Bóng ném hướng đến mục tiêu giành huy chương ở tầm châu lục

Bóng ném đã kết thúc một kỳ Đại hội TDTT lần thứ VII thành công với ngôi vị vô địch toàn đoàn thuộc về Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội với cùng 1 HCV và 1 HCB. Để tìm hiểu về những thành tích của các địa phương ở môn Bóng ném cũng như việc định hướng phát triển phong trào và thành tích cao trong môn Bóng ném, Phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Đào Đức Kiên - bộ môn Bóng ném Tổng cục TDTT, Phó Trưởng Ban tổ chức giải.

Ông Đào Đức Kiên - Phó Trưởng BTC giải.
Ảnh Khánh Chi
Ông đánh giá thế nào về trình độ chuyên môn của các đoàn tham dự tại giải lần này?

Tại Đại hội lần này có 6 địa phương với 8 đội (Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 đơn vị tham gia tranh tài ở cả nội dung nam và nữ) tham gia tranh tài ở cả 2 nội dung nam và nữ. Đây là một kỳ Đại hội mang tầm cỡ quốc gia, 4 năm/lần, vì vậy trước khi tham gia tranh tài tại Đại hội, các đoàn tham dự đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng bằng việc cử các VĐV đi tập huấn dài hạn và ngắn hạn. Chính từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng này mà các trận đấu đều diễn ra căng thẳng, hấp dẫn và nhìn mặt bằng chung tổng thể, các đoàn tham dự tại giải lần này không có sự chênh lệch nhiều về trình độ, kỹ, chiến thuật thi đấu.

Đặc biệt, Đại hội lần này cũng chứng kiến sự tiến bộ rõ nét của các đoàn tham dự giải, trong thành công của các đoàn có sự góp phần của nhiều gương mặt VĐV trẻ, đặc biệt là ở nội dung của nữ như: Bình Định, Hà Giang, Hà Nội,.. Điều này cho thấy công tác đào tạo trẻ cũng được các địa phương quan tâm, đầu tư bởi lẽ trong môn Bóng ném để tìm ra được những gương mặt VĐV trẻ cần cả một quá trình đầu tư dài hơi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Bóng ném Việt Nam.

Theo ông việc chỉ có 6 địa phương tham gia tranh tài tại một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia 4 năm/lần phải chăng phong trào  Bóng ném chưa thực sự phát triển mạnh?

Đối với những môn Bóng, việc có 6 địa phương tham gia một kỳ Đại hội cũng không phải là ít. Bóng ném là môn thể thao mới được đưa vào phát triển ở Việt Nam từ năm 1980 và được đưa vào thi đấu chính thức tại Đại hội TDTT kể từ Đại hội lần thứ III năm 1995. Qua các kỳ Đại hội, số lượng các đoàn tham dự cũng tăng lên. Nếu nhìn vào kỳ Đại hội VI - 2010 chỉ có 5 đoàn tham dự thì kỳ Đại hội này con số đó đã lên đến con số 6. Bên cạnh việc tăng về số lượng, chất lượng của các đoàn tham dự cũng có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bộ môn cũng như Liên đoàn Bóng ném cũng mong muốn ở những kỳ Đại hội sau, số lượng các đoàn tham dự sẽ đông hơn nữa.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân khiến các địa phương chưa mặn mà với việc phát triển môn Bóng ném?

Bóng ném là môn mang tính đặc thù riêng. Việc xây dựng và phát triển môn Bóng ném, đặc biệt là Bóng ném đỉnh cao cần phải quá trình dài lâu chứ không thể trong thời gian ngắn. Bóng ném là môn đồng đội nên việc đầu tư cho môn Bóng ném đòi hỏi kinh phí đầu tư cao, đây là những trở ngại khó khăn lớn nhất cho các địa phương trong việc xây dựng và phát triển môn Bóng ném.

Để phát triển phong trào Bóng ném, bộ môn và Liên đoàn đã có kế hoạch thế nào thưa ông?

Trong năm 2014, bộ môn và Liên đoàn Bóng ném Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh việc phát triển phong trào môn Bóng ném. Trong đó phải kể đến việc phối hợp với Bộ Giáo dục & đào tạo tổ chức nhiều giải thi đấu phong trào, đặc biệt là các giải đấu dành cho học sinh, sinh viên như: giải vô địch Bóng ném sinh viên Hà Nội mở rộng, giải Bóng ném học sinh THCS Hà Nội,... Từ những giải phong trào này, môn Bóng ném dần trở nên phổ biến trong trường học cũng như các địa phương. Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng đã chủ động hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng và phát triển môn Bóng ném. Phát huy những thành quả có được, trong năm 2015, bộ môn và Liên đoàn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều giải thi đấu phong trào hơn nữa cũng như đẩy mạnh phát triển phong trào ở các tỉnh của cả 3 khu vực: Bắc, Trung, Nam.

Cùng với phát triển phong trào, Bóng ném hướng tới xây dựng lực lượng VĐV đỉnh cao, vậy ông có thể chia sẻ về những dự định, kế hoạch mà bộ môn đặt ra cho Bóng ném trên đấu trường thể thao quốc tế?

Bóng ném được chia thành 2 phân môn là Bóng ném bãi biển và Bóng ném trong nhà. Đối với Bóng ném trong nhà, chúng ta đã giành được những tấm HCV trên đấu trường thể thao khu vực (HCV SEA Games 22-2003 ở cả nội dung nam và nữ; HCV giải vô địch Đông Nam Á nội dung nữ năm 2007) chính vì vậy, trong thời gian tới, Bóng ném trong nhà đặt mục tiêu giữ vững vị trí vô địch ở khu vực Đông Nam Á cũng như hướng đến mục tiêu dài hơi hơn giành huy chương ở tầm châu lục.

Còn đối với Bóng ném bãi biển, đặc biệt là Bóng ném nữ, trong 3 kỳ Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á gần đây (2010, 2012, 2014), chúng ta đều giành HCĐ, do vậy, mục tiêu của bộ môn cũng như Liên đoàn đặt ra cho Bóng ném bãi biển Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là kỳ Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ V được tổ chức tại Việt Nam là giành được những tấm huy chương cao hơn ở tầm châu lục. Để làm được việc này, bộ môn và Liên đoàn đã xây dựng kế hoạch cho các VĐV đi tập huấn cũng như thi đấu cọ xát để nâng cao thành tích ở các nước có môn Bóng ném phát triển.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Khánh Chi (thực hiện)

Ảnh trong bài
  • Bóng ném hướng đến mục tiêu giành huy chương ở tầm châu lục