SEA Games là bệ phóng để hướng đến đấu trường Olympic

Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam đã có một kỳ SEA Games rất thành công khi giành tới 8 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, xếp hạng Nhất toàn đoàn. Trang tin điện tử TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Lê Quang – Trưởng bộ môn Đấu kiếm về những thành tích đã giành được của đội tuyển Đấu kiếm tại SEA Games 28 cũng như những định hướng của bộ môn nhằm hướng đến đấu trường thể thao thế giới – Olympic 2016.

 

Ông Phùng Lê Quang - bộ môn Đấu kiếm
Tổng cục TDTT (Ảnh Thế Thiện)
Ông đánh giá thế nào về thành tích của Đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 28?

Có thể nói đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thi đấu hết sức thành công. Việc các kiếm thủ của chúng ta giành 8 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ đã khẳng định vị trí số một vững chắc của Đấu kiếm Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á. Thành tích này có được  là thành quả của tầm nhìn chiến lược mà lãnh đạo Tổng cục TDTT đã vạch ra cho bộ môn Đấu kiếm cùng với đó sự quyết tâm, nỗ lực thi đấu hết mình của các kiếm thủ tại kỳ SEA Games lần này. Tôi cho rằng đây là kết quả hoàn toàn xứng đáng với đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam, bởi tất cả các VĐV đều đã nỗ lực hết mình trong tập luyện và thi đấu.

Đấu kiếm là môn thể thao khá non trẻ ở Việt Nam với việc bắt đầu phát triển từ SEA Games 22, năm 2003. Tuy nhiên, ngay từ khi hội nhập, Đấu kiếm Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình ở nội dung kiếm chém với việc Nguyễn Thị Lệ Dung không có đối thủ khi liên tiếp giành 8 HCV trong 5 kỳ Đại hội, từ 2003, 2005, 2007, 2011 và 2015 hay nội dung kiếm 3 cạnh nam với kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật ( kiếm thủ đầu tiên giành suất chính thức dự tranh Olympic 2013 và đoạt 2 HCĐ ASIAD 2014), Thành An (kiếm chém),…

Tại SEA Games lần này, với sự xuất sắc của các kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật (kiếm 3 cạnh nam), Vũ Thành An (kiếm chém nam), Lệ Dung (kiếm chém nữ), Trần Thị Len (kiếm 3 cạnh nữ)... đã giúp Đấu kiếm Việt Nam liên tiếp giành Vàng ở các nội dung cá nhân và tiếp đó là cùng các đồng đội giành những tấm HCV ở nội dung đồng đội nam và nữ. Chúng ta còn phải kể đến những thành tích xuất sắc của những VĐV trẻ, đặc biệt là tấm HCB cá nhân của kiếm thủ Nguyễn Minh Quang (kiếm thủ sinh năm 1997) ở nội dung kiếm liễu nam. Chúng ta cũng có những vận động viên rất tốt như Đỗ Thế Anh kiếm liễu nữ - toàn thắng tất cả các trận vòng bảng. Hay như Tô Thế Anh của kiếm chém nam cũng là người đạt huy chương Vàng đồng đội kiếm chém nam. Đây đều  là những VĐV nằm trong quy hoạch chuẩn bị lâu dài của Đấu kiếm Việt Nam và mở ra “lứa” tài năng đầy hứa hẹn kế cận cho Đấu kiếm Việt Nam

Trong số 8 tấm HCV mà Đấu kiếm Việt Nam giành được tại kỳ Đại hội này có những tấm HCV đạt được ở những nội dung mà chúng ta không đặt chỉ tiêu, vậy đây có phải là bất ngờ đối với Ban huấn luyện không, thưa ông?

Có thể khẳng định rằng 8 tấm HCV mà các kiếm thủ giành được đều nằm trong sự tính toán của bộ môn cũng như Ban huấn luyện đội tuyển chứ không phải do sự  ngẫu nhiên hay may mắn. Tại SEA Games 28 có một số nội dung mà chúng ta không đặt chỉ tiêu giành Vàng bởi Ban huấn luyện cũng như bộ môn không muốn đặt áp lực thành tích cho các VĐV. Điều này giúp các kiếm thủ được thoải mái về tâm lý và thi đấu đầy quyết tâm để có thể giành được những thành tích cao nhất. Điển hình như ở nội dung kiếm 3 cạnh cá nhân và đồng đội nữ. Mặc dù không đặt chỉ tiêu giành Vàng, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, VĐV Trần Thị Len đã xuất sắc mang về tấm HCV ở nội dung cá nhân. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Len cũng là động lực để đội tuyển kiếm 3 cạnh đồng đội nữ tiếp tục giành thêm 1 HCV.

Đấu kiếm là môn thể thao Olympic nên theo chủ trương chung của ngành TDTT sẽ tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tuy nhiên sau thành tích đã giành được tại SEA Games 28, bộ môn Đấu kiếm  mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các địa phương để bộ môn Đấu kiếm có thể tập trung đầu tư ở nhiều nội dung, nhiều VĐV hơn nữa .

SEA Games lần này chứng kiến nhiều thành tích ấn tượng của các kiếm thủ trẻ, vậy bộ môn cũng như Ban huấn luyện có kế hoạch gì để tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ?

Như trên tôi đã nói, tại SEA Games 28 nhiều VĐV trẻ đã đạt được những thành tích ấn tượng, là những tài năng hứa hẹn cho Đấu kiếm Việt Nam trong thời gian tới. Có thể nói, đấu kiếm là môn thể thao đòi hỏi rất nhiều tố chất, tối thiểu với một VĐV kiếm, đó là thể lực dồi dào, thể hình tốt, đặc biệt là phải nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh và có sức chịu đựng cực cao. Ở Việt Nam, khi đi tuyển các VĐV năng khiếu, không dễ để tìm ra những người đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí này, tuy nhiên, về cơ bản các VĐV của chúng ta đã có những lợi thế nhất định về sự khéo léo, nhanh nhẹn và có sức chịu đựng khó khăn. Trước mắt bộ môn sẽ tiếp tục tiến hành công tác đào tạo, tuyển chọn các VĐV năng khiếu ở các địa phương nhằm tiếp tục tìm ra những nhân tố mới cho Đấu kiếm Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ tham mưu cho lãnh đạo ngành TDTT để tiếp tục tăng cường đầu tư cho các VĐV trẻ, những người đã giành thành tích cao tại kỳ SEA Games lần này.

Vô địch ở SEA Games 28, vậy Đấu kiếm Việt Nam có những kế hoạch gì để hướng đến mục tiêu cao hơn, Olympic 2016?

Theo tôi, thành tích của các kiếm thủ tại SEA Games 28 sẽ là động lực, bệ phóng để Đấu kiếm Việt Nam hướng đến mục tiêu cao hơn, đó là đấu trường Olympic. Để chuẩn bị cho Olympic 2016, chúng tôi đã có những định hướng và kế hoạch cụ thể đối với những VĐV được đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Sau SEA Games 28, các VĐV sẽ tiếp tục bước vào tranh tài ở giải vô địch châu Á (cuối tháng 6), giải vô địch thế giới (cuối tháng 7) cũng như các giải đấu nằm trong hệ thống giải tính điểm của Liên đoàn Đấu kiếm thế giới. Từ nay đến tháng 4/2016 sẽ có nhiều giải nằm trong hệ thống tính điểm Olympic, đặc biệt trong tháng 4/2016, sẽ diễn ra giải tuyển chọn vòng loại Olympic, bộ môn cũng như Ban huấn luyện sẽ có những tính toán để cử những VĐV trọng điểm, những VĐV có khả năng giành vé Olympic tham dự những giải này. Mục tiêu của Đấu kiếm Việt Nam là có thể giành vé chính thức tham dự Olympic 2016.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

KC thực hiện

Ảnh trong bài
  • SEA Games là bệ phóng để hướng đến đấu trường Olympic