Hướng tới thành lập "Chi hội sử học TDTT"

Thể thao Việt Nam hiện đại đang không ngừng phát triển và hội nhập với thể thao các nước trên thế giới. Để có được nền thể dục thể thao Việt Nam như ngày nay là cả một tiến trình lịch sử. Và việc biên soạn Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam là để tôn vinh những sự kiện, những con người thể thao, những nhà hoạt động thể dục thể thao một cách sinh động, đi vào lòng người và để truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chính vì lẽ đó, việc hình thành “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” làm hạt nhân triển khai các đề án, dự án về Lịch sử Thể dục Thể thao là điều vô cùng cần thiết.

Phóng viên Trang tin Điện tử Tổng cục Thể dục Thể thao đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Thể dục Thể thao, một trong những thành viên của Ban Biên soạn cuốn “Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” từ ngày đầu tiên và cũng là người vô cùng tâm huyết với vấn đề thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao”, để hiểu thêm về quá trình thành lập

Xin ông cho biết việc thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” xuất phát từ đâu?

Nói tới ý tưởng thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” là cả một chặng đường dài. Năm 2012, Kỷ niệm “Ngày Thể thao Việt Nam 27/3”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã tổ chức Lễ công bố Sách “Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” từng được nghiên cứu, biên soạn từ năm 1999. Sách được in 1.000 bản với 186 trang khổ 19x27cm kèm 129 ảnh và dùng để  “Lưu hành nội bộ” Ngành.

Sở dĩ Sách mang chữ “Sơ thảo” bởi hai lý do: một là, đây là lần đầu nghiên cứu, biên soạn; hai là, quá trình nghiên cứu, biên soạn tập trung nêu bật “Lịch sử Thể dục Thể thao chung cả nước” và chưa có được nhiều tư liệu về “Lịch sử Thể dục Thể thao của các địa phương, các ngành và các môn thể thao”. Sách sẽ được nâng từ cấp độ “Sơ thảo” lên thành “Chính thức” vào lần nghiên cứu, biên soạn sau này với cơ sở vững chắc hơn khi có được tư liệu lịch sử do cơ quan thể dục thể thao các địa phương, các ngành và các Liên đoàn – Hiệp hội Thể thao biên soạn.

Muốn có được “Lịch sử Thể dục Thể thao của các địa phương, các ngành, các môn thể thao” thì phải có một bộ phận đứng ra hướng dẫn, thúc đẩy việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản. Nhận thức được tầm quan trọng của việc làm này, trong lúc bộ máy Ủy ban Thể dục Thể thao không có bộ phận chuyên trách về Lịch sử, năm 2007, Lãnh đạo Ủy ban Thể dục Thể thao đã thành lập “Ban Trù bị” tiến tới thành lập “Chi hội Lịch sử Thể dục Thể thao” gồm 5 người do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Nguyễn Trọng Hỷ làm Trưởng Ban. Tuy nhiên, từ tháng 8/2007 Ủy ban Thể dục Thể thao sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên công việc chưa được triển khai.

Trước thực trạng trên, tháng 9.2014, các anh em từng tham gia nghiên cứu, biên soạn “Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” (thời gian 4/1999 – 3/2012) đã gặp mặt nhau, với sự có mặt của Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Nguyễn Trọng Hỷ và Nhà Sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc gợi ý nên lập “Ban Trù bị” để chuẩn bị tiến tới đề nghị “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam” cho phép thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” là đơn vị trực thuộc “Hội” và được “Hội” tạo điều kiện, hướng dẫn chuyên môn và trước hết là có “tư cách pháp nhân” của một tổ chức mang tính xã hội hóa để hoạt động.

Từ đó anh em đã cử“Ban Trù bị” gồm 3 người: ông Trần Can, ông Lương Kim Chung và tôi đều là những người từng tham gia nghiên cứu, biên soạn Lịch sử từ đầu.

Vậy để nhanh chóng xúc tiến việc thành lập được “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao”, những việc đã làm vừa qua là gì, thưa ông?

Theo hướng dẫn của Nhà Sử học Dương Trung Quốc, “Ban Trù bị” đã tiến hành 3 việc: một là, công tác nhân sự  - chọn lựa và đề cử các thành viên tham gia “Chi hội”, kết quả đề cử được 13 người ở Hà Nội, 6 người ở Tp. Hồ Chí Minh (không kể 3 thành viên “Ban Trù bị”); hai là, đề xuất nội dung công việc cần làm : xác định một số đề tài cần tổ chức biên soạn trước mắt, trong đó việc hàng đầu là tổ chức biên soạn sách “70 năm Lịch sử Thể dục Thể thao (1946 – 2016)” để phục vụ cho đông đảo bạn đọc quan tâm và yêu thích thể dục thể thao và ấn hành vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Nha Thể dục Trung ương” – Cơ quan pháp lý nhà nước đầu tiên về thể dục thể thao và là Kỷ niệm 70 năm ngày “Truyền thống Ngành Thể dục Thể thao” (30/1/1946 – 30/1/2016); ba là, chuẩn bị và tiến hành “Hội nghị Trù bị thành lập Chi hội Sử học Thể dục Thể thao”: Hội nghị đã diễn ra ngày 8/7/2015 và đã bầu “Ban Chấp hành Lâm thời của Chi hội” tại Hà Nội gồm: 1 Chi hội trưởng, 1 Chi hội phó Thường trực, 1 Thư ký và 6 Chi hội phó phụ trách 6 Ban chuyên môn:

          - Ban Sử Thể dục Thể thao các địa phương;

          - Ban Sử̉ Thể dục Thể thao các ngành;

          - Ban Sử các môn thể thao;

          - Ban Bảo tàng – Nhà Truyền thống Thể dục Thể thao ;

          - Ban Tuyên truyền;

          - Ban Tài trợ.

Bên cạnh đó, tại Tp. Hồ Chí Minh đã hình thành “Chi nhánh của Chi hội Sử học Thể dục Thể thao tại Tp. Hồ Chí Minh” do một Chi hội phó kiêm Trưởng Chi nhánh để phối hợp hoạt động với các Ban Sử Thể dục Thể thao địa phương, ngành, môn thể thao và Ban Bảo tàng – Nhà truyền thống tại Hà Nội. Chi nhánh còn có 1 Phó Trưởng Chi nhánh phụ trách Tài trợ.

Sau Hội nghị, “Ban Trù bị” đã xây dựng “Tờ trình Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về việc xin phép thành lập Chi hội Sử học Thể dục Thể thao là đơn vị trực thuộc Hội” và Tờ trình đã được gửi đến “Hội”.

Trong quá trình đến với sự thống nhất thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” có những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?

Khó khăn khách quan thì như đã nêu trên, ví dụ như do thay đổi tổ chức của Ủy ban Thể dục Thể thao nên việc thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” chưa được triển khai. Khó khăn chủ quan là phần lớn anh em đều có tuổi, đã về hưu, sức khỏe có phần hạn chế, đặc biệt là không qua đào tạo về Khoa học Lịch sử, và trước nay làm việc trong bộ máy nhà nước, chưa am hiểu phương thức hoạt động mang tính xã hội hóa. Hơn nữa, cơ quan thể dục thể thao các địa phương hoạt động trong khuôn khổ liên ngành với Văn hóa và Du lịch, do vậy việc biên soạn Lịch sử và xây dựng Bảo tàng – Nhà truyền thống Thể dục Thể thao cần có sự đồng thuận.

Còn thuận lợi thì có nhiều. Về khách quan là Lãnh đạo Ủy ban Thể dục Thể thao trước đây đã thành lập “Ban Trù bị” để xúc tiến hình thành “Chi hội Lịch sử Thể dục Thể thao”, và gần đây Lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao đã động viên, khích lệ việc thành lập “Chi hội” với tư cách là một tổ chức xã hội. Tại “Hội nghị Trù bị thành lập Chi hội” vừa qua, thay mặt Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn đã dự họp và phát biểu cho biết là Tổng cục sẽ quan tâm, hỗ trợ để “Chi hội” thực hiện tốt vai trò của mình.

Một thuận lợi cơ bản là chúng tôi luôn nhận được sự tư vấn của Nhà Sử học Dương Trung Quốc – người từng theo sát quá trình nghiên cứu, biên soạn ngay từ đầu, từng gợi ý để hình thành “Ban Trù bị” với hướng dẫn chuẩn bị các bước công tác cụ thể. Tại “Hội nghị Trù bị” vừa qua, Nhà Sử học đã phát biểu mang tính đề dẫn, đã mời Phó Văn phòng “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam” cùng dự họp và sau “Hội nghị”, “Thường vụ Hội” đã hướng dẫn “Ban Trù̀ bị” lập “Tờ trình” gửi “Hội” để “Hội” xem xét và quyết định.

Một thuận lợi lớn là trong quá trình giới thiệu, đề cử các nhà khoa học, các cán bộ đang và từng là lãnh đạo, quản lý trong Ngành Thể dục Thể thao làm thành viên “Chi hội” tương lai, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng và nhận được cả những đề xuất việc làm cần thiết sắp tới của “Chi hội”.

Sau khi chính thức ra mắt, nhiệm vụ và mục tiêu mà “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” theo đuổi là gì, thưa ông?

Khi “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” chính thức ra mắt, sẽ tiến hành:

- Nhiệm vụ đầu tiên phải làm là xây dựng “ĐIỀU LỆ HOẠT ĐỘNG của Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” theo mẫu chung do “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam” hướng dẫn và đưa mọi hoạt động tiến hành theo “Điều lệ”.

- Nhiệm vụ quan trọng là hình thành nhân sự các Ban chuyên môn do các Phó Chi hội trưởng đứng đầu. Từ đây, mỗi Ban xây dựng “Chương trình hành động” và “Đề cương hoạt động”, trên cơ sở đó tổ chức tập huấn để hướng dẫn các địa phương, ngành, môn thể thao thành lập “Ban Biên soạn Lịch sử” và xây dựng “Bảo tàng - Nhà truyền thống” của mình và đi vào hoạt động .

- Mục tiêu hoạt động của “Chi hội” trong năm 2015 là mỗi Ban hướng dẫn thí điểm tổ chức được một địa phương, một ngành, một bộ môn hình thành được “Ban Biên soạn Lịch sử” của mình cũng như hình thành được “Ban xây dựng Bảo tàng – Nhà Truyền thống” của mình. Sang năm 2016 sẽ sơ kết thí điểm, tiến tới nhân ra diện rộng hơn. Cũng trong năm 2015, tổ chức biên soạn sách “70 năm Thể dục Thể thao Việt Nam (1946 - 2016)” để có thể ấn hành vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Thể dục Thể thao (30/1/1946 - 30/1/2016) . Đồng thời triển khai biên soạn một số đề tài khác.

Bên cạnh mục tiêu tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lịch sử thể dục thể thao và tập hợp người yêu thích nghiên cứu lịch sử thể dục thể thao, chúng tôi mong muốn thông qua những sản phẩm được đưa đến công chúng, sẽ giúp nâng cao nhận thức, tinh thần thượng võ, lòng yêu nước, yêu Ngành và niềm tự hào về sự đóng góp của Ngành vào sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Cuốn “Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” xuất bản năm 2012 được xem là một sản phẩm làm tiền đề cho việc thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao”, vậy bản thân ông đánh giá thế nào về vai trò của cuốn “Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” đối với công chúng, người hâm mộ cũng như toàn thể Ngành Thể dục Thể thao Việt Nam?

Sách “Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” được biên soạn dựa vào toàn bộ kết quả “Công trình Khoa học cấp Bộ Nghiên cứu và Biên soạn Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” về thời gian là từ thời Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, về không gian là toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (kể cả Vùng tự do và Vùng tạm bị chiếm thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cả miền Bắc và miền Nam thời kỳ đất nước tạm thời bị chia cắt). Công trình do Ban Chủ nhiệm Đề tài gồm 10 thành viên (là các Phó Giáo sư, Tiến sĩ là cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo Ngành Thể dục Thể thao và các Giám đốc – Tổng Biên tập “Báo Thể thao Việt Nam”, “Tạp chí Thể thao Việt Nam” và “Nhà Xuất bản Thể dục Thể thao”, phần lớn đã về hưu) được Ủy ban Thể dục Thể thao chỉ định và được thực hiện từ tháng 4 năm 1999 với sự quản lý khoa học của Viện Khoa học Thể dục Thể thao, sự tư vấn lịch sử của các Nhà Sử học hàng đầu nước ta, được “Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Bộ” do Ủy ban Thể dục Thể thao thành lập tiến hành thẩm định, nghiệm thu tháng 7 năm 2007.

Trong “LỜI GIỚI THIỆU”, Nhà Sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam” đánh giá:“Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” là một bản thảo có chất lượng cao về nội dung của một công trình lần đầu tiên được nghiên cứu. Chất lượng này được thể hiện bởi một khối lượng khá lớn những sự kiện cơ bản đầy đủ, được trình bày một cách có hệ thống giúp người đọc hình dung được những nét chính của lịch sử hình thành và phát triển nền thể dục thể thao qua các thời kỳ từ xưa đến nay, đã phần nào phản ánh được bản chất gắn liền với thể chế chính trị, cũng có nghĩa là phản ánh được quy luật và đặc trưng cơ bản của nền thể dục thế thao ấy. Đó là chất lượng hàng đầu của công trình”.

“Tôi cũng đánh giá cao công trình này trên phương diện quan tâm đến một “lịch sử có bóng dáng con người”, khắc phục tình trạng khá phổ biến là viết sử một cách “vô nhân xưng” trong nhiều công trình tương tự ở các ngành khác. Trong công trình đã không quên những tên tuổi có đóng góp vào sự nghiệp thể dục thể thao trên cả phương diện quản lý và thành tích thi đấu.”

“Bộ “Sơ thảo Lịch sửmang tính chất tổng kết là một sản phẩm bổ ích cho chặng đường nhận thức lịch sử “Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam”. Bởi lẽ, lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng nhận thức về nó là cả một quá trình.” “Đối với người đọc ngoài Ngành, chắc chắn đấy sẽ là một sản phẩm bổ ích, vì lần đầu tiên được thấy một bức tranh toàn cảnh trên một lĩnh vực mà ít nhiều ai cũng quan tâm như một khán giả hay tham gia như một người biết chăm sóc sức khỏe của mình.” “Riêng với giới Sử học, xin ghi nhận cuốn “Sơ thảo” này là một sự bổ sung bước đầu, nhưng có ích vào những khoảng trống trong nhận thức lịch sử dân tộc mấy nghìn năm qua.”

“Nhân đây tôi cũng xin kiến nghị lãnh đạo Ngành Thể dục Thể thao hướng dẫn để các địa phương, các ngành, các bộ môn… biên soạn lịch sử của mình. Lúc đó lịch sử chung mới có cơ sở vững chắc. Đồng thời, lãnh đạo Ngành nên quan tâm đến mục tiêu hướng tới một Bảo tàng Thể dục Thể thao Việt Nam. Lịch sử và Bảo tàng là những ngôn ngữ rất có hiệu quả góp phần thúc đẩy Thể dục Thể thao Việt Nam phát triển và không ngừng đổi mới.”

Có lẽ kiến nghị của Nhà Sử học Dương Trung Quốc đã khẳng định một ý rất tinh tế mà Nhà báo đã nêu: “Cuốn “Sơ thảo Lịch sử Thể dục Thể thao Việt Nam” xuất bản năm 2012 được xem là sản phẩm làm tiền đề cho việc thành lập “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” hôm nay”.

Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này và cũng xin chúc “Chi hội Sử học Thể dục Thể thao” sớm ra mắt.

A.T

 

Ảnh trong bài
  • Hướng tới thành lập "Chi hội sử học TDTT"