Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 17 với quyết tâm cao nhất

Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khi trả lời phỏng vấn phóng viên Trang tin Điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam xung quanh các thông tin liên quan đến kế hoạch của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 17 sẽ diễn ra tại thành phố Incheon - Hàn Quốc từ ngày 19/9 - 4/10/2014 đã và đang được rất nhiều người hâm mộ quan tâm.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
Vương Bích Thắng
Asiad 17 là Đại hội Thể thao lớn nhất châu lục, để chinh phục đỉnh cao thành tích Thể thao Việt Nam hẳn phải có sự chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này, thưa ông?

Trong 4 Đại hội Thể thao quốc tế quan trọng trong năm 2014 mà ngành Thể thao Việt Nam đặt là nhiệm vụ trọng tâm thì Asiad 17 được coi là sự kiện Thể thao quan trọng nhất. Chính vì vậy, từ nhiều tháng qua, lãnh đạo ngành cũng như cán bộ làm công tác chuyên môn đã có kế hoạch tập huấn, chọn lọc VĐV một cách bài bản và đầu tư có chọn lọc đối với từng môn Thể thao.

 Hầu hết các VĐV dự kiến tham gia tranh tài tại Asiad 17 đều nằm trong danh sách 64 VĐV được ngành quy hoạch đầu tư trọng điểm (mang tính dài hạn trong nhiều năm), những VĐV này có tuổi đời còn rất trẻ và có tố chất, chuyên môn tốt. Hiện, các VĐV nằm trong danh sách đoàn Thể thao Việt Nam chủ yếu tập huấn tại 3 Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia là: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, một số VĐV đang tập huấn tại nước ngoài - chủ yếu là những địa điểm uy tín và nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới như: môn Bơi, Điền kinh tập huấn tại Mỹ, Taekwondo tại Hàn Quốc, Thể dục dụng cụ tại Nhật Bản...

Việc đưa VĐV trọng điểm đi tập huấn tại nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho VĐV có cơ hội tiếp cận với cơ sở vật chất, phương pháp huấn luyện, khoa học công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới giúp nâng cao thành tích, góp phần cải thiện thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Mục tiêu xa hơn mà ngành hướng tới chính là những cán bộ được cử đi theo VĐV tập huấn có nhiệm vụ học hỏi, trau dồi kiến thức, phương pháp huấn luyện, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào việc đào tạo, giảng dạy VĐV đỉnh cao của những quốc gia có nền Thể thao phát triển hàng đầu thế giới. Từ đó, khi trở về nước sẽ vận dụng, triển khai vào công tác huấn luyện VĐV tại Việt Nam.

Tại thời điểm này, công tác huấn luyện, trình độ chuyên môn và sức khỏe của các VĐV dự kiến tham gia tranh tài tại Asiad 17 đều ổn định. Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp với Vụ Thể thao thành tích cao và các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia đã hoàn tất khâu làm thẻ, visa, hộ chiếu hay các văn bản hành chính khác. Bên cạnh đó việc liên hệ chặt chẽ với BTC Asiad 17 để nắm bắt thông tin về lịch trình đi lại, lịch thi đấu và nơi ăn, ở tập luyện của các VĐV, tất cả đều diễn ra suôn sẻ và đúng quy trình của BTC Đại hội.

Ông có thể cho biết lực lượng và số môn mà các VĐV Việt Nam tranh tài tại Đại hội lần này?

Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định chính thức thành lập đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 17. Theo đó, danh sách đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 17 gồm 298 thành viên trong đó có 199 VĐV (97 VĐV nam, 102 VĐV nữ) của 21 môn Thể thao và 99 thành viên còn lại là HLV, chuyên gia, bác sỹ và cán bộ đoàn. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành sẽ được giao nhiệm vụ là Trưởng đoàn.

Trong số 21 môn Thể thao mà đoàn TTVN tranh tài có 18 môn Thể thao đi theo kinh phí nhà nước gồm: Điền kinh, Bơi, Thể dục, Bắn súng, Karatedo, Taekwondo, Cầu mây, Boxing, Vật, Kiếm, Judo, Cử tạ, Bắn cung, Rowing, Xe đạp, Cầu lông, Bóng đá, Wushu. 3 môn đi theo hình thức xã hội hóa gồm: Solf Tennis, Golf, Bowling.

Tóm lại, con số VĐV tham dự Asiad 17 của đoàn Thể thao Việt Nam được tính toán hết sức cô đọng với mục tiêu đúng người, đúng nhiệm vụ được giao. Hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng kinh phí nhà nước.

Ông có thể chia sẻ về chỉ tiêu thành tích đặt ra cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 17?

Hầu hết các VĐV Việt Nam tham dự đều có chuyên môn tốt đã từng đạt thành tích cao ở nhiều giải Thể thao quốc tế trong khu vực, châu lục, thậm chí là trên thế giới. Thực tế cho thấy, trong khu vực Châu Á có rất nhiều quốc gia có nền Thể thao phát triển mang tầm thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên... Vì vậy, để giành HCV tại sân chơi này là điều không dễ, nhưng Thể thao Việt Nam đặt hy vọng có thể giành HCV ở 9 môn Thể thao gồm: Điền kinh, Bơi, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Taekwondo, Karatedo, Wushu, Cầu mây và Cử tạ. Sở dĩ, giới chuyên môn đặt hy vọng như trên là bởi, 9 môn Thể thao này thành tích của VĐV đã tiệm cận tới huy chương châu Á.

Tuy nhiên, trên thực tế khi thi đấu còn nhiều yếu tố khách quan tác động rất có thể ảnh hưởng đến khả năng, thành tích thi đấu của VĐV. Nếu yếu tố may mắn và môi trường thi đấu thuận lợi với VĐV Việt Nam thì việc chinh phục đỉnh cao thành tích - giành HCV ở những môn chúng ta đặt hy vọng là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh đó, những môn Thể thao như: Bắn cung, Rowing, Vật, Judo, Boxing, Đấu kiếm, Xe đạp, Cầu lông cũng là những môn mà đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu có huy chương.

Dư luận quan tâm nhiều tới việc, môn Bóng chuyền, Bóng bàn không được cử tham dự Asiad 17 nhưng Bóng đá lại có tên trong danh sách tham dự, mặc dù môn này những năm gần đây thành tích không cao, vậy ông có nhận xét gì về điều này?

Nói như vậy, có lẽ chưa thật chuẩn xác. Đối với những người làm công tác quản lý như chúng tôi thì hoàn toàn có cách nghĩ khác về vấn đề này. Về thành tích thì cả 3 môn Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng đá đều chưa tiệm cận được thành tích châu Á, nhưng sở dĩ chọn Bóng đá là bởi: Bóng đá là môn Thể thao dù ở bất cứ thời điểm nào đều được xã hội quan tâm và giành nhiều tình cảm cho môn Thể thao này. Nói như vậy, không có nghĩa là Bóng bàn hay Bóng chuyền không được xã hội quan tâm nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào vừa đẩy mạnh phát triển các môn Thể thao nằm trong hệ thống Olympic mà vẫn làm hài lòng người hâm mộ Thể thao.

Thêm một lý do nữa chính là tài chính - kinh phí dành cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các sự kiện quốc tế trong năm 2014 có hạn và phân bổ rất cụ thể, nên việc lựa chọn môn nào cũng là bài toán cần tính toán kỹ.

Nếu điều kiện tài chính cho phép, ngành Thể thao muốn đưa cả 3 môn trên cùng tham dự Asiad nhưng điều kiện tài chính không cho phép nên ngành quyết định lựa chọn Bóng đá. Đây là môn Thể thao được xã hội quan tâm và giới chuyên môn đang nỗ lực tìm các giải pháp nâng cao thành tích của Bóng đá Việt Nam.

Qua sân chơi này, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các cầu thủ thi đấu cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và đây cũng là bước chuẩn bị để TTVN tham dự SEA Games 28 diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2015. 

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

N. H

Ảnh trong bài
  • Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 17 với quyết tâm cao nhất