Bắn cung Việt Nam: Chú trọng công tác đào tạo trẻ

Được gây dựng và phát triển trở lại không lâu, nhưng Bắn cung Việt Nam đã có được sự thăng tiến khá ổn định trên bình diện quốc tế. Đặc biệt, thành tích mà các cung thủ Bắn cung Việt Nam lập được tại đấu trường SEA Games 27 ( 2 tấm HCV do công của Nguyễn Tiến Cương ở nội dung cung 3 dây đơn nam và Đào Trọng Kiên, Lộc Thị Đào ở nội dung cung 1 dây đôi nam nữ) đã để lại ấn tượng không thể nào quên và đi vào lịch sử của Bắn cung Việt Nam. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho những sự kiện thể thao trọng đại trong tương lai, việc chuẩn bị lực lượng VĐV trẻ kế cận đang là bài toán khó đối với Ban huấn luyện và các Nhà quản lý. Phóng viên Trang tin Điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trường Giang – Trưởng bộ môn Bắn cung Việt Nam về vấn đề này.

Ông Bùi Trường Giang
- Trưởng bộ môn Bắn cung Việt Nam
Ông có thể đánh giá một cách khái quát về  thực trạng lực lượng trẻ kế cận của Bắn cung Việt Nam?

Ông Bùi Trường Giang:  Lâu nay, chuyện đào tạo lực lượng trẻ, kế thừa ở các đội tuyển quốc gia, hay tuyển trẻ ở các môn thể thao thao nói chung và Bắn cung nói riêng luôn là bài toán khó với các nhà quản lý. Không phải vì Bắn cung Việt Nam quá hiếm lực lượng đầu vào mà còn vì nhiều lý do khách quan, chủ quan trong đó phải kể đến chủ trương đầu tư phát triển của địa phương, hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ môn này tương đối tốn kém, áp lực với đơn vị tài trợ và đôi khi còn là áp lực thành tích khiến việc trẻ hoá đội hình ở Bắn cung trong thời gian qua vẫn chưa được triển khai một cách triệt để.

Trong khoảng vài năm trở lại đây, nhất là tại kỳ 3 kỳ SEA Games 26, 27, 28, Bắn cung Việt Nam chỉ biết đến những cái tên chủ chốt đi thi đấu quốc tế như: Tiến Cương, Trọng Kiên, Lộc Thị Đào, Thanh Thảo, Huyền Trang, Thu Hiền… Và gần đây nhất nổi lên là Ngọc Huyền.

Trước những yêu cầu đặt ra về việc trẻ hóa lực lượng, các nhà quản lý Bắn cung Việt Nam đã có những biện pháp gì để thúc đẩy công tác này, thưa ông?

Ông Bùi Trường Giang:  Trên thực tế trong suốt thời gian qua, bộ môn Bắn cung Tổng cục TDTT đã luôn trăn trở, dành nhiều thời gian để nghiên cứu các lộ trình, giải pháp phát triển môn Bắn cung và xây dựng lực lượng VĐV hùng hậu trong tương lai.

Một trong những giải pháp được các nhà quản lý bộ môn triển khai là việc thuê chuyên gia giỏi về đào tạo, huấn luyện và tuyển chọn những cung thủ trẻ xuất sắc, có khả năng phát triển lâu dài để đào tạo. Trong đó phải kể đến cam kết kéo dài 6 năm giai đoạn 2013 - 2019 giữa Doosan (Hàn Quốc) và Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam. Doosan đã đưa đoàn 6 cung thủ thiện nghệ từ Hàn Quốc đến Hà Nội để triển khai chương trình đào tạo nâng cao (từ ngày 27/11 - 5/12/2015). Đây là một trong những hoạt động nằm trong nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó Doosan cam kết hỗ trợ phát triển kỹ thuật, tổ chức giao lưu luân phiên giữa các cung thủ và huấn luyện viên hai quốc gia; cũng như tài trợ trang thiết bị cho đội tuyển Bắn cung quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc khích lệ các địa phương tăng cường đầu tư và có những ràng buộc nhất định đối với công tác đào tạo trẻ cũng đã được tiến hành. Bởi thế, lực lượng tham gia các giải trong nước luôn ổn định và gia tăng hàng năm. Trung bình có khoảng 15-17 đơn vị tham dự với trên 100 xạ thủ.

Cũng nhằm hướng phát triển các VĐV trẻ, kế cận hùng hậu, công tác đào tạo được quan tâm tới từng đơn vị. Hàng năm bộ môn đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo kết hợp với các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy để nâng cao trình độ cho các HLV, Trọng tài, VĐV. Đến nay, công tác tổ chức đã chuyên nghiệp và dần đi vào tự động hóa.

Trong giai đoạn chuyển giao khó khăn này, với cương vị một nhà quản lý ông có suy nghĩ như thế nào để Bắn cung Việt Nam ngày càng phát triển?

Ông Bùi Trường Giang:  Trong thời gian tới, điều cần làm nhất cho Bắn cung Việt Nam theo tôi là việc nâng chất cho đội tuyển quốc gia, bởi thành tích là thước đo dễ nhìn thấy và đánh giá nhất. Bên cạnh đó chính là việc tìm lộ trình phát triển rõ nhất cho Bắn cung Việt Nam. Cùng với việc mời các HLV ngoại về đào tạo, cần tích cực phối hợp hơn nữa với các địa phương trong kế hoạch huấn luyện hàng quý, hàng năm nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.

Song song với đó là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác huấn luyện thi đấu nhưng thực tế công việc này không chỉ nằm ở vấn đề kinh phí với việc đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện hiện đại mà nó còn phụ thuộc vào yếu tố con người, trình độ nhận thức.

Các quốc gia mạnh trong khu vực như: Indonesia, Singapore, Thái Lan… cũng đều phải trải qua những giai đoạn khó khăn như ta, nên tôi tin, Bắng cung Việt Nam với việc mạnh dạn trẻ hoá lực lượng cũng sẽ gặt hái được những thành công nhất định. 

Quy Bảng

Ảnh trong bài
  • Bắn cung Việt Nam: Chú trọng công tác đào tạo trẻ