Trưởng đoàn Lâm Quang Thành: Thể thao Việt Nam luôn hướng về phía trước

Á vận hội lần thứ 17 – 2014 đã khép lại với những niềm vui và nỗi buồn của TTVN trên đấu trường thể thao châu lục. Thể thao Việt Nam với 36 huy chương, trong đó có 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ, xếp vị trí thứ 21 trong bảng tổng sắp huy chương. Nhìn nhận lại chặng đường của TTVN tại ASIAD 17, phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Trưởng đoàn TTVN - ông Lâm Quang Thành về những thành tích đã đạt được cũng như những tồn đọng của TTVN tại đấu trường châu lục này.

Ông Lâm Quang Thành - Trưởng đoàn TTVN
Thưa ông, đoàn TTVN đã kết thúc ASIAD 17 với 36 huy chương, vậy ông đánh giá thế nào về thành tích của đoàn TTVN tại Á vận hội lần nay?

Chúng ta đã trải qua 1 kỳ ASIAD với nhiều vui buồn lẫn lộn. Đoàn TTVN tham dự kỳ ASIAD này với 21 đội tuyển, trong đó 3 đội tuyển đi theo hình thức XHH với mục tiêu học hỏi và hội nhập. Còn lại 17 môn thể thao mà chúng ta đầu tư cho ASIAD lần này, các VĐV đều đã được chuẩn bị rất kỹ. Tại kỳ ASIAD này, đã có 13 môn giành huy chương, trong đó có 1 môn Wushu giành HCV, 8 môn giành HCB (Điền kinh, Xe đạp, Cử tạ, TDDC, Karatedo, Rowing, Bắn súng, Wushu) và các môn có HCĐ (Đấu kiếm, Taekwondo, Wushu, Bơi lội, Bắn súng, Cầu mây, Rowing, Karatedo, Boxing). Bóng đá nữ lập kỳ tích khi lần đầu tiên lọt vào tốp 4 châu Á.

Trong những môn thể thao nói trên có 6 môn lần đầu tiên đạt huy chương tại một kỳ ASIAD, đó là: Boxing, Bơi lội, TDDC, Xe đạp, Đấu kiếm, Cử tạ, có những môn đã có huy chương Olympic nhưng lần đầu tiên có huy chương ở kỳ ASIAD. Đoàn TTVN tại ASIAD lần này đã nỗ lực cố gắng hết mình, với thành tích 36 tấm huy chương, nếu tính về số lượng huy chương thì nhiều nhưng tính chỉ tiêu giành tối thiểu 2 – 3 HCV thì chúng ta chưa đạt được. Tuy nhiên, trong thi đấu thể thao thành công và thất bại luôn song hành, đoàn TTVN tại ASIAD có những môn thành công và những môn không thành công. Những môn thành công cho thấy sự đầu tư đúng hướng của ngành TDTT, còn những môn chưa đạt thành tích như mong muốn cũng đã cho thấy sự nỗ lực cố gắng hết mình để vượt qua những áp lực trong thi đấu. Đặc biệt có những môn trong tích tắc rất ngắn, những thời khắc cuối cùng chúng ta đã để vuột mất tấm huy chương cao nhất. Nhưng phải nói rằng có một số môn lần đầu tiên chúng ta đạt được những tấm huy chương rất quý giá tại ASIAD lần này như: Xe đạp, Boxing, Bơi lội.

Vậy, theo đánh giá của ông những thành tích mà các VĐV giành được lần này là từ sự đầu tư dài hạn có chiều sâu hay là nhờ sự xuất thần của các VĐV trong thi đấu?

Phải nói rằng, việc đầu tư cho các VĐV được Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo Ngành TDTT hết sức quan tâm trong thời điểm nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Chúng ta đã tiến hành chọn lọc một số môn đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài cũng như tham gia thi đấu ở các giải nước ngoài để cọ xát trong điều kiện kinh phí cho phép. Chúng ta biết rằng trong thể thao có quy luật rõ ràng, trình độ phát triển thể thao phụ thuộc vào quy mô phát triển của nền kinh tế đất nước. Các nước có nền kinh tế mạnh thường có nền thể thao phát triển mạnh vì có nguồn kinh phí dồi dào. Bên cạnh đó, các nước thường tập trung vào việc xã hội hóa những môn thể thao mà các nước thấy rằng có khả năng giành huy chương ở châu Á.

Chúng ta đã đưa đi tập huấn một số nước, đặc biệt chuyển hướng tập huấn ở những địa điểm mà có khả năng tạo nên những đột phá của các VĐV, tuy nhiên hiện nay thời gian còn rất ngắn và việc chuyển hướng này cần thời gian dài hơi hơn. Và tôi hy vọng rằng sắp tới, chúng ta sẽ tính toán lại việc tập trung trọng điểm hơn nữa để các VĐV có điều kiện tốt nhất trong tập huấn cũng như thi đấu cọ xát để hướng tới mục tiêu giành thành tích cao hơn nữa ở các kỳ ASIAD tới.

Nếu so sánh về thành tích của Việt Nam với các nước Đông Nam Á thì ông đánh giá thế nào?

Tại kỳ ASIAD lần này, nếu so sánh sự đầu tư về trình độ giữa Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Nam Á, thì các nước ở khu vực Đông Nam Á có thế mạnh ở những môn đã có từ xưa, đặc biệt kỳ này đối với 3 nước: Thái Lan, Malaysia, Singapore, họ tập trung vào môn đều có HCV là thuyền buồm. Đây là môn đòi hỏi sự đầu tư kinh phí rất lớn, từ bãi đậu thuyền, mua thuyền cho đến đào tạo VĐV. Hay như môn Bowling cả Thái Lan và Singapore đều có HCV. Còn lại những môn thuộc Olympic, đối với các nước ở khu vực Đông Nam Á không nhiều về chất lượng và số lượng tại kỳ ASIAD lần này.

Có thể nói, mỗi quốc gia đều có những chiến lược đầu tư cho thể thao khác nhau phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và điều kiện tập trung xã hội hóa. Và chúng tôi mong rằng qua kỳ ASIAD này, xã hội, các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho thể thao để đóng góp cùng với sự đầu tư của nhà nước giúp các VĐV có điều kiện tốt nhất trong tập luyện và thi đấu. Và tôi nghĩ rằng, sự chung tay góp sức của xã hội, các nhà doanh nghiệp sẽ là một trong những yếu tố để giải quyết những vấn đề còn thiếu sót, yếu kém và chưa thành công của thể thao hiện nay.

Với tư cách là Trưởng đoàn TTVN, ông thấy có những bài học gì cần rút kinh nghiệm sau kỳ ASIAD này?

Sau khi về nước, đoàn TTVN sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá ở từng môn thể thao những thành công hay thất bại về nguyên nhân; chuyên môn, đầu tư, hay những điều kiện thi đấu chưa đảm bảo và các nguyên nhân khác.

Trong thể thao thành công và thất bại luôn song hành, nguyên nhân của nó đều có thể được khẳng định, tuy nhiên chúng ta thấy rằng nếu cố gắng hết mình, vượt qua chính mình thì việc giành được thành tích không như mong đợi thì chúng ta vẫn phải ghi nhận sự cố gắng của các VĐV qua quá trình tập luyện gian lao, cực khổ. Theo đánh giá của tôi, các đội tuyển và các VĐV đều hết sức quyết tâm, cố gắng. Với tư cách lãnh đạo đoàn, chúng tôi tạo sự lạc quan đối với thành tích của đoàn TTVN, thể thao không thể bi quan, thể thao luôn hướng về phía trước.

Ông có lời gì muốn nhắn nhủ với người hâm mộ nước nhà?

Lãnh đạo Đoàn TTVN, các đội tuyển, các VĐV và cả các phóng viên đã trải qua một kỳ ASIAD hết sức gian khổ với một đấu trường khốc liệt. Năm nay, số lượng VĐV xuất sắc của các nước nhiều hơn. Mỗi đội tuyển thi đấu đạt được thành tích hết sức vui mừng nhưng cũng có những môn chưa đạt thành tích như mong muốn, điều này cho thấy thể thao luôn song hành giữa thành công và thất bại. Với thành tích 36 huy chương, trong đó thể hiện một số huy chương thể hiện nền tảng để xây dựng lực lượng VĐV giành thành tích cao hơn trong thời gian tới. Chúng ta đã trải nghiệm qua một kỳ ASIAD với công tác tổ chức chu đáo của BTC, tinh thần hữu nghị giữa các quốc gia, và Việt Nam là một trong những nước được đánh giá là đã có sự phát triển nhất định về thể thao trong các quốc gia ở châu lục.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này./.

KC thực hiện (từ Incheon)

Ảnh trong bài
  • Trưởng đoàn Lâm Quang Thành: Thể thao Việt Nam luôn hướng về phía trước