|
Ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng (Ảnh:T.Nhã) |
PV: Năm 2015 là năm sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 16 CP và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ông có thể cho biết những nét nổi bật về phong trào TDTT quần chúng của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua?
Ông Trần Văn Hùng: Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 của Chính phủ, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 và triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra, Thể thao Sóc Trăng đã có những giải pháp đúng đắn và phù hợp để triển khai thực hiện các chỉ thị của Đảng. Nhờ vậy, công tác TDTT đặc biệt phong trào thể thao quần chúng của địa phương ngày càng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã chủ động ký kết liên tịch với các ban ngành, doanh nghiệp tổ chức vận động, hướng dẫn phát triển TDTT quần chúng với những bước vững chắc, ổn định và có chiều sâu. Phong trào tập luyện thể dục thể thao được người dân duy trì tập luyện thường xuyên ở mọi lứa tuổi. Chính vì vậy, hiện nay số người tập luyện TDTT thường xuyên toàn tỉnh là 347.000/1.038.300 đạt 26.5%, so năm 2014 tăng 1,6%. Số gia đình thể thao là 17.250/296.901 hộ, đạt 5,81% so với năm 2014 tăng 0,4%; Các trường học đều đảm bảo thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất. Các địa phương đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như: Đua thuyền rồng, Bi sắt, Đẩy gậy, Lân - Sư - Rồng, Đua ghe Ngo, Võ cổ truyền, Vovinam…Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện đã quan tâm phát triển một số môn thể thao giải trí mới như: Nhảy hiện đại, nhào lộn vượt điạ hình nhảy Rumba, Aerobic…
PV: Vậy ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao thì sao, thưa ông?
Ông Trần Văn Hùng: Sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng đã tạo điều kiện thuận lợi để thể thao thành tích cao phát triển. Nhiều nhân tố đã được phát hiện và được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, trở thành nguồn VĐV kế cận cho các đội tuyển thể thao của tỉnh. Năm 2015, Sở VH,TT&DL đã cử đoàn VĐV của tỉnh đi tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực và toàn quốc cũng đạt được những kết quả cao: Giải trẻ võ cổ truyền toàn quốc tại Quảng Ngãi đạt 03 HCĐ; giải vô địch Thể dục dưỡng sinh toàn quốc tại Khánh Hòa đạt 01 HCĐ, giải cúp các CLB dưỡng sinh toàn quốc tại Tiền Giang đạt 02 HCĐ, Hội thi thể thao gia đình toàn quốc tại Lào Cai đạt 05 HCĐ, cử 02 đoàn VĐV phong trào ở các môn: Võ cổ truyền, Vovinam tham dự giải Đại hội TDTT đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ VI-2015, kết quả đạt 01HCV, 07HCB, 5HCĐ.
Có thể khẳng định, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào thể thao thành tích cao của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Điều này được thể hiện rõ qua thành tích mà đoàn VĐV Sóc Trăng giành được tại Đại hội TDTT Đồng Bằng Sông Cửu Long với 141 huy chương: 42HCV, 55HCB, 44HCĐ, xếp hạng 5/15 đơn vị, tỉnh, thành. Thành tích này cũng giúp Sóc Trăng giữ vững vị trí trong tốp 5 hạng đầu so với kỳ Đại hội TDTT lần thứ V năm 2013 tại Tiền Giang. Đóng góp vào sự thành công của thể thao thành tích cao của tỉnh phải kể đến những gương mặt tiêu biểu như: VĐV Nguyễn Thị Quyền Trang môn Bắn cung đạt HCV SEA Games lần thứ 28 Singapore năm 2015 nội dung đồng đội nữ; Mai Hữu Phước môn Bi sắt đạt HCĐ nội dung bộ ba phối hợp 02 nam, 1 nữ; VĐV Đặng Thị Tuyết Nhi - HCĐ giải Cầu mây thế giới lần thứ 30 King’s Cup Thái Lan; VĐV Lê Thị Lài - 02HCV phá kỷ lục quốc gia nội dung ném đĩa nữ tại giải vô địch Điền kinh quốc gia năm 2015. Hiện tại, VĐV Lê Thị Lải đang nắm giữ 03 kỷ lục (01 kỷ lục Đại hội TDTT toàn quốc môn đẩy tạ, 02 kỷ lục quốc gia nội dung đẩy tạ và ném đĩa nữ).
PV: Thưa ông, được biết hiện nay cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu của các VĐV đỉnh cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong điều kiện như vậy, ngành VHTTDL Sóc Trăng đã có những giải pháp gì để khắc phục và đáp ứng nhu cầu tập luyện của các đội tuyển?
Ông Trần Văn Hùng: Hiện nay, Sóc Trăng mới có 01 Nhà tập luyện và thi đấu thể thao, 01 Sân tập có mái che, 01 Cụm sân Bi sắt, Cụm sân quần vợt: gồm 5 sân; trong đó, UBND tỉnh giao cho NHNN&PTNT quản lý 02 sân. 03 sân còn lại Liên đoàn quần vợt đang khai thác, 01 hồ bơi thiếu nhi, 01 nhà tập Cử tạ và Judo, 01 Nhà tập Taekwondo, 01 nhà nghỉ vận động viên 80 giường, 01 sân tập điền kinh tạm thời, Khu khán đài đường đua ghe Ngo tọa lạc trên đường Cao Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng có tổng diện tích 12.248,1m2, gồm có khán đài 2.080 chỗ ngồi.
Để đáp ứng nhu cầu thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao đạt chỉ tiêu đề ra và khắc phục sự tồn tại và thiếu thốn về cơ sở vật chất sân bãi, có đủ điều kiện đảm bảo để phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020, ngành VH,TT&DL sẽ phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm phát triển cơ sở vật chấp phục vụ hoạt động thể thao của tỉnh nhà, cụ thể như:
1. Xây dựng kế hoạch và triển khai đầu tư xây dựng cơ các công trình thể thao trọng điểm của tỉnh ( Nhà thi đấu, sân vận động, hồ bơi), đầu tư xây dựng các công trình thể thao đối với khu liên hợp TDTT huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm VHTT xã, phường, thị trấn nhất là trường học gắn với quy hoạch sử sụng đất, xây dựng đô thị xây dựng nông thôn mới
2. Thường xuyên tu bổ, chỉnh trang công trình nhà tập luyện và thi đấu tại các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo an toàn cho quá trình tập luyện và tổ chức thi đấu các giải, Hội thao.
3. Đầu tư, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, các công trình thể thao hiện có của tỉnh đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên và đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp khu vực và toàn quốc. Xây dựng các công trình thể thao theo tiêu chí cấp tỉnh, như: sân vận động, nhà thi đấu tổ hợp, hồ bơi thi đấu. Thành lập trường năng khiếu thể thao nhằm phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu và tài năng thể thao..
4. Mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, TDTT giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở vật chất, các loại hình dịch vụ TDTT và tổ chức các sự kiện TDTT, tham gia tài trợ các giải thi đấu thể thao và các đội tuyển thể thao của tỉnh.
5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai quán triệt Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 14/01/2013 của Chính phủ và Chương trình hành động số 19-CT/TU, ngày 17/9/2015 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển về thể dục, thể thao đến năm 2020, một cách có hiệu quả, thiết thực, rộng rãi trong toàn xã hội; đăc biệt là đối với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đảng viên, cán bộ, công chức, viện chức và toàn thể nhân dân nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết và cuộc sống.
PV: Theo ông đâu là những hạn chế của TDTT Sóc Trăng, hướng tới cần phải đẩy mạnh để phong trào thể thao tỉnh nhà ngày càng phát triển?
Ông Trần Văn Hùng: có thể nói trong năm 2015 phong trào TDTT tỉnh nhà̀ có những bước phát triển mới chắc chắn, tuy nhiên có thể thấy rõ những hạn chế, bất cập trong công tác phát triển TDTT của địa phương đó là: phong trào TDTT quần chúng giữa các địa phương phát triển chưa đồng đều, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, các điều kiện dành cho TDTT còn thấp, các công trình TDTT công cộng cho người dân còn thiếu nhiều và lạc hậu. Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường còn nhiều bất cập. Thể thao trong các đối tượng lao động xã hội còn chưa được quan tâm đúng mức nhất là trong các khu công nghiệp tập trung. Thể thao cho người khuyết tật còn chưa được quan tâm ở các địa phương. Công tác xã hội hoá các hoạt động Thể dục thể thao quần chúng đã được quan tâm nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội.
PV: Năm 2015 đã sắp khép lại, vậy trong năm tới, Sóc Trăng đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ như thế nào để thúc đẩy hơn nữa phong trào TDTT của tỉnh?
Ông Trần Văn Hùng: Trong năm 2016, để phát triển TDTT, chúng tôi đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Đẩy mạnh các hoạt động TDTT của tỉnh cả về quy mô và chất lượng, trên cơ sở triển khai kế hoạch thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “ Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác hồ vĩ đại”giai đoạn 2012 - 2020, phát triển phong trào tập luyện TDTT, đặc biệt là thể thao quần chúng ở cơ sở, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng, tầm vóc và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; Bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian…
Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá tình hình hoạt động TDTT ở những vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc người Khmer, Hoa. Bên cạnh đó, đưa nhiều môn thể thao (hiện đại, dân tộc và trò chơi dân gian) vào trường học phục vụ cho công tác giảng dạy thể dục nội khóa và ngoại khoá cho học sinh, sinh viên; Đồng thời tạo cơ sở cho việc tuyển chọn VĐV năng khiếu thể thao của tỉnh.
Tiếp tục có những chính sách quan tâm xây dựng và phát triển CLB TDTT cơ sở trong các điểm trường, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn tại các huyện, thành phố, đặc biệt các xã nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về hiệu quả của việc tập luyện TDTT, phổ biến luật TDTT trên các thông tin đại chúng. Thực hiện và đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT. Hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu và tài năng thể thao, duy trì và nâng cao thành tích các môn thể thao thế mạnh của tỉnh, đồng thời từng bước đầu tư phát triển các môn thể thao còn yếu và các môn thể thao có tiềm năng phát triển.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
T.Nhã