* Thưa Bộ trưởng, kỳ tích mà Hoàng Xuân Vinh giành được tại Olympic Rio 2016 có tạo cho ông những bất ngờ và cảm xúc như thế nào?
Với 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, Hoàng Xuân Vinh đã lập nên một kỳ tích, đây là kỳ tích có ý nghĩa lịch sử đối với Thể thao Việt Nam. Bởi vì từ trước đến nay chưa có một vận động viên Việt Nam nào có thể giành được thành tích như Hoàng Xuân Vinh tại đấu trường lớn như Olympic. Có thể nói, kỳ tích của Hoàng Xuân vinh có ý nghĩa rất to lớn mang vinh quang, tự hào về cho đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt là trong Thể thao.
Tôi thực sự cảm thấy rất vui mừng, xúc động, vinh dự và hết sức tự hào trước thành công to lớn của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016. Tấm Huy chương Vàng lịch sử mà Hoàng Xuân Vinh giành được đã làm thay đổi diện mạo Thể thao Việt Nam trên đấu trường thế giới và Thể thao đến gần hơn với người dân Việt Nam, họ yêu mến và quan tâm tới Thể thao nhiều hơn. Đây là thành công lớn đối với nền Thể thao nước nhà.
Trước khi đoàn Thể thao Việt Nam lên đường đi thi đấu tại Brazil, chúng tôi đặt chỉ tiêu cho các vận động viên hãy thi đấu cố gắng vượt qua chính mình, đạt được thành tích cao nhất trong khả năng và phấn đấu đạt được huy chương. Thực sự, Những người làm công tác quản lý của ngành Thể dục Thể thao chưa dám nghĩ tới là có thể đạt được Huy chương Vàng tại Olympic Rio 2016. Bởi vì đấu trường Olympic là nơi tập trung những vận động viên xuất sắc nhất thế giới, nên việc giành được huy chương đã khó, mà việc giành được Huy chương Vàng là điều rất khó.
Từ thành công này, với vai trò của nhà quản lý ông muốn nhắn nhủ gì tới xạ thủ Hoàng Xuân Vinh?
Lúc này, mọi lời khen ngợi dành cho Hoàng Xuân Vinh đều đã rất nhiều, cùng với đó, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Hoàng Xuân Vinh đã mang lại vinh quang cho đất nước, cho Thể thao Việt Nam, mang lại niềm vui, niềm tự hào cho tất cả những người yêu mến thể thao nước nhà. Tôi gửi lời cảm ơn môi trường Quân đội đã giáo dục, rèn luyện, tạo điều kiện cho anh hoàn thành nhiệm vụ, cảm ơn gia đình anh là hậu phương vững chắc để anh yên tâm cống hiến cho Thể thao. Tôi mong anh hãy tiếp tục phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa cho môn Bắn súng Việt Nam để góp phần mang lại nhiều thành công hơn nữa cho thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực, châu Á, thế giới trong thời gian tới.
Thưa Bộ trưởng, có thể nói, Thể thao Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách để có được kỳ tích như hôm nay, liệu thành tích này có tạo nên cú hích lớn về đầu tư và sự quan tâm tới ngành Thể dục Thể thao Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?
Nền kinh tế nước nhà trong những năm qua và cả ở giai đoạn hiện nay còn đang gặp rất nhiều khó khăn, chính vì vậy rất nhiều lĩnh vực chưa nhận được sự đầu tư lớn trong đó có ngành Thể dục Thể thao. Tuy nhiên, phải nói rằng, khó khăn là vậy nhưng với sự nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua khó khăn, thiếu thốn trong tập luyện nhưng vận động viên Việt Nam với ý chí vươn lên đã bước tới thành công một cách đầy vinh quang trong sự thán phục, nể trọng của bạn bè quốc tế. Đó là điều rất đáng trân trọng và tự hào.
Thành tích mà Hoàng Xuân Vinh có được từ đấu trường Olympic Rio 2016 đã khẳng định, trong điều kiện còn có những khó khăn nhưng nếu có cách làm đúng đắn, có sự nỗ lực, cố gắng thì cũng có thể vươn lên được đỉnh cao thế giới ở những môn Thể thao phù hợp với con người Việt Nam và Việt Nam có thế mạnh. Sau Olympic Rio, chắn chắn sẽ tạo đà thuận lợi để Thể thao Việt Nam tiến lên.
Từ thành công này, ngành Thể dục Thể thao Việt Nam sẽ quan tâm hơn tới Bắn súng nói riêng cũng như các môn Thể thao trọng điểm khác nói chung. Song chúng ta không quá đặt nặng vào vấn đề tài chính, bởi đất nước ta so với các nước khác kinh tế không bằng, không thể chỉ dựa vào đầu tư bằng tiền. Chúng ta phải có phương pháp riêng, phải có lòng tự tôn, sự chia sẻ, phải có tình yêu quê hương đất nước. Đó là những điều đã làm nên chiến thắng cho Việt Nam trong kháng chiến. Ngày nay, những giá trị ấy vẫn đang được thể hiện trong mọi lĩnh vực đời sống của chúng ta.
Sau Thế vận hội này, chúng ta tiếp tục phải hướng tới Olympic ở các kỳ sau, giải thế giới, châu Á và trong khu vực. Ở đấu trường nào, Thể thao Việt Nam cũng phải cố gắng. Về mong muốn xây dựng trường bắn mới cho Bắn súng, chúng tôi xin ghi nhận và nghiên cứu. Sau Olympic Rio, Bắn súng đang trở nên phổ biến, mọi người đều quan tâm, đều tìm hiểu xem luật chơi thế nào, Bắn súng ra sao. Đó là cú hích lớn cho cả ngành Thể thao và với riêng môn Bắn súng.
Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi chút về những định hướng của Thể thao Việt Nam trong thời gian tới?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển phong trào Thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt là trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh để vừa phát triển thể lực, tầm vóc của nhân dân đồng thời làm nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao. Về thể thao thành tích cao, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các môn thể thao phù hợp với đặc điểm thể chất của vận động viên Việt Nam, trong đó tập trung vào các môn Thể thao trọng điểm như: Bắn súng, Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Thể dục dụng cụ...và các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD mà thể thao Việt Nam có thế mạnh. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức trong Thể thao, xây dựng môi trường văn hóa Thể thao lành mạnh và tính chuyên nghiệp trong thể thao ngay từ tuyến cơ sở.
Cùng với đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu; nâng cao chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho các vận động viên. Cùng với mục tiêu sử dụng nội lực trong nước, chúng tôi sẽ mời thêm các chuyên gia giỏi của các nước cùng tham gia huấn luyện cho vận động viên Việt Nam và tạo điều kiện cho các vận động viên được tham gia tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều hơn để trong những năm tới.
Để những công việc trên sớm được thực thi, lãnh đạo ngành Thể thao Việt Nam đang khẩn trương đúc rút kinh nghiệm, bàn luận và xây dựng lên các chiến lược phát triển phù hợp nhất, trong đó ưu tiên cho những việc cần giải quyết trước mắt và sau đó là kế hoạch phát triển đối với từng môn Thể thao thế mạnh, các môn Thể thao cơ bản trong hệ thống Olympic, Asiad cũng như các kế hoạch chiến lược mang tính định hướng, cách làm cụ thể đối với các hoạt động Thể thao quần chúng trên phạm vi cả nước.
N. H