Thể thao người khuyết tật Việt Nam hướng tới mục tiêu giành thành tích cao tại Paralympic 2016

Khác với những lần tham gia các Đại hội lớn của Châu lục và Thế giới trước đây, kỳ Paralympic 2016 lần này, các vận động viên được coi là “thế hệ vàng” của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đang tràn đầy tự tin cạnh tranh trong top giành huy chương ở các môn thi đấu chủ lực là Bơi lội, Cử tạ.... Đứng trước cơ hội lịch sử này, phóng viên Trang tin điện tử TDTT đã có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Thế Phiệt – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam về công tác chuẩn bị của các vận động viên trước khi lên đường thi đấu.


Ông Vũ Thế Phiệt – Phó Chủ tịch kiêm 
Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam (Ảnh: TT)

PV: Dưới con mắt của một nhà chuyên môn đã có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với thể thao người khuyết tật, ông đánh giá thế nào về tiềm năng cũng như khả năng tranh chấp huy chương của các vận động viên người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic lần này?

Ông Vũ Thế Phiệt – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam:

“Thể thao khuyết tật Việt Nam đã 4 lần tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic và đạt được thành tích khá cao khi có 3 vận động viên của môn Điền kinh và Cử tạ xếp vị trí thứ 4 tại Paralympic 2008 ở Bắc Kinh và Paralympic 2012 ở London. Tuy nhiên tại kỳ TVH Paralympic 2016, tôi đánh giá khả năng đoạt huy chương của các VĐV Việt Nam cao hơn rất nhiều. Cụ thể, VĐV Lê Văn Công – môn Cử tạ hiện đang xếp hạng 1 Thế giới trong suốt 1 năm nay, nếu tiếp tục giữ vững được phong độ như hiện nay thì khả năng tranh chấp huy chương của Công rất cao. Vận động viên thứ 2 được kỳ vọng là Võ Thanh Tùng – môn Bơi đã đạt được 5 HCV châu Á tại Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á 2014 tại Incheon – Hàn Quốc, vừa qua tại Bồ Đào Nha anh tiếp tục đạt được HCV tại nội dung 50m bơi tự do, HCB tại nội dung 50m bơi ngửa. Do vậy ở 2 nội dung này, vận động viên Võ Thanh Tùng cũng có khả năng đạt huy chương ở Paralympic 2016. Ngoài ra, các VĐV khác như: Trịnh Thị Bích Như (Bơi), Nguyễn Bình An (Cử tạ), Cao Ngọc Hùng (Điền Kinh) cũng đều có thành tích rất tốt và sẵn sàng tranh chấp huy chương. Như vậy, hiện nay chúng ta có 10 VĐV được tham dự Paralympic thì có 5 VĐV có khả năng tranh chấp huy chương, trải qua thời gian dài tập luyện và thi đấu thì đến thời điểm này, tôi hy vọng chính là điểm rơi phong độ để các VĐV có thể giành được thành tích cao tại đấu trường này.”

Lê Văn Công và Võ Thanh Tùng đang đứng trước cơ hội giành huy chương tại Paralympic 2016
(Ảnh: Thế Thiện)

PV: Thưa ông, hiện nay Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã có những kế hoạch như thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên tập luyện, chuẩn bị thi đấu tại Paralympic 2016? 

Ông Vũ Thế Phiệt – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam:

“Hiện nay, các VĐV đang tập trung tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể thao thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung điều kiện ăn ở, tập luyện và sinh hoạt của các VĐV đều bảo đảm rất tốt. Các dụng cụ, phương tiện tập luyện như tạ, quần áo bơi, lao, đĩa đều được trang bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài điều kiện chuyên môn, vấn đề dinh dưỡng của các vận động viên cũng được chú trọng khi được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc biệt, bằng với các vận động viên dự Olympic. Hiệp hội Paralympic Việt Nam cũng vận động được các nguồn tài trợ thêm cho các vận động viên về kinh phí, dinh dưỡng... Điều đó tạo nên sự yên tâm cho các VĐV và gia đình của họ, giúp các VĐV có điều kiện tốt nhất để tập trung tập luyện và thi đấu đạt thành tích cao.” 

PV: Trong tương lai, Hiệp hội Paralympic Việt Nam có phương hướng, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng các vận động viên kế cận như thế nào để tiếp tục kế thừa và nâng cao thành tích thi đấu của thể thao người khuyết tật Việt Nam? 

Ông Vũ Thế Phiệt – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam:

“Tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm nay thì Hiệp hội Paralympic Việt Nam cũng như Tổng cục Thể dục thể thao cũng đã hướng đến một xu hướng đó là đào tạo lực lượng vận động viên kế cận. Chính vì vậy, trong điều lệ của giải năm nay có thêm bảng thi đấu dành cho các lứa tuổi trẻ. Dần dần chúng tôi sẽ tìm ra những lứa vận động viên kế cận để chúng ta có những vận động viên thay thế trong tương lai. Vì vậy, công tác tìm kiếm, phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng những vận động viên mới là một trong những công tác trọng tâm của Hiệp hội Paralympic Việt Nam ngay ở giải đấu này và trong các năm tiếp theo.”

 Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Minh An

Ảnh trong bài
  • Thể thao người khuyết tật Việt Nam hướng tới mục tiêu giành thành tích cao tại Paralympic 2016