Năm 2015 Thể thao Việt Nam sẽ có những chuyển hướng mới

Năm 2014 qua đi, Thể thao Việt Nam đã tạo được những dấu ấn đáng nhớ đối với các nhà quản lý, giới chuyên môn và người hâm mộ cả nước. Khép lại những thành công và mở ra hướng đi trong định hướng phát triển của toàn ngành TDTT nước nhà trong thời điểm tới, đặc biệt trong năm 2015, tìm hiểu về vấn đề này phóng viên Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam (www.tdtt.gov.vn) đã có cuộc trò chuyện với ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi.

Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
(Ảnh:NH )
Sắc xuân và không khí Tết cổ truyền đang tràn ngập cả nước, ông có đôi điều gì muốn chia sẻ?

Nhân dịp đầu năm mới, thay mặt lãnh đạo Tổng cục TDTT tôi xin được gửi tới những cán bộ công chức, viên chức, HLV, VĐV đang làm việc trong lĩnh vực TDTT trên toàn quốc một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Riêng với các HLV, VĐV trong đội tuyển quốc gia sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc là những tấm huy chương tại các sân chơi quốc tế quan trọng của năm, trong đó có SEA Games 28 tại Singapore và giành vé tham dự Olympic 2016 tại Brazil.

Năm 2015 là năm quan trọng, với rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành được triển khai và thực hiện hiệu quả, chính vì vậy lãnh đạo Tổng cục TDTT mong các công chức, viên chức, người lao động, HLV, VĐV đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp phần đưa Thể thao Việt Nam phát triển mạnh mẽ và vươn xa.      

Thưa ông, năm 2014 Thể thao Việt Nam đã trải qua 1 năm với những mặt tích cực nào?

Năm 2014 trôi qua, có thể nói Thể thao Việt Nam đã đạt được những mặt tích cực rất tốt đẹp. Trước hết, là những thành tựu của Thể thao quần chúng có rất nhiều khởi sắc, đánh dấu sự phát triển rõ nét phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, ,thông qua Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, phong trào thể thao quần chúng đã có những chuyển biến tích cực, 98% các huyện, thị, xã phường đã tổ chức Đại hội và 99% các huyện đã tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp huyện, 100% các tỉnh tổ chức hiệu quả Đại hội TDTT. Thông qua Đại hội TDTT lần này đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện thi đấu. Bên cạnh việc tổ chức Đại hội TDTT thì hoạt động TDTT quần chúng ở các xã phường, CLB Thể thao đã có những bước tiến bộ mạnh về chất lượng thông qua kế hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới.

Cũng chính từ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, có rất nhiều VĐV đạt thành tích cao và nhiều kỷ lục quốc gia đã được phá. Đối với các giải Thể thao quốc tế, ngay từ đầu năm 2014, Thể thao Việt Nam đã tham gia Đại hội Olympic trẻ thế giới lần thứ II tại Trung Quốc và giành được 1 HCV của VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (môn Bơi), 1 tấm HCB của Thạch Kim Tuấn (Cử tạ). Đây là kết quả rất đáng biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực của những gương mặt VĐV trẻ Việt Nam khi tham dự dự sân chơi dành cho các VĐV trẻ xuất sắc nhất thế giới. 

Ở Asiad 17 (Incheon - Hàn Quốc), mặc dù đoàn Thể thao Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu như kế hoạch ban đầu đề ra là giành được từ 2 - 3 tấm HCV nhưng nhìn tổng thể về thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam cho thấy có sự tiến bộ rõ nét. Cụ thể, chúng ta đã giành được tổng số 36 huy chương các loại, trong đó có 5 môn Thể thao Olympic mà lần đầu tiên Việt Nam giành được huy chương đó là các môn Bơi lội, TDDC, Đấu kiếm, Đua xe đạp và Wushu. Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ IV, đoàn Thể thao NKT Việt Nam thi đấu xuất sắc giành thành tích rất cao, đứng vị trí thứ 10 trên 42 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Á. Tiêu biểu, có VĐV Lê Văn Công đã phá kỷ lục thế giới hay VĐV Võ Thanh Tùng giành 5 huy chương giá trị ở các nội dung thi đấu của môn Bơi lội trong khuôn khổ Đại hội. Và kỳ thi đấu cuối cùng của năm là Đại hội TDTT Bãi biển châu Á lần thứ V (Phuket - Thái Lan) đoàn Việt Nam thi đấu ấn tượng với thành tích cao để giành vị trí thứ 5 trên 43 quốc gia vùng lãnh thổ tham gia thi đấu.

 Vậy đâu là những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới, thưa ông?

Song song với những thành tựu đạt được thì Thể thao Việt Nam trong năm qua vẫn còn những tồn tại, để lại những trăn trở và suy nghĩ. Trước hết, phải nói đến Bóng đá, vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là việc các cầu thủ của hai đội bóng Vinakasai Ninh Bình và đội bóng Đồng Nai tham gia vào đánh bạc và cá độ, dàn sếp tỷ số điều đó đã để lại những hậu quả rất xấu đối với Bóng đá nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó mộ số đội bóng do điều kiện kinh tế khó khăn đã phải giải thể và rút khỏi V - league.

Một vấn đề nữa mà chúng tôi cho là còn tồn tại trong năm 2014 đó là vấn đề bạo lực trong thi đấu các giải thể thao đỉnh cao. Ngay từ đầu năm chúng tôi phải phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để xử phạt nghiêm những hiện tượng bạo lực trong Bóng đá và tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII đã có hiện tượng VĐV, HLV xô xát đánh trọng tài và buộc những HLV, VĐV cấm thi đấu vĩnh viễn đấu hay tước quyền điều hành và chỉ đạo của một số trọng tài, HLV. Ngoài ra, những vấn đề xung quanh công tác chuyển nhượng VĐV trong Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII đã đặt ra cho các cấp quản lý và giới chuyên môn cần phải suy nghĩ để từng bước tìm cách điều chỉnh và khắc phục phù hợp.

Vậy với những gì ông đã chia sẻ, theo ông Thể thao Việt Nam cần phải làm những gì để chinh phục những mục tiêu quan trọng trong năm 2015?

Bước sang năm 2015 Thể thao Việt Nam đặt ra cho mình những mục tiêu hết sức quan trọng. Thứ nhất về công tác quản lý nhà nước, Tổng cục TDTT sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện các điều luật về TDTT. Cho đến thời điểm ban hành đến nay nhiều điều luật về Thể dục Thể thao không còn phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội như việc thực hiện chuyển giao sang Thể thao chuyên nghiệp vẫn còn chưa phù hợp và thiếu cụ thể. Vì vậy mục tiêu mà ngành đặt ra trong năm 2015 đó là toàn ngành sẽ phối hợp với các địa phương trên cả nước tiến hành tổng kết kết quả thực hiện luật TDTT đồng thời đề xuất những hướng sửa đổi luật TDTT để chuẩn bị đưa vào chương trình sửa đổi pháp luật trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội.

Vấn đề thứ 2 là trong năm nay toàn ngành sẽ tiến hành sơ kết Nghị quyết số 16 của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết số 08NQ/CP của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển TDTT đến năm 2020. Ngoài ra, Tổng cục TDTT sẽ rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động TDTT hiện nay để từ đó thấy được đâu là những bất cập và hạn chế nhằm đưa ra những hướng thay đổi phù hợp, căn bản và toàn diện hơn. Trong đó đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa TDTT.

Thêm một vấn đề nữa cũng rất quan trọng đó là sau khi tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, hiện nay lãnh đạo ngành TDTT đang đánh giá lại toàn bộ công tác tổ chức Đại hội từ trước đến nay để có những điều chỉnh, hướng tổ chức Đại hội TDTT các cấp lần thứ VIII mới hơn về phương thức tổ chức nhằm nâng cao chất lượng và đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá lại việc sử dụng và đánh giá các cơ sở hoạt động TDTT làm cơ sở chính sách sử dụng có hiệu quả các công trình Thể thao trên phạm vi toàn quốc.

Về thể thao quần chúng, trên đà thành công của việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp lần thứ VII đến năm 2015 ngành sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào việc tổ chức các lớp tập huấn phục vụ công tác hướng dẫn viên trong cả nước ở các xã theo hướng chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng một cách sâu rộng và bền vững.

Đối với Thể thao thành tích cao, trọng tâm tập trung vào lực lượng VĐV tham dự SEA Games 28. Ở sân chơi này để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải trong thời gian qua thì chủ trương trong năm 2015 là tập trung cho các môn Thể thao thế mạnh và chủ yếu tập trung vào các môn Thể thao trọng điểm Olympic và nằm trong chương trình thi đấu Asiad. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng hơn nữa đó là chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự các cuộc thi đấu quôc tế giành quyền tham dự Olympic 2016 tại Brazil.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2015 Bộ VHTTDL đã ký quyết định danh sách các VĐV đầu tư trọng điểm (đợt 1) gồm 48 VĐV và 12 HLV kế hoạch đào tạo VĐV trọng điểm cho các chiến lược dài hơi được lãnh đạo ngành và các nhà khoa học, chuyên môn thông qua. Như vậy, chúng tôi rất hy vọng trong năm 2015 và những năm tiếp theo Thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng và vươn tầm xa hơn từ những thành công của các VĐV được đầu tư trọng điểm.

Thưa ông, có thể nói công tác đào tạo trẻ của Thể thao Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có bước chuyển mình song kết quả đạt được chưa thật cao, vậy ông đánh giá thế nào về công tác đào tạo VĐV trẻ trong giai đoạn hiện nay?

Công tác đào tạo VĐV trẻ là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhưng cũng phải nói rằng nếu chúng ta không làm tốt công tác này thì chỉ trong thời gian ngắn chúng ta sẽ bị hụt hẫng về lực lượng và thành tích Thể thao không thể tồn tại một cách bền vững được. Vì vậy đối với ngành TDTT thì đào tạo VĐV trẻ rất quan trọng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay công tác đào tạo trẻ nhìn chung chưa được chú trọng bởi vì nguồn lực, kinh phí đào tạo còn rất hạn chế cho nên nhìn chung công tác này tại các địa phương trên cả nước và trung ương còn rất hạn chế.

Tiếp đến là cơ chế chính sách dành cho các VĐV trẻ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng cho nên việc đào tạo cũng như tuyển chọn cho các VĐV trẻ trên cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Xác định được đây là nhiệm vụ quan trọng nên thời điểm tới Tổng cục TDTT sẽ thúc đẩy hơn nữa công tác xã hội hóa TDTT để góp phần thúc đẩy vào công tác đào tạo trẻ đạt hiệu quả cáo hơn. Để làm tốt việc này, Tổng cục TDTT thời gian tới sẽ có những thay đổi mới về cơ chế chính sách nhằm thu hút sự đầu tư và tham gia của các doanh nghiệp đối với công tác TDTT.

N.H

 

Ảnh trong bài
  • Năm 2015 Thể thao Việt Nam sẽ có những chuyển hướng mới