Tổng cục TDTT nghiêm khắc chấn chỉnh hình ảnh “xấu xí” của Bóng đá Việt Nam

Những ngày gần đây, việc một số hình ảnh “phi Thể thao” của Bóng đá Việt Nam đã khiến dư luận rất quan tâm và có những hướng nhìn sai lệch về một nền Bóng đá Việt Nam đang từng ngày nỗ lực hướng đến sự chuyên nghiệp cả trong và ngoài sân cỏ.

Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng
Tổng cục TDTT (Ảnh:www.tdtt.gov.vn)
Điển hình tại vòng 6 V.League 2017, trận Tp. Hồ Chí Minh gặp Long An trên sân Thống Nhất (ngày 19/2), hay vụ việc trên sân Lạch Tray giữa Câu lạc bộ Hải Phòng và Hà Nội (ngày 16/2), một số cầu thủ đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến điều lệ của giải, hành động “xấu xí” đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các giải Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Bàn về vấn đề này, phóng viên Trang tin Thể dục Thể thao Việt Nam (www.tdtt.gov.vn) đã có cuộc trò chuyện với Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Vương Bích Thắng nhằm hiểu rõ hơn về những quan điểm, hướng xử lý của Tổng cục TDTT về việc giải quyết các hành vi tiêu cực, “phi thể thao” trong thi đấu Thể thao.

Thưa ông, rất nhiều mùa giải Bóng đá chuyên nghiệp (V.League) đã tổ chức thành công, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những mặt tiêu cực với những hình ảnh được xem là “xấu xí” của Bóng đá Việt Nam, ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Vài năm trở lại đây, Bóng đá Việt Nam đã có những tiến bộ rõ nét, ở nhiều giải quốc tế Bóng đá Việt Nam tham dự đã để lại những ấn tượng đẹp với người hâm mộ về sự nỗ lực, tinh thần thi đấu của các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở các giải Bóng đá chuyên nghiệp trong nước vẫn còn đó những tồn tại, sai sót và những hành động “phi văn hóa” trong sân cỏ vẫn xảy ra.

Những điều đó, ít nhiều đã làm mất đi hình ảnh đẹp của Bóng đá Việt Nam trong lòng người hâm mộ. Đồng thời, cũng khiến cho những người làm công tác quản lý, giới chuyên môn có những trăn trở.

Song hơn cả, những hành động “phi thể thao” cần nghiêm khắc chấn chỉnh và có những hình phạt thích đáng. Để triệt tiêu, cảnh báo, răn đe cho những vận động viên, cầu thủ, các câu lạc bộ đã và nếu có ý định làm xảy ra những hành vi tiêu cực trong thi đấu thể thao.

Việc những sai phạm của một số cầu thủ ở trận Tp. Hồ Chí Minh gặp Long An trên sân Thống Nhất (ngày 19/2), hay vụ việc trên sân Lạch Tray giữa Câu lạc bộ Hải Phòng và Hà Nội (ngày 16/2) rất đáng lên án. Tổng cục Thể dục Thể thao đang chỉ đạo, yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) giải trình và đưa ra các hình phạt thực sự nghiêm khắc thích đáng.

Vậy ông có thể chia sẻ quan điểm của Tổng cục Thể dục Thể thao về hình thức xử phạt đối với những hành vi tiêu cực, “phi văn hóa” trong thi đấu Thể thao?

Tôi cho rằng, ở bất kỳ một giải đấu Thể thao nào cũng có những quy định rất rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi vận động viên khi đăng ký tham dự. Cùng với đó, họ phải tuân thủ đúng các điều lệ giải theo quy định của ban tổ chức giải đấu. Nếu những quy định, điều lệ đã được đặt ra mà vận động viên vẫn cố tình vi phạm thì việc đầu tiên chắc chắn vận động viên đó sẽ bị loại không được thi đấu ít nhất là trận đấu, nội dung, môn thi mà vận động viên đăng ký tham dự.

Tuy nhiên, dựa vào mức độ vi phạm nặng, nhẹ khác nhau, lỗi vi phạm đó là cố ý hay không cố ý sẽ có những mức độ phạt tương xứng.

Dù bất kể ở mức độ vi phạm nào, quan điểm của Tổng cục Thể dục Thể thao là xử lý vụ việc, hình phạt “đúng người, đúng tội”, nghiêm khắc lên án những hành động xấu, biểu hiện “phi văn hóa”, bạo lực trong thi đấu Thể thao.  

Thưa ông, chỉ trong chưa đầy 1 tuần đã có liên tiếp 2 vụ việc “phi thể thao” xảy ra ở môn Bóng đá trong cùng một hệ thống giải chuyên nghiệp, ông nghĩ sao về điều này?

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều các nhà quản lý, giới chuyên môn, người hâm mộ buồn về điều này. Thời gian qua, hay bây giờ ở nơi này nơi khác trong Việt Nam vẫn còn đâu đó những cá nhân, câu lạc bộ chỉ tập trung chú trọng đến đào tạo chuyên môn, nặng thành tích mà quên đi hay xem nhẹ yếu tố căn bản là rèn luyện đạo đức, lối sống cho các cầu thủ.

Ở bất kỳ một giai đoạn, thời điểm nào Bóng đá Việt Nam vẫn luôn luôn hướng đến sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở đây thể hiện trên nhiều phương diện như: công tác tổ chức giải, lối chơi (chuyên môn), hành động, ứng xử trong thi đấu của các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài. Chúng ta hướng đến sự chuyên nghiệp nhưng hành động vi phạm, cách phản ứng của các cầu thủ trong 2 vụ việc vừa qua đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp.

Đây chính là lỗ hổng lớn về công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức văn hóa sân cỏ của một số cầu thủ hiện đang có vấn đề. Công tác này sẽ được các cấp quản lý, nhà chuyên môn, chủ các câu lạc bộ cần phải bắt tay ngay chấn chỉnh và tập trung thực hiện nghiêm túc ở các giải đấu sắp tới.  

Hai sự việc đáng tiếc xảy ra trong Bóng đá những ngày gần đây có lẽ việc chịu trách nhiệm không chỉ của riêng các cầu thủ, thưa ông?

Đầu tiên, những cầu thủ vi phạm họ phải chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả nền Bóng đá nước nhà về hành động sai trái của mình. Sau đấy là các câu lạc bộ có các cầu thủ mắc sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm trước những hình phạt mà Ban tổ chức giải, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (đơn vị trực tiếp quản lý giải đấu) đưa ra.

Qua sự việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Thể dục Thể thao cũng đã thắng thắn, quyết liệt đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật xử lý, yêu cầu các câu lạc bộ quản lý, chú trọng giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống cho các cầu thủ đang thi đấu trong mầu áo câu lạc bộ. Cùng với đó, phổ biến, yêu cầu các cầu thủ phải nắm rõ luật thi đấu Bóng đá trong nước và quốc tế.

Hiện nay, ngành Thể dục Thể thao đang chắp bút xây dựng đề án giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho các vận động viên. Hy vọng, khi đề án được ban hành sẽ rất hữu ích cho những người làm công tác huấn luyện, thi đấu Thể thao.

Trong trận đấu ngày 19/2 trên sân vận động Thống Nhất, Tp. Hồ Chí Minh giữa đội chủ nhà Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Long An, thủ môn Minh Nhựt đứng quay lưng ra ngoài để mặc cầu thủ Victor của Câu lạc bộ Tp. Hồ Chí Minh thực hiện cú phạt đền sút bóng vào lưới. Đồng thời, các cầu thủ Long An phản ứng quyết định của trọng tài bằng cách đứng bên ngoài sân hoặc đứng im tại chỗ dù trận đấu vẫn tiếp tục. Cầu thủ bỏ thi đấu, thủ môn bỏ trống khung thành để các cầu thủ đội chủ nhà ghi thêm 2 bàn thắng khiến trọng tài thổi còi kết thúc sớm trận đấu.

Tại trận đấu sớm vòng 6 V.League 2017 giữa Câu lạc bộ Hải Phòng và Hà Nội diễn ra vào ngày 16/2 tại sân vận động Lạch Tray, thành phố Hải Phòng, ở phút 61, trọng tài Hiền Triết quyết định thổi phạt đền thì bị cầu thủ Hải Phòng to tiếng phản ứng, cổ động viên Hải Phòng trên sân Lạch Tray lăng mạ trọng tài ngay trên sân và cả sau trận đấu./.

 

Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 N.H

Ảnh trong bài
  • Tổng cục TDTT nghiêm khắc chấn chỉnh hình ảnh “xấu xí” của Bóng đá Việt Nam