|
TS. NGuyễn Văn Lỷ (Ảnh: NVL) |
Xin ông cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII?
TS. Nguyễn Văn Lỷ: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 670/QĐ-TTg ngày 06 tháng 06 năm 2012 về việc phê duyệt Dự án Tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Tiếp theo ngày 26/3/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1142/QĐ-BVHTTDL ban hành Điều lệ Đại hội TDTT Toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Đại hội lần này tổ chức 36 môn thể thao chia thành 45 môn và phân môn tranh tài tổng cộng 743 bộ huy chương được tổ chức chủ yếu vào thời điểm tháng 12/2014. Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc được tổ chức nhằm biểu dương và đánh giá lực lượng đội ngũ cán bộ quản lý, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trong toàn quốc qua chu trình 04 năm tập trung đào tạo, huấn luyện. Năm nay Đại hội sẽ được tổ chức ở các địa điểm: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Quảng Ninh và Hà Nội. Trong đó Nam Định là địa điểm đăng cai chính của Đại hội và là nơi diễn ra khai mạc và bế mạc của kỳ Đại hội.
Đến thời điểm này ngày khai mạc Đại hội sắp đến gần công tác chuẩn bị đang gấp rút khẩn trương, Tiểu Ban Y tế và kiểm tra Doping đã xây dựng các kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể bao gồm: thường trực cấp cứu, khám, chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh,.. Về công tác lấy mẫu kiểm tra Doping đã chuẩn bị kít, dụng cụ đảm bảo lấy mẫu đầy đủ. Đồng thời cử các đoàn cán bộ làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hà Nội để kiểm tra công tác chuẩn bị và địa điểm lấy mẫu kiểm tra Xét nghiệm Doping. Có thể nói rằng mọi thứ đã sẵn sàng để chờ đợi một kỳ Đại hội thành công”.
Những khó khăn, thuận lợi trong quá trình chuẩn bị là gì thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Lỷ: Hiện Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm kiểm tra Doping đạt chuẩn vì các mẫu thử có yêu cầu rất cao về độ chuẩn xác phải gửi ra nước ngoài xét nghiệm khá tốn kém, trong khi đó kinh phí dành cho công tác kiểm tra Doping rất hạn chế. Đây là khó khăn lớn nhất của chúng tôi.
Tuy nhiên, thuận lợi vẫn là cơ bản, Tiểu ban Y tế và kiểm tra Doping được thành lập do Thứ trưởng Bộ Y Tế làm trưởng tiểu ban. Tiểu ban đã tiến hành họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách đảm nhận các phần việc khác nhau. Đồng thời có sự phối hợp và chỉ đạo các Sở Y Tế 9 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể phục vụ Đại hội thành công tốt đẹp.
Việc lựa chọn các mẫu thử có theo nguyên tắc nào không thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Lỷ: Đại hội lần này do kinh phí hạn chế nên Ban Tổ Chức Đại hội lựa chọn 04 môn thi đấu để lấy mẫu kiểm tra Doping tập trung vào một số môn nguy cơ VĐV sử dụng Doping cao. Những vận động viên giành huy chương vàng ngay sau khi nhận giải được thông báo lấy mẫu kiểm tra Doping tại chỗ. Trình tự các bước lấy mẫu thử Kiểm tra Doping phải tuân thủ theo quy trình của WADA gồm 11 bước: Từ lựa chọn vận động viên, thông báo, cán bộ lấy mẫu DCO hoặc người giám sát sẽ thông báo về quyền và trách nhiệm của VĐV được lấy mẫu, dụng cụ lấy mẫu riêng biệt có niêm phong,…cuối cùng là tất cả các mẫu được gửi đến phòng xét nghiệm được WADA chấp nhận.
Tính cả trước, trong và sau Đại hội, ông dự kiến sẽ có khoảng bao nhiêu mẫu thử ?
TS. Nguyễn Văn Lỷ: Năm 2014 Trung tâm Doping và Y học thể thao đã tiến hành lấy gần 100 mẫu xét nghiệm kiểm tra Doping trước, trong và ngoài thi đấu tại các giải thể thao lớn như Asiad 18, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ IV,…Dự kiến Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần VII sẽ lấy 30 mẫu Xét nghiệm kiểm tra Doping ở 04 môn thi đấu là Bơi lội, Cử tạ, Điền kinh và TDDC.
Thưa ông việc kiểm tra các mẫu sẽ diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu? Những trường hợp được cho là vi phạm sẽ được áp dụng căn cứ theo nguyên tắc nào?
TS. Nguyễn Văn Lỷ: Đối với các trường hợp lấy mẫu nước tiểu diễn ra trong thời gian 1- 2 giờ, tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài nhiều giờ khi nào lấy đủ số lượng theo yêu cầu mới kết thúc. Sau khi lấy mẫu xong sẽ chuyển đến phòng xét nghiệm Doping đủ tiêu chuẩn theo quy định của WADA và khoảng 10-15 ngày sẽ có kết quả trả lời.
Hình phạt dành cho VĐV vi phạm các quy định của Luật phòng, chống Doping thế giới của WADA về mức độ hình phạt: từ khiển trách đến cấm thi đấu suốt đời phụ thuộc vào hành vi vi phạm, loại chất cấm sử dụng, cũng như số lần tái phạm các hành vi vi phạm của VĐV.
Hiện tại Trung tâm Doping và Y học thể thao đã tham mưu lãnh đạo Tổng cục TDTT xây dựng Thông tư quy định về phòng, chống Doping trong hoạt động thể thao, dự kiến trong tháng 12 sẽ trình Bộ trưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành”.
Một chút chia sẻ của ông về công tác phòng, chống Doping tại một kỳ Đại hội.
TS. Nguyễn Văn Lỷ: Các bạn biết rằng kỳ ASIAD 2014 vừa qua tổ chức tại Hàn Quốc, Ban tổ chức ước tính có hơn 1200 bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, tình nguyện viên, phiên dịch viên… được tuyển chọn, cùng 105 trang thiết bị y tế hiện đại đã được sử dụng để phục vụ công tác phát hiện Doping. Tổng cộng Đại hội đã lấy 1920 mẫu xét nghiệm kiểm tra Doping, là số lượng mẫu kiểm tra cao nhất từ trước đến nay qua các kỳ ASIAD (vượt kỷ lục của ASIAD 2010 là 1500 mẫu). Hoạt động này là một những biện pháp cứng rắn của nước chủ nhà nhằm tạo ra một kỳ Đại hội công bằng và nói: không với doping.
Quay trở lại với Việt Nam, công tác phòng, chống Doping còn khá mới mẻ, vì thế việc tuyền truyền, giáo dục cho vận động viên, HLV, cán bộ quản lý thể thao và cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ ngành thể thao và các cấp. Có thể nói rằng để một kỳ Đại hội diễn ra thành công và công bằng thì việc lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra Doping là một trong những công cụ đắc lực giúp Ban tổ chức Đại hội tìm ra những huy chương vàng thực sự của thể thao Việt Nam .
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!!!
M.Đăng