Taekwondo cần được sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa

Taekwondo từ nhiều năm nay luôn là một trong những môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội Thể thao quốc tế lớn như SEA Games, Asiad hay Olympic. Ở những sân chơi này, Taekwondo Việt Nam từng nhiều lần chạm tới vinh quang. Chính từ những thành công vang dội mà Taekwondo giành được đã góp công lớn trong việc quảng bá Thể thao Việt Nam đến gần hơn với bạn bè trên toàn châu lục, thế giới.

Tuy nhiên, kể từ tấm Huy chương Bạc của cựu võ sĩ Trần Hiếu Ngân - người đầu tiên giành huy chương ở đấu trường Olympic cho Việt Nam tại Olympic Sydney 2000, tiếp đến là các gương mặt như Trần Quang Hạ (HCV SEA Games 1991 và HCV Asiad 1994), Châu Tuyết Vân (vận động viên duy nhất giành 5 HCV thế giới)... thì trong vài năm trở lại đây Taekwondo Việt Nam lại không mấy thành công ở đấu trường quốc tế. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chững lại đó?... Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (1996 - 2016) phóng viên Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Xuân Thành - Trưởng bộ môn Taekwondo (Tổng cục TDTT), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam.

Chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, hẳn Taekwondo Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, thưa ông?

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam được thành lập từ năm 1996. Qua 20 năm hình thành và phát triển, Teakwondo Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công. Thật ra hoạt động của Taekwondo Việt Nam không chỉ mới có 20 năm, môn võ này đã có mặt tại Việt Nam từ đầu thập niên 1960 với sự đóng góp của rất nhiều thế hệ các võ sư, huấn luyện viên và vận động viên.

Qua mỗi năm, số lượng các đơn vị, tỉnh thành có phong trào tập luyện Taekwondo ngày càng tăng. Hiện cả nước có trên 50 đơn vị có phong trào tập luyện và thi đấu, thu hút hơn 400.000 người tham gia luyện tập. Các giải thi đấu quần chúng ngày càng được mở rộng với số lượng người tham gia ngày càng đông, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của môn Thể thao này. Công tác đào tạo được thực hiện tương đối khoa học.

Sự chững lại về thành tích ở nội dung đối kháng đang là những trăn trở của những người làm công tác
chuyên môn Taekwondo và các nhà quản lý ngành TDTT (Ảnh: Văn Duy)
Hiện Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã phối hợp đào tạo 12 trọng tài quốc tế và hơn 100 trọng tài quốc gia, được Liên đoàn Taekwondo Thế giới, châu Á và Đông Nam Á mời tham gia điều hành nhiều giải thi đấu lớn như: Thế vận hội Olympic, giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á...

Trong 20 năm hoạt động của Liên đoàn, cũng như sự phát triển của bộ môn, Taekwondo tự hào là một trong những bộ môn đóng góp nhiều thành tích cho Thể thao thành tích cao Việt Nam. Cũng chính từ kỳ tích tại Olympic 2000 của võ sĩ Trần Hiếu Ngân mang về cho Taekwondo Việt Nam và sau đó là nhiều gương mặt Vàng khác mà sự kỳ vọng của những người làm công tác Thể thao cũng như người hâm mộ bộ môn Thể thao này ngày càng lớn dần. Taekwondo Việt Nam nhìn lại chặng đường đã qua với những vấn đề còn tồn đọng và hướng tới tương lai bằng những kế hoạch lâu dài và sâu sát hơn.

Ông có thể nói rõ những tồn đọng của Taekwondo trong thời gian qua?

Có thể nói rằng, để có được những thành tựu nói trên là nhờ sự phối hợp tốt giữa Liên đoàn Taekwondo Việt Nam với Tổng cục Thể dục Thể thao, các ngành, các cấp tại các địa phương, đơn vị trên cả nước. Chính sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, ý chí phấn đấu của các thế hệ vận động viên đã tạo nên tên tuổi của Taekwondo Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Song, thực tế cho thấy những tồn tại vẫn còn đó từ công tác quản lý, huấn luyện... đơn cử như: công tác thông tin từ Liên đoàn tới các thành viên và hội viên còn nhiều hạn chế, các giải thi đấu hầu như không có khán giả, công tác xã hội hóa tiến hành chậm...

Riêng nội dung thi đấu đối kháng được tổ chức tại các Thế vân hội Olympic, châu Á vẫn có dấu hiệu thiếu ổn định. Có nhiều nguyên nhân như: sinh hoạt của đội tuyển không có tính xã hội hóa cao, chưa vận động được các nguồn lực xã hội đầu tư nên vận động viên trong đội tuyển trẻ ít có cơ hội được tham dự các giải quốc tế, chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho vận động viên cũng còn rất nhiều điều trăn trở...

Cùng với đó là công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong tuyển chọn, quy trình đào tạo vận động viên thành tích cao - đặc biệt là các vận động viên cho Olympic - chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của vận động viên đỉnh cao. Thành tích thi đấu quốc tế của đội tuyển có nhưng chưa đều và không vững chắc. Trình độ chuyên môn của vận động viên và huấn luyện viên cùng phương pháp huấn luyện còn hạn chế, chưa theo kịp phương pháp huấn luyện trên thế giới. Tâm lý của vận động viên không ổn định, không tập trung 100% trí lực vào việc tập luyện và thi đấu vì còn lo nghĩ cho tương lai nên chưa đạt hiệu quả cao tại những giải thi đấu quan trọng.

Có lẽ chính vì những yếu tố đó đã phần nào làm thành tích của Taekwondo Việt Nam, đặc biệt là nội dung đối kháng có dấu hiệu chững lại trong vài năm trở lại đây.

Trong thời gian tới để lấy lại uy danh của Taekwondo Việt Nam trên những đấu trường quốc tế lớn, bộ môn cũng như Liên đoàn đã có kế hoạch gì cho vấn đề này, thưa ông?

Đây cũng là những trăn trở chung mà những người làm công tác chuyên môn của môn Taekwondo hiện nay. Nội dung quyền chúng ta vẫn giữ được thành tích tốt, đặc biệt là kể từ khi Liên đoàn Taekwondo thế giới hình thành riêng biệt giải đấu đối kháng và giải quyền thì các võ sĩ thi đấu ở nội dung quyền của Taekwondo Việt Nam luôn giữ được phong độ và có thành tích thi đấu rất tốt.

Nhưng ở nội dung đối kháng, Taekwondo Việt Nam làm thế nào tiếp nối được thành tích của lứa thế hệ vàng như: Hiếu Ngân, Quang Hạ, Nhất Thống, Hà Giang vẫn luôn là nỗi niềm của những người làm công tác chuyên môn về Taekwondo nước nhà. Mặc dù, phong trào tập luyện Taekwondo vẫn phát triển rộng khắp, số lượng người tập luyện môn Thể thao này ngày một tăng.

Để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa sự phát triển của môn Taekwondo, trong những năm tiếp theo, điều cần thiết nhất lúc này chính là Taekwondo tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ ngành Thể thao nước nhà cũng như sự đồng hành của các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, bộ môn và Liên đoàn sẽ sớm xây dựng kế hoạch cụ thể và chi tiết phát triển cho từng giai đoạn và có những giải pháp để khắc phục tình trạng yếu kém như hiện nay.

Mới đây việc Liên đoàn Taekwondo thế giới có điều chỉnh một số luật thi đấu mới thay thế cho một số luật cũ không còn phù hợp. Điều này cũng đã tạo nên những lợi thế nhất định về lối chơi cũng như cách tính điểm ở nội dung đối kháng. Chính sự điều chỉnh này, có lẽ sẽ là thuận lợi cho các võ sĩ Việt Nam hoàn thiện, nâng cao chuyên môn để có thể tái lập vị trí thế mạnh của Taekwondo Việt Nam tại sân chơi Asiad và Olympic trong thời gian tới.   

N.H

Ảnh trong bài
  • Taekwondo cần được sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa