Tác dụng và khó khăn khi tổ chức Asiad 18

Chỉ ít tháng nữa, Việt Nam đi nhận cờ từ Hàn Quốc để tổ chức Asiad 18 với tư cách là nước chủ nhà. Một sự kiện tất yếu sau khi Ủy ban Olympic Việt Nam được sự bảo lãnh của Chính phủ đã xin đăng cai tổ chức Đại hội Thể dục thể thao lớn nhất khu vực Châu Á (ASIAD).

Trong thế giới mở, thể dục thể thao được thế giới coi là lĩnh vực văn hoá đặc biệt, có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn đối với xã hội và con người. Thi đấu thể thao thành tích cao có ảnh hưởng lớn đối với xã hội và kinh tế, không còn là sự kiện chuyên môn thể thao đơn thuần. Nước nào đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn cũng nêu lý do rất quen thuộc: để nâng cao hình ảnh đất nước, tạo điểm nhấn thu hút du lịch, đầu tư, xây dựng..."Đây cũng chính là tác dụng rất quen thuộc khi ta tổ chức Asiad 18, học cách tư duy mở của các cường quốc thể thao của khu vực đã đi trước chúng ta.

Nhưng theo tôi, tác dụng thiết thực của chuẩn bị và tổ chức Asiad 18 là nhân cơ hội này, chấn hưng tinh thần dân tộc, phấn đấu tới khoảng năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Để chấn hưng về kinh tế, phải tính đến chấn hưng tinh thần dân tộc thông qua thể thao như Tổng thống Putin đã từng làm. Và Tổng thống Putin đã thành lập một tổ chức thể thao độc nhất vô nhị trên thế giới. Hội đồng thể thao của Tổng thống gồm 39 vị, vào khoảng năm 2000.

Tuy nhiên, tác dụng của Asiad 18 không thể tự nhiên mà đến, cần có sự nỗ lực tác động của cả một hệ thống, của con người. Nếu không, cơ hội vẫn chỉ là cơ hội.  Sự nỗ lực của chúng ta phải hướng tới hai nhóm công việc chính. Thứ nhất, phải tổ chức công tác tuyền thông cho sự kiện Asiad 18 một cách rất bài bản; Thứ hai, phải tổ chức phong trào thể dục thể thao quần chúng, đào tạo tài năng thể thao một cách mạnh mẽ hướng tới Asiad 18.

Nên nhớ, huy chương Vàng của chúng ta đạt được trong Asiad 18 là không đáng kể, nhưng nhờ Asiad 18 chúng ta có thể đổi mới nền thể dục thể thao nước nhà một cách mạnh mẽ từ cách nghĩ tới cách làm, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Nếu không thấy hết tác dụng của Asiad 18, không cố gắng tận dụng cơ hội này sẽ rất lãng phí, không biết bao nhiêu năm nữa, Asiad mới lại trở về với Việt Nam. Chúng ta tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, vào sự hưng thịnh của dân tộc mới dám tổ chức Asiad 18, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Asiad 18 ghi nhận ý chí tiến lên của dân tộc ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ngay trong khi khu vực châu Á vẫn còn tồn tại những vấn đề tế nhị.

Ngành Thể dục thể thao xin chính phủ cho phép đăng cai tổ chức Asiad 18 là tốt, nhưng chưa làm chặt chẽ, vì vậy khi tổ chức Asiad sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, ta sẽ gặp khó khăn về kinh tế, theo các chuyên gia kinh tế, GDP của nước ta hiện nay khoảng 1860 USD/người/năm và sau hơn 40 năm nữa mới có thu nhập cao từ 4.000 - 6.000 USD/người/năm. Mốc đạt mức thu nhập cao của một số quốc gia châu Á lần lượt là Malaysia dự tính vào năm 2020, Trung Quốc vào 2026, Thái Lan vào 2031. Xem ra, khi đăng cai tổ chức Asiad lần đầu tiên Trung Quốc (năm 1990) và Thái Lan (năm 1998) cũng ở mức có thu nhập loại trung bình thấp, không hơn ta hiện nay. Họ vẫn tổ chức Asiad thành công, nên chắc Việt Nam cũng vậy. Giải pháp giúp ta khắc phục khó khăn về kinh tế là tiết kiệm tối đa, giảm tối đa số môn thi đấu trong Đại hội.

Thứ hai, lòng dân cũng là vấn đề khó khăn. Do công tác truyền thông yếu, đăng cai tổ chức Asiad thiếu chặt chẽ, nên rất nhiều người dân không  hào hứng đón nhận sự kiện tổ chức Asiad ở nước ta. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thể dục thể thao và nhân dân tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước sự kiện này. Nhưng có lẽ Asiad 18 vẫn sẽ diễn ra. Vậy khó khăn này cần sớm khắc phục nhờ truyền thông và nhờ kế hoạch đồng bộ phát triển thể dục thể thao nước nhà hướng tới Asiad 18. Đặc biệt, bóng đá nam, môn thể thao được nhân dân ưa thích nhất, cần sớm chuẩn bị cho Asiad 18 một cách công khai , tích cực, hiệu quả.

Thứ ba, khó khăn về tổ chức. Ngành Thể dục thể thao nếu vẫn ghép trong Bộ đa ngành như hiện tại, sẽ rất khó chuẩn bị và tổ chức Asiad 18. Để khắc phục khó khăn này, ta cần khẳng định rõ vai trò quan trọng của Tổng cục Thể dục thể thao và ngành dọc của nó trong các tỉnh, thành có môn thi đấu trong Đại hội. Nhân sự chủ chốt tổ chức Asiad cũng cần giao cho những người còn tuổi đảm nhiệm công việc hết năm 2019, tránh đứt đoạn.

Thứ tư, công nghệ tổ chức Asiad cũng là vấn đề khó khăn. Tổ chức thành công suy cho cùng phụ thuộc vào công nghệ và con người sử dụng công nghệ. Sẽ rất cần thiết, khi chúng ta sớm có phương án chuẩn bị về công nghệ cho Asiad.

Asiad 18 sẽ được tổ chức thành công nếu chúng ta biết nhân rộng tác dụng của sự kiện này trong xã hội, và biết thu hẹp mọi khó khăn. Xin đừng coi Asiad chỉ là sự kiện thể thao đơn thuần. Asiad là sự kiện lớn cần sự chung tay của toàn xã hội.

GS.TS Dương Nghiệp Chí

 

Ảnh trong bài
  • Tác dụng và khó khăn khi tổ chức Asiad 18