Bóng bàn Việt Nam: Cần siết chặt lại kỷ cương đối với các VĐV quốc gia

Vài ngày trở lại đây, những vấn đề xung quanh việc lựa chọn VĐV Bóng bàn vào danh sách chính thức tham dự SEA Games 27 tại Myanmar vào cuối năm 2013 được giới truyền thông đặc biệt quan tâm. Từ đó, có nhiều bài viết phản ánh trái chiều về vấn đề này, do vậy đã tạo ra những cách hiểu thiếu chính xác, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Bóng bàn Việt Nam cũng như ngành TDTT nước nhà.

Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng
Tổng cục TDTT
Nhằm giúp bạn đọc, người hâm mộ hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Trang tin Điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

Theo chia sẻ của ông Vương Bích Thắng: Vài năm trở lại đây môn Bóng bàn đang có dấu hiệu tụt hậu so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân của sự tụt hậu này có khá nhiều lý do, song tập trung chính vào 2 yếu tố đó là trình độ huấn luyện còn hạn chế và ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của các VĐV trong tập luyện và thi đấu còn kém. Có thể lấy ví dụ như việc VĐV tham gia thi đấu tại một số giải quốc tế không hề nắm được lịch thi đấu (thi đấu giờ nào, ngày nào, đối thủ là ai... dẫn đến bỏ cuộc) - điều đó cho thấy từ người làm công tác quản lý đội tuyển đến cá nhân VĐV ý thức trách nhiệm chưa cao. Thêm nữa, có một số VĐV đã tự tạo cho mình cách nghĩ khi giành thành tích tốt ở một số giải đấu quốc tế hay trong nước, có chút đẳng cấp thì có quyền đòi hỏi. Thực tế là có những VĐV cho rằng khi đã có thành tích thì mình đương nhiên sẽ có tên trong danh sách chính thức tham dự một số đại hội thể thao quan trọng. Điều này được thể hiện rất rõ trong việc lựa chọn VĐV tham dự SEA Games 27 đang được giới truyền thông quan tâm.

Tuy vậy, theo quy định của BTC SEA Games 27, môn Bóng bàn chỉ tổ chức các nội dung thi đấu: đồng đội nam, đơn nam, đồng đội nữ và đơn nữ. Do đó, ở các nội dung này đều cần những VĐV xuất sắc nhất tham dự. Theo tính toán của BHL, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và Tổng cục TDTT để có đội hình tham dự hợp lý và đạt hiệu quả chỉ cần 4 VĐV nam, 4 VĐV nữ, điều đó đồng nghĩa với việc từ 8 VĐV theo danh sách dự tuyển ban đầu của đội tuyển sẽ loại 4 VĐV.

Theo đánh giá của giới chuyên môn và BHL, trình độ của các VĐV trong đội dự tuyển nam đều ngang nhau, không có ai quá vượt trội và tất cả các VĐV này đều cho rằng mình đủ điều kiện và hoàn toàn xứng đáng có mặt trong đội hình chính thức tham dự SEA Games 27. Nhưng trong quá trình huấn luyện, có một số VĐV có sự chuẩn bị không tốt, do đó để đảm bảo tính công bằng BHL, Liên đoàn, Tổng cục TDTT quyết định tổ chức thi đấu "nội bộ", nhằm rà soát lại trình độ giữa các VĐV lần cuối để tìm ra 4 gương mặt xuất sắc nhất lên đường tham dự SEA Games 27.

Phải nói thêm rằng, 4 VĐV được lựa chọn sẽ là những VĐV có trình độ tốt nhất ở thời điểm hiện tại (tức trước thời điểm diễn ra SEA Games 27 hơn 1 tháng) chứ không phải những VĐV có thành tích tốt nhất trong quá khứ (thành tích trước đây, hay các giải thi đấu trong năm 2013 của các VĐV chỉ là cơ sở để tuyển chọn VĐV vào danh sách dự tuyển). Đây chính là 1 trong 3 mục đích quan trọng mà lãnh đạo ngành TDTT, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, BHL đội tuyển muốn hướng tới trong đợt tuyển chọn này. Ngoài ra, hai mục đích còn lại chính là tạo cho các VĐV sự nỗ lực trong tập luyện để nâng cao trình độ cũng như đảm bảo yếu tố tâm lý trước khi lên đường tham dự SEA Games 27. Mục đích cuối cùng rất quan trọng đó là việc siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương của các VĐV trong tập luyện cũng như trong thi đấu. Đồng thời, kiên quyết chống lại bệnh "ngôi sao" đối với 1 số VĐV có những tư tưởng không đúng đắn, từ đó khẳng định rằng nếu VĐV nào không tích cực và thiếu ý thức trong tập luyện, thi đấu, chắc chắn sẽ không có tên trong danh sách đội tuyển chính thức tham dự SEA Games 27.       

Ông Vương Bích Thắng cũng khẳng định: Dưới góc độ chuyên môn thì đây là cách làm hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế của Bóng bàn Việt Nam hiện nay. Cách làm này cần được khuyến khích và nên áp dụng đối với một số môn Thể thao khác (những môn thi đấu cá nhân) như Bắn súng, Bắn cung... Đơn cử như môn Quần vợt đã rất thành công trong cách làm này. Môn Quần vợt cách đây vài năm khi chọn đội tuyển chính thức tham dự SEA Games, một số VĐV có tên tuổi và giành được những thành tích nhất định vì thấy tuổi đời lớn và phong độ thi đấu có chiều hướng giảm sút nên đã lùi lại dành cơ hội cho thế hệ các VĐV trẻ tài năng (tuy thời điểm đó chưa có tên tuổi) như Hoàng Thiên, Hoàng Nam, Minh Quân...tham gia tranh tài và những VĐV này đều thi đấu rất ấn tượng và thành công.   

Trở lại với những vấn đề về đội tuyển Bóng bàn nam, khi được BHL, Liên đoàn Bóng bàn và Tổng cục TDTT lựa chọn phương án thi đấu "nội bộ", thì một số VĐV đã từng có thành tích nhất định trong thời gian qua yêu cầu họ phải được đặc cách, tức không tham gia thi đấu tuyển chọn mà vẫn có tên trong danh sách chính thức tham dự SEA Games 27, nếu không một số VĐV đó sẽ không tham gia thi đấu ở các giải sau do Liên đoàn và Tổng cục TDTT tổ chức. Điều này cho thấy ý thức của những VĐV này quá kém. "BHL, Liên đoàn, Tổng cục TDTT yêu cầu các VĐV thực hiện theo phương án đó mà VĐV còn không làm theo thì ai dám đảm bảo khi các VĐV đó sang thi đấu tại SEA Games 27 sẽ chấp hành nghiêm các quy định của đoàn Thể thao Việt Nam". Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho biết.

N. Hương

Ảnh trong bài
  • Bóng bàn Việt Nam: Cần siết chặt lại kỷ cương đối với các VĐV quốc gia