Ông có thể cho biết công tác chuẩn bị của đội tuyển Đua thuyền Việt Nam cho SEA Games 28 tính đến thời điểm này?
Cho tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho SEA Games 28 của cả 2 đội tuyển Rowing và Canoeing đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Để chuẩn bị cho sân chơi lớn nhất khu vực kể từ Tết Ất Mùi vừa qua, đội tuyển Rowing nam chỉ được nghỉ đúng ngày mùng 1 Tết, các VĐV đã ở lại ăn Tết ở CLB đua thuyền Hồ Tây. Đến ngày mùng 2 Tết, toàn đội đã trở lại tập luyện bình thường còn đội tuyển nữ tập luyện từ ngày mùng 3 Tết.
Trong quá trình tập luyện, Rowing Việt Nam đã tham dự giải Cúp Châu Á tại Singapore và giành 8 HCV, 4 HCĐ, 4 HCĐ, đứng đầu trong tổng số 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự giải châu Á năm 2015.
Ngay sau giải Cúp Châu Á, từ ngày 18/3, đội tuyển Rowing với 21 VĐV và 13 VĐV Canoeing, cùng HLV và chuyên gia người Úc đã tập luyện tại Trung tâm Đua thuyền Sông Giá tại Thủy Nguyên – Hải Phòng. Hiện tại, tình hình sức khỏe cũng như tâm lý của các VĐV đều khá ổn định. Cả 2 đội tuyển sẽ tiếp tục tập tại Hải Phòng cho tới khi tham dự SEA Games 28.
Như vậy có nghĩa là trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28, Đua thuyền Việt Nam không có chuyến tập huấn nước ngoài như trong kế hoạch?
Theo kế hoạch ban đầu, Đua thuyền Việt Nam sẽ tập huấn tại Singapore, nhưng qua thi đấu tại giải Cúp Châu Á, cho thấy điều kiện tập luyện tại Singapore không đảm bảo về mặt chuyên môn, các VĐV Đua thuyền Việt Nam không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, các đội tuyển Đua thuyền chỉ tập huấn trong nước. Ngoài Hồ Tây - Hà Nội, toàn đội sẽ tập luyện tại Trung tâm Đua thuyền Sông Giá - Thủy Nguyên, Hải Phòng cho đến lúc lên đường tham dự SEA Games.
Theo đánh giá của các HLV và chuyên gia người Úc, khu đua thuyền Sông Giá của Hải Phòng là địa điểm lý tưởng để luyện tập và có thể tổ chức thi đấu các giải khu vực Đông Nam Á và châu lục. Bởi ngoài hệ thống mặt nước bằng phẳng, điều kiện về dòng chảy cũng như các điều kiện về sinh hoạt, ăn ở cho VĐV cũng rất tốt, đặc biệt là các vấn đề về dinh dưỡng, khu nghỉ ngơi cho VĐV.
Năm nay SEA Games 28 diễn ra sớm hơn so với những lần tổ chức trước, vậy điều này có gây trở ngại gì cho Đua thuyền Việt Nam, thưa ông?
So với những kỳ SEA Games trước, ở kỳ SEA Games lần này, nước chủ nhà tổ chức Đại hội vào tháng 6 (thông lệ là vào cuối năm) đã khiến cho công tác chuẩn bị của tất cả các quốc gia tham dự SEA Games đều gặp khó khăn, do chu trình huấn luyện ngắn, thời gian chuẩn bị ít và môn Đua thuyền cũng không phải là ngoại lệ.
Thông thường thời gian chuẩn bị của môn Đua thuyền là một năm, trong đó, từ tháng 1 đến tháng 4 là giai đoạn chuẩn bị về nền tảng chuyên môn, tiếp đến từ tháng 6 đến cuối năm, đội tuyển sẽ tham dự các giải quốc gia, quốc tế để hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, do các giải đấu quốc tế chỉ diễn ra vào từ tháng 8 trở ra, nên ở kỳ Đại hội lần này, Đua thuyền Việt Nam không có điều kiện tham dự các giải đấu quan trọng như giải Canoeing Vô địch thế giới, giải Rowing Vô địch châu Á (diễn ra vào tháng 8), giải Rowing Vô địch thế giới, giải Rowing Vô địch trẻ Châu Á (tháng 9), giải Rowing Cúp Châu Á (tháng 11)...
Bên cạnh đó, môn Rowing năm nay nước chủ nhà Singapore chỉ tổ chức các cự ly từ 500 - 1.000m thay vì thi đấu các cự ly có chiều dài 2.000m như thông lệ. Với những khó khăn trên, buộc các đội tuyển tham dự SEA Games phải có sự điều chỉnh phù hợp về cả chuyên môn lẫn chiến thuật thi đấu.
Thưa ông, trước những khó khăn như vậy, Đua thuyền Việt Nam đã đặt ra mục tiêu như thế nào ở kỳ SEA Games này?
Mặc dù không tập huấn nước ngoài, lại ít có điều kiện thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực hết mình của các VĐV cùng với sự tận tâm của các HLV và chuyên gia người Úc, chúng tôi tin rằng các VĐV Đua thuyền Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Mục tiêu cụ thể của Đua thuyền Việt Nam tại Đại hội lần này là giành khoảng 5 HCV, trong đó, đội tuyển Rowing sẽ phấn đấu giành từ 3 - 4 HCV và Canoeing là 1 HCV.
Gần đây có thông tin cho rằng danh sách đội tuyển Canoeing tham dự SEA Games 28 còn nhiều bất cập trong tiêu chí tuyển chọn, điều này thể hiện ở việc một số VĐV có trình độ chuyên môn tốt lại không có tên trong bản danh sách ấy. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong những năm gần đây, Canoeing không đạt thành tích như mong muốn, bởi nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, một phần vì một số VĐV đã lớn tuổi, một số VĐV đi học, đỉnh cao thành tích kém xa so với khu vực. Trước thực tế đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục TDTT, Ban huấn luyện đã họp và quyết định cải tổ, chuyển giao thay đổi lực lượng. Chính vì vậy, trong danh sách VĐV đội tuyển Caoneing lần này, ngoài những gương mặt kỳ cựu có thêm nhiều VĐV trẻ lần đầu tham dự SEA Games.
Chúng tôi khẳng định, 13 VĐV được lựa chọn là những VĐV xuất sắc nhất Canoeing hiện nay. Mục tiêu chúng tôi hướng tới không chỉ là tấm HCV SEA Games mà xa hơn đó là Olympic Rio. Bởi vậy việc tính toán, thay đổi, bổ sung các VĐV trẻ xuất sắc cho đội tuyển là điều cần thiết và là chủ trương được triển khai thực hiện ở nhiều môn thể thao chứ không riêng gì Đua thuyền. Và điều này sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trong thời gian tới cùng với việc thuê chuyên gia cho đội tuyển.
Không thể phủ nhận thành tích của các VĐV Hà Nội tại giải Đua thuyền các CLB toàn quốc năm 2015 vừa qua. Tuy nhiên, một số VĐV của Hà Nội có đạt thành tích tốt nhưng lại không có tên trong danh sách tuyển chọn, bởi đó lại là những Cự ly không có trong chương trình thi đấu ở SEA Games lần này. Chính vì vậy, một một lần nữa có thể khẳng định, việc lựa chọn danh sách các VĐV tham dự SEA Games đã được BHL tính toán kỹ lưỡng, khách quan và công tâm, không có sự khuất tất trong tiêu chí tuyển chọn VĐV đội tuyển Canoeing như dư luận đặt ra.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hải Phong (thực hiện)