Thể thao Quảng Bình sẵn sàng bước vào tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII -2014

Thời gian từ nay tới Đại hội TDTT toàn quốc đang được tính từ ngày. Cùng với các địa phương trên cả nước, Thể thao Quảng Bình đang bước vào giai đoạn nước rút để hướng tới mục tiêu cải thiện vị trí trên bảng tổng sắp huy chương của Đại hội. Phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Xuân - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình về những vấn đề xung quanh công tác chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII sắp tới.

Ông Lê Văn Xuân - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình (Ảnh:Đ.Bình )
Thưa ông, Đại hội TDTT toàn quốc sẽ khởi tranh vào tháng 12 tới, Quảng Bình đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện này?

Đại hội TDTT là một hoạt động được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần, là đấu trường trong nước lớn nhất của thể thao Việt Nam. Chính vì vậy mà các địa phương, đơn vị trên toàn quốc luôn có sự quan tâm, đầu tư rất lớn nhằm cải thiện vị trí trong bảng tổng sắp huy chương trên toàn quốc. Với mục đích, ý nghĩa như vậy, ngành VHTTDL Quảng Bình trong thời gian qua ngoài việc tổ chức tốt các nội dung thi đấu trong chương trình Đại hội TDTT toàn tỉnh, đã tích cực chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp, xác định sở trường, thế mạnh của tỉnh để tập trung đầu tư có hiệu quả.

Ngay sau Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện Thể dục Thể thao bắt tay chuẩn bị cho đội ngũ VĐV ở những môn thể thao thế mạnh. Bên cạnh đó là sự đầu tư nguồn lực về chế độ dinh dưỡng cho VĐV, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ có chất lượng, phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của các huấn luyện viên trong tỉnh; tận dụng năng lực và kinh nghiệm của các huấn luyện viên các đội tuyển Quốc gia cũng như của chuyên gia nước ngoài thông qua các cuộc tập huấn để huấn luyện lực lượng VĐV tiêu biểu các đội tuyển của tỉnh. Đến nay, công tác chuẩn bị cho lực lượng VĐV các đội tuyển tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII cơ bản đã hoàn thành ở giai đoạn nước rút, các VĐV đang trong tâm thế sẵn sàng vào cuộc trên đấu trường của Đại hội.

Đâu là môn thể thao thế mạnh của Quảng Bình ở kỳ Đại hội lần này, thưa ông?

Quảng Bình hiện vẫn là một tỉnh nghèo do hậu quả của chiến tranh để lại, cộng với điều kiện thiên tai khắc nghiệt, cùng với đó là điều kiện kinh tế xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy ngân sách đầu tư cho sự nghiệp TDTT nói chung và công tác đào tạo VĐV vẫn còn nhiều hạn hẹp. Trong điều kiện như vậy, những người làm công tác thể dục thể thao của Quảng Bình đã biết chọn và xác định các môn thể thao trọng tâm, trọng điểm để đầu tư đó là những môn thể thao dưới nước như: Bơi, Lặn, Canoeing, Rowing, Đua thuyền truyền thống. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các Trung tâm HLTT quốc gia và các địa phương có thế mạnh và điều kiện cơ sở vật chất để cử các đội tuyển thể thao của tỉnh đi tập huấn, giao lưu, cọ xát nhằm nâng cao kinh nghiệm và chuyên môn. Đặc biệt, với thể chất con người Quảng Bình vốn là dân sông nước, lại cần cù, chịu khó, năng động và sáng tạo... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên thế mạnh của  Thể thao Quảng Bình là các môn thể thao dưới nước.

Thưa ông, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, thể thao Quảng Bình có những thuận lợi, khó khăn gì?

Trong qua trình chuẩn bị tham gia Đại hội TDTT toàn quốc, mỗi địa phương tùy theo điều kiện thực tế đều có những thuận lợi, khó khăn nhất định. Đối với Quảng Bình, sau thành tích thi đấu ấn tượng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI -2010, ngành thể thao Quảng Bình bước vào một chu kỳ chuẩn bị lực lượng với những, thuận lợi, khó khăn đan xen.

Về thuận lợi với kết quả xếp thứ 13/66 tỉnh thành ngành tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VI-2010, Thể thao Quảng Bình đã tạo được uy tín và lòng tin đối với cấp ủy, chính quyền của tỉnh. Vì vậy, công tác chuẩn bị tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII được quan tâm hơn. Cụ thể, nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao thành tích cao đã có sự tăng lên rõ rệt, chế độ dinh dưỡng của vận động viên đã được cải thiện đáng kể, chế độ đãi ngộ tài năng thể thao được cụ thể hóa rõ ràng bằng các văn bản của tỉnh, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho vận động viên cũng được quan tâm, giúp các vận động viên ổn định tâm lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm và yên ttâm tập luyện, công hiến cho sự nghiệp thể thao tỉnh nhà. Cùng với đó, Quảng Bình còn có đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên tâm huyết với nghề nghiệp và lực lượng vận động viên hùng hậu ở các bộ môn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất sau Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI kết thúc đó là lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao ở các môn: Bơi lội, Rowing có sự biến động mạnh. Đây là hai môn có nhiều vận động viên từng giành nhiều HCV cho đoàn thể thao Quảng Bình tại các kỳ Đại hội. Đơn cử như vận động viên Phạm Thị Huệ - môn Bơi lội (giành 5 HCV tại Đại hội lần thứ VI) đã nói lời chia tay với sự nghiệp thể thao thành tích cao khi tài năng đang ở độ chín. Còn đối với môn Rowing - môn thể thao đã mang về cho Quảng Bình tới 04 HCV tại Đại hội VI, thì cũng trong tình cảnh tương tự, bởi vì một số vận động viên do lớn tuổi phải nghỉ tập luyện để học đại học.

Trước những khó khăn đó, ngành TDTT Quảng Bình đã thực hiện chính sách trẻ hóa VĐV các đội tuyển và gần như phải làm lại từ đầu nên sẽ là một sự khó khăn rất lớn để duy trì thành tích đạt được tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010. Tuy vậy, với quyết tâm rất cao của cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên Quảng Bình vẫn đặt ra mục tiêu bằng mọi giá cải thiện vị trí trong bảng tổng sắp kết quả của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII.

Vậy, mục tiêu cụ thể mà thể thao Quảng Bình đặt ra tại kỳ Đại hội lần này là gì, thưa ông?

Đến với Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, đoàn thể thao Quảng Bình tham gia thi đấu 6 trên tổng số 36 môn được tổ chức thi đấu tại Đại hội. Chỉ tiêu chúng tôi đặt ra là phấn đấu tại Đại hội lần này là đạt từ 20 – 25 huy chương các loại, trong đó có 10 – 12 HCV. Đây là một mục tiêu khó khăn trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư cho thể thao thành tích cao nói chung và công tác chuẩn bị tập huấn và tham gia thi đấu tại Đại hội nói riêng còn hạn hẹp. Cùng với đó là sự chuẩn bị rất chu đáo của các địa phương trên toàn quốc nhưng với tiềm năng và thế mạnh của thể thao Quảng Bình cùng với sự đoàn kết của tập thể cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và những người làm công tác thể dục thể thao tỉnh nhà, tôi tin tưởng đoàn thể thao Quảng Bình sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra và tiếp tục khẳng định tiềm năng và thế mạnh của mình trên đấu trường thể thao thao toàn quốc và bảng tổng sắp huy chương đại hội.

Ông có nhận định gì về cuộc tranh tài tại Đại hội lần thứ VII?

Đại hội TDTT toàn quốc là dịp để các địa phương, đơn vị đánh giá lại tiềm năng và thế mạnh của mình trên đấu trường thể thao thao toàn quốc. Thành tích đạt được của các địa phương, đơn vị không chỉ mang tính chuyên môn thuần tuý mà còn gắn liền với danh dự và khẳng định vị thế của địa phương, đơn vị mình tại đấu trường này. Vì vậy, các địa phương, đơn vị đều có sự chuẩn bị tích cực, chu đáo để tham gia tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII. So với các kỳ Đại hội trước thì tại Đại hội lần này tính chất và quy mô tổ chức Đại hội cũng có sự khác biệt, số môn và nội dung thi đấu tại Đại hội cũng được rút gọn, thời gian thi đấu diễn ra ngắn... Theo nhận định chủ quan của cá nhân tôi, Đại hội này là cuộc đua tranh quyết liệt của các địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…Tuy nhiên cuộc đua tranh ngôi vị nhất toàn đoàn sẽ là cuộc đua giữa hai địa phương Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Kim Tuyến (thực hiện)

 

 

Ảnh trong bài
  • Thể thao Quảng Bình sẵn sàng bước vào tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII -2014