi đấu, lịch sự, ngoan ngoãn, lễ phép khi giao thiệp, ứng xử. Có như vậy, mới tạo được ấn tượng, cảm tình từ những người xung quanh, gây thu hút tới các nhà tài trợ, mạnh thường quân… Bởi nếu chúng ta xây dựng được hình ảnh đội tuyển tốt về cả chuyên môn cũng như hình thức thì chắc chắn các nhà kinh tế họ sẵn sàng đầu tư và thấy sự đầu tư của mình có giá trị.

Bóng bàn là bộ môn Thể thao được rất nhiều người lựa chọn, yêu thích tập luyện ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Đây là một lợi thế khi làm công tác xã hội hóa, BHL thường xuyên cho các VĐV trong đội tuyển đi thi đấu, giao lưu ở cả giải đỉnh cao và quần chúng. Qua đó, tạo chất xúc tác để Bóng bàn đến gần hơn với cá nhân, tập thể yêu thích bộ môn này và sẵn sàng dành sự đầu tư cho nó.

Hiện, tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia nhận được sự hỗ trợ từ Viện dinh dưỡng quốc gia cung cấp thuốc dinh dưỡng và cao năng lượng cho các VĐV trong đội tuyển. Thương hiệu Việt Nam World Sport tài trợ gần như vô thời hạn về trang phục thi đấu, tập luyện cho toàn bộ đội tuyển. Doanh nghiệp Nhân Đức Hotell đài thọ toàn bộ chuyến dã ngoại hàng năm cho đội tuyển khi về nghỉ mát tại Sầm Sơn – Thanh Hóa (kéo dài một tuần), họ cũng đã hỗ trợ kinh phí cho đội tuyển tham gia thi đấu quốc tế giải trẻ Đông Nam Á trong năm 2016. Cùng với đó nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác cũng đã tài trợ dụng cụ, trang thiết bị tập luyện cho đội tuyển…

Đặc biệt, BHL đội tuyển đang liên kết, kêu gọi các tổ chức, cá nhân (chủ yếu là việt kiều) xây dựng kế hoạch trại hè tại Thượng Hải dành cho các VĐV đội tuyển trẻ quốc gia cũng như các bạn trẻ yêu thích bộ môn Thể thao này tham gia các hoạt động giao lưu, giáo dục kỹ năng sống và tập luyện thi đấu giao lưu Bóng bàn. Kế hoạch này đang nhận được sự hưởng ứng khá nhiệt tình từ các doanh nghiệp và cá nhân.

Ông có thể cho biết, mục tiêu của tuyển trẻ Bóng bàn Việt Nam trong năm 2017?

Đội tuyển sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hình ảnh của đội tuyển tại các hoạt động trong và ngoài thi đấu. Vận dụng tối đa các mối quan hệ từ cá nhân, tới tập thể để kêu gọi được nhiều hơn nữa các mạnh thường quân, nhà tài trợ cùng chung tay phát triển sự nghiệp Bóng bàn Việt Nam.

Trong hai năm qua, có 2 VĐV được đưa lên đội tuyển quốc gia gồm Vũ Đức Tuân và Nguyễn Quang Hiển. Lộ trình của đội tuyển trong 2 năm tới sẽ tiếp tục đưa thêm 2 VĐV trẻ nữa lên đội tuyển quốc gia.

Về chuyên môn, những năm trước đây tuyển trẻ Bóng bàn Việt nam mới chỉ có được 1 HCB và 3 HCĐ giải Đông Nam Á, trong năm 2016 số HCB đã tăng lên đáng kể với 4 HCB và 5 HCĐ. Quan điểm của BHL đội tuyển là muốn có HCV thì lọt vào nhiều chung kết ở các nội dung, năm 2017 đội tuyển sẽ phấn đấu vào tới 6 – 7 trận chung kết và giành được từ 1 – 2 HCV tại giải Đông Nam Á.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và xin chúc đội tuyển trẻ Bóng bàn Việt Nam sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trong thời gian tới!

Dưới đây là một số hình ảnh về tuyển trẻ Bóng bàn quốc gia Việt Nam

Các thành viên trong đội tuyển trẻ Bóng bàn quốc gia
Sự nghiêm túc trong tập luyện
Ngăn nắp, gòn gàng ....
Từ cách gấp quần áo, được hướng dẫn theo tác phong quân đội
Khu vệ sinh, phòng thau đồ luôn được giữ sạch sẽ
Tủ lưu niệm, lưu lại những thành tích của đội giành được qua các thế hệ luôn
là động lực cho các thành viên đội tuyển tập luyện, thi đấu

Đội tuyển được các nhà tài trợ đầu tư khá nhiều, trang thiết bị, dụng cụ hiện đại phục vụ tập luyện và thi đấu
N.Hương - Y. Trang thực hiện

                                                                             

Ảnh trong bài
  • Bóng bàn: chuyển mình trong công tác đào tạo trẻ