Đấu kiếm Việt Nam hướng đến đấu trường khu vực, châu lục và Olympic

Giải Đấu kiếm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 được tổ chức tại nhà thi đấu tỉnh Hải Dương từ ngày 7-12/12. Bên lề giải đấu, Phóng viên Trang tin TDTT Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng ông Phùng Lê Quang – Bộ môn Đấu kiếm Tổng cục TDTT, Phó Ban Tổ chức giải xung quanh những vấn đề về chuyên môn, công tác tổ chức giải cũng như những kế hoạch của Đấu kiếm Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Phùng Lê Quang - Bộ môn Đấu kiếm - Tổng cục TDTT (Ảnh: VD)
Thưa ông, với tư cách là phó BTC giải đấu kiếm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, ông có thể cho biết giải đấu năm nay có điểm gì mới so với giải đấu Đại hội lần thứ VI?

Ở giải Đấu kiếm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 có sự tham gia của 131 VĐV (64 VĐV nữ và 67 VĐV nam) của 7 đoàn gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Ở kỳ Đại hội lần này, lần đầu tiên đoàn Quảng Ninh góp mặt với 7 VĐV (4 VĐV nữ và 3 VĐV nam). Việc tăng về số lượng đơn vị tham dự giải, kéo theo số VĐV cũng tăng trên dưới 30 VĐV so với giải Đấu kiếm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010.

Điểm khác biệt quan trọng nhất đó là chất lượng VĐV giải đấu năm nay tốt hơn nhiều so với 4 năm về trước. Điều này phần nào khẳng định sự tiến bộ của Đấu kiếm Việt Nam trong đấu trường khu vực.

Tuy nhiên, lực lượng VĐV trẻ còn mỏng và chưa đồng đều ở các nội dung để đáp ứng cho sự phát triển của Đấu kiếm Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Có một số VĐV trẻ có thể thay thế, bắt kịp trình độ của các VĐV đàn anh, đàn chị như:  Đỗ Thị Anh (kiếm liễu nữ của đơn vị Hà Nội), Nguyễn  Phước Đến (kiếm ba cạnh nam của đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Quang (kiếm liễu nữ đơn vị Hà Nội), hay Bùi Thị Thu Hà – Kiếm chém nữ đơn vị Hà Nội. Lực lượng thay thế cần từ  50% trên tổng số các VĐV đạt HCV, HCB trở lên mới là con số lý tưởng.

Đấu kiếm môn thể thao Olympic nhóm I cần được ưu tiên phát triển, nhưng ở giải đấu có quy mô toàn quốc như Đại hội TDTT lại chỉ có sự tham gia của 7 đoàn VĐV. Vậy theo ông đâu là lý do khiến các địa phương ít mặn mà với môn thể thao này?

Có thể khẳng định rằng, Đấu kiếm là môn thể thao trẻ, được phát triển trở lại ở Việt Nam từ năm 2001 để chuẩn bị cho Sea Games 2003 khi Việt Nam là chủ nhà của Đại hội. Tính đến nay mới 13 năm, nhưng Đấu kiếm đã khẳng định được vị thế của mình trước phong trào đấu kiếm của khu vực.

Ở Việt Nam, Đấu kiếm được xác định là môn Olympic được đầu tư phát triển theo hướng “đi tắt đón đầu”, chứ ko phải là môn có phong trào thật tốt. Bên cạnh đó, các trang thiết bị phục vụ thi đấu như bảng chấm điểm trọng tài, đường Đấu kiếm cũng như trang phục thi đấu của VĐV hiện nay trong nước chưa sản xuất được. Tất cả đều phải nhập từ nước ngoài, theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Đấu Kiếm quốc tế. Do vậy, trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, ngân sách dành cho thể thao nói chung, môn Đấu kiếm nói riêng còn rất hạn chế thì việc mua trang thiết bị cũng gặp nhiều khó khăn.

Việc đào tạo được một VĐV Đấu kiếm có trình độ đòi hỏi phải có thời gian trung bình 6-8 năm cũng là một trong những lý do mà các địa phương chưa lựa chọn môn đấu kiếm để phát triển.

Từ sự chuẩn bị của các đoàn tham dự giải Đại hội TDTT lần thứ VII này, ông có thể đưa ra đôi nét nhận định về cục diện tranh chấp các thứ hạng cao nhất của giải?

Trong  7 đoàn tham gia thi đấu, thì Hà Nội nổi bật ở hầu hết các nội dung. Đoàn Hà Nội tham dự giải với lực lượng VĐV hùng hậu nhất (45 VĐV), tranh tài ở tất cả các nội dung thi đấu. Ngoài lứa VĐV kỳ cựu, đoàn Hà Nội còn có lực lượng VĐV trẻ kế cận (chiếm khoảng 70%) được thi đấu cọ xát và giành nhiều  thành tích tại các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia. Chính vì vậy, ngôi vị dẫn đầu giải đấu này được dự báo vẫn là đoàn Hà Nội. Vị trí thứ Nhì sẽ là cuộc  cạnh tranh quyết liệt của các đơn vị Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh . Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm ưu thế hơn ở các nội dung cá nhân, đồng đội kiếm ba cạnh nam, kiếm liễu nam trong khi đó Hải Dương có thế mạnh ở các nội dung cá nhân, đồng đội kiếm ba cạnh nữ, kiếm liễu nữ.

Là người gắn bó với môn Đấu kiếm đã nhiều năm, ông có thể cho biết những thành tích cũng như những khó khăn của Đấu kiếm Việt Nam đến thời điểm này?

Qua 13 năm du nhập và phát triển Việt Nam, thành tích mà Đấu kiếm Việt Nam đạt được là 2 HCĐ Asiad 17 – 2014 được tổ chức tại Incheon – Hàn Quốc; đạt 1 suất chính thức Olympic Luân Đôn 2012; dẫn đầu khu vực  Đông Nam Á bằng việc giành được 5 huy chương vàng trên tổng số 12 bộ huy chương tại Seagames 2011-Indonesia, chiếm ngôi vị Nhất toàn đoàn kể từ đó đến nay tại đấu trường khu vực.

Khó khăn lớn nhất của Đấu kiếm Việt Nam hiện nay chính là vấn đề kinh phí cho các vận động viên đi tập huấn và thi đấu nước ngoài. Do Đấu kiếm mới chỉ có nguồn kinh phí hoạt động duy nhất là từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) mà chưa có sự hỗ trợ từ các nguồn khác, nên tại các giải đấu quan trọng như: giải vô địch và trẻ Đông Nam Á, giải vô địch và trẻ chấu Á Đấu kiếm Việt Nam chưa khi nào tham dự giải với đầy đủ số lượng vận động viên ở các nội dung của giải. Mới đây nhất là tại giải Vô địch và trẻ Đông Nam Á 2014 tại Malaysia, Việt Nam chỉ đủ kinh  phí cho một đội hình tham dự giải.

Thêm một khó khăn nữa đó là nguồn kinh phí đào tạo, tập huấn nước ngoài gần như không có khiến cho các VĐV ít được thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm thi đấu.

Khó khăn là vậy, nhưng Đấu kiếm Việt Nam vẫn phải đảm trách nhiệm vụ rất nặng nề. Vậy Bộ môn đã có kế hoạch gì để hướng tới SEA Games 28 và đấu trường xa hơn nữa, thưa ông?

Bộ môn Đấu kiếm sẽ trình lãnh đạo ngành TDTT để những VĐV hang đầu của Việt Nam tham dự đầy đủ các giải chính thức của khu vực, châu lục và thế giới cũng như tập huấn nước ngoài trước SEA Games cho các VĐV này nhằm mục tiêu giữ vững ngôi vị nhất toàn đoàn theo bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 28 sẽ diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2015. Đây là chỉ tiêu rất cao vì ngoài các khó khăn nêu trên mà Việt Nam gặp phải thì các nước trong khu vực cũng đầu tư quyết liệt cho Đấu kiếm nhất là nước chủ nhà Singapore.

Trước SEA Games 28, dự kiến Đấu kiếm Việt Nam sẽ tham dự giải trẻ Châu Á (tại Tiểu vương quốc Arập), giải VĐ trẻ thế giới và các giải Cúp thế giới dành cho các nội dung kiếm. Song song với đó, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nữa của Đấu kiếm Việt Nam là phấn đấu đạt suất tham dự Olympic 2016.

Với những mục tiêu trên, việc lựa chọn giải đấu phù hợp để chuẩn bj cho SEA Game cũng như các giải khác là một bài toán vô cùng khó khăn cũng như cần phải tính toán kỹ càng vì các vận động viên Đấu kiếm còn cần phải có kế hoạch tham dự các giải chính thức khác như: giải Vô địch Châu á cuối tháng 6, Vô địch thế giới cuối tháng 7/2015…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hải Phong (thực hiện)

Ảnh trong bài
  • Đấu kiếm Việt Nam hướng đến đấu trường khu vực, châu lục và Olympic