Từ thành công  AIMAG 4 tạo hiệu ứng tích cực cho TTVN đến với sân chơi chính của năm - SEA Games 27  

Thực tế cho thấy, AIMAG 4 là một kỳ Đại hội thành công rực rỡ của đoàn Thể thao Việt Nam, với thành tích 8 HCV, 7 HCB và 12 HCĐ, xếp thứ 3 trong tổng số 44 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự là một minh chứng cụ thể cho sự nỗ lực tuyệt vời của các VĐV Việt Nam tại sân chơi này. Bàn về thành tích giành được, phóng viên Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Lâm Quang Thành - Trưởng đoàn TTVN tại AIMAG 4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.      

AIMAG 4 đã khép lại với thành công ngoài mong đợi của đoàn TTVN, ông có nhận xét gì về điều này?

Đúng như vậy, vị trí thứ 3 toàn đoàn là thành quả rất đáng tự hào của đoàn TTVN ở Đại hội thể thao mang tầm cỡ châu lục. Thành tích này đến từ việc chúng ta đã có sự chuẩn bị rất kỹ về chuyên môn. Kể từ khi chúng ta là nước chủ nhà của AIGames III - 2009, Việt Nam có một lực lượng VĐV đồng đều về chuyên môn ở các môn thể thao trong nhà, đặc biệt là các môn võ thuật. Vị trí thứ 3 toàn đoàn chính là ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của 11 đội tuyển, trong đó có những đội tuyển xuất sắc như Bơi lội, Cờ vua, Kick - boxing...

Chúng ta hãy cùng điểm lại trong số các môn Olympic, AIMAG 4 đã đánh dấu sự thành công của môn Bơi lội Việt Nam với 2 HCV lần đầu tiên giành được ở đấu trường châu Á. Đặc biệt, các VĐV Bơi Việt Nam đã phá tới 9 kỷ lục quốc gia, trong đó riêng VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên phá 4 kỷ lục, Hoàng Quý Phước phá 2 kỷ lục, Duy Khôi 2 kỷ lục, Kim Tuyến phá 1 kỷ lục. Hay, như ở môn Cờ vua, đội tuyển Cờ chớp Việt Nam xuất sắc vượt qua cường quốc mạnh là Trung Quốc. Đây không phải là việc dễ dàng, bởi Trung Quốc không chỉ mạnh ở lực lượng VĐV nam mà còn vượt trội về các nữ kỳ thủ trong đó có Hou Yifan (nhà vô địch cờ tiêu chuẩn nữ ở giải này), có hệ số Elo cao 2560 nhưng đã để thua Phạm Lê Thảo Nguyên trong trận chung kết.

Bên cạnh đó, còn có những thành tích ấn tượng ở các môn thể thao mới du nhập và phát triển ở Việt Nam như Muay (1HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), Kick - Boxing (3 HCV)... Thành tích này sẽ là nguồn động viên lớn cho việc phát triển phong trào các môn thể thao mang tính dân tộc, đồng thời khích lệ tinh thần cho VĐV ở các môn thể thao khác giúp các em tự tin phấn đấu giành thành tích cao hơn.

Trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu tại AIMAG 4, đoàn TTVN có gặp phải khó khăn gì, thưa ông?

Có lẽ, lớn nhất đó chính là vấn đề kinh phí. Bởi, do điều kiện nền kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc tiết kiệm và cắt giảm nhiều chi phí là điều không thể tránh khỏi, do đó số lượng môn và VĐV tham dự có ít hơn, lãnh đạo đoàn phải cân nhắc, tính toán rất kỹ, theo quan điểm "đúng người, đúng việc" nhưng phải đảm bảo yếu tố chất lượng và hiệu quả. 

Việc chấn thương hay bị xử ép luôn là những khó khăn của các đoàn TTVN gặp phải khi tham dự tại các kỳ Đại hội. Đơn cử như võ sĩ Tuyết Mai môn Kick-boxing, trước hôm chung kết mắt Tuyết Mai còn sưng húp và khó mở được nhưng may mắn sáng ngày thi đấu trận cuối cùng, mắt của Tuyết Mai đã tạm phục hồi và được Hội đồng y học, Hội đồng trọng tài, BTC đồng ý cho thi đấu, vượt qua mọi khó khăn Tuyết Mai thi đấu xuất sắc giành được tấm HCV. Hay như trường hợp của võ sĩ Kurash Văn Ngọc Tú, đã kiên cường chiến thắng đối thủ ở 10 giây cuối cùng mặc dù bị trọng tài xử ép... Những nỗ lực đó của các VĐV, các HLV thật đáng biểu dương, điều đó đã góp phần vào thành công chung của TTVN tại AIMAG 4.

Nếu tính toán về số lượng huy chương thì có thể thấy ở khu vực châu Á: Trung Quốc, Hàn Quốc đều là những quốc gia có nền thể thao mạnh ở châu lục cũng như thế giới. Do vậy, nếu các quốc gia này thâu tóm huy chương thì chúng ta sẽ tụt hạng rất nhanh nhưng ở những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam chúng ta có thể nắm chắc những tấm huy chương thì việc dành được vị trí cao tại Đại hội là điều không quá khó khăn. Nhận định được điều này, trước khi tham dự Đại hội, ngành TDTT đã có dự báo và tính toán kỹ lưỡng, nếu chúng ta giành được từ 7 - 9 HCV thì đoàn Việt Nam hoàn toàn có khả năng đứng vị trí thứ hạng cao trong bảng xếp hạng thành tích tại Đại hội.

Thưa ông, bàn về thành tích của đoàn TTVN tại AIMAG 4 có một số dư luận cho rằng TTVN không nên quá ảo tưởng về thành tích, vì chúng ta đem theo đội hình mạnh nhất còn các quốc gia khác hầu hết mang theo lực lượng VĐV hạng II, vậy ông nghĩ sao về điều này?

Đến với AIMAG 4, ngoài mục tiêu về thành tích thì TTVN còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nữa. Từ sân chơi này chúng ta nhằm khuyến khích phát triển phong trào các môn Võ và các môn thể thao trong nhà, đồng thời vừa coi là công cụ, phương tiện để thúc đẩy phát triển TDTT nước nhà. Và cũng chính từ đây, giúp các nhà quản lý, chuyên môn học hỏi những kinh nghiệm tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế lớn (về các thiết bị cung ứng, chế độ VĐV, lề lối nội quy của Đại hội...) từ nước bạn để áp dụng  tổ chức các sự kiện Thể thao lớn ở Việt Nam trong thời gian tới, cũng như tổ chức các đoàn TTVN ra nước ngoài với số lượng môn thi đấu nhiều hơn, lực lượng đông hơn, đa dạng hơn ở quốc gia mà chúng ta ít tới tham dự ví dụ như Myanma chủ nhà của SEA Games 27 sắp diễn ra vào cuối năm nay.

 

Nếu nói là ảo tưởng, có lẽ có sự chủ quan khi nhận xét như vậy. Bởi chúng ta luôn biết rằng, mỗi giải thể thao, mỗi kỳ Đại hội Thể thao tầm châu Á, Đông Nam Á hay thế giới đều có những quy định và mục tiêu, mục đích khác nhau. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, cũng như các ngành nghề khác TTVN sẽ phải hòa nhập, tham gia ở tất cả các sân chơi mang tầm châu Á, thế giới, ngoài nhiệm vụ thi đấu giành thành tích tốt nhất còn rất nhiều nhiệm vụ khác nữa mà TTVN cần phải làm, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quảng bá về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.  

Hãy thử nhìn lại AIMAG4 chúng ta sẽ thấy, số môn trong hệ thống Olympic được lựa chọn thi đấu tại Đại hội này không nhiều, tính chất của nó hoàn toàn khác. Có thể lấy ví dụ: như ở môn Bơi, được biết ở Đại hội này, các VĐV sẽ đua tài ở bể có độ dài 25m chứ không phải 50m, hai thể loại khác nhau nên chiến thuật khác nhau và kỹ thuật sẽ có sự khác biệt, kỹ thuật phân phối sức là khác nhau. Nếu ở sân chơi Asiad và Olympic thì lại có những quy chuẩn riêng về luật cũng như các thiết bị cung ứng và cơ sở vật chất phục vụ cho thi đấu hoàn toàn khác với Đại hội này.

Về mặt lực lượng VĐV, chúng ta chọn những gương mặt ưu tú của từng môn để tham dự Đại hội nhưng chúng ta cũng cần phải biết rõ, môn Muay là đặc trưng của Thái Lan, Kurash là của các nước Trung Á, hay môn Bơi và Cờ đều là những môn mạnh của Trung Quốc nhưng họ đều cử những VĐV hạng A nằm trong đội tuyển quốc gia tham dự đó thôi. Đơn cử như: VĐV Zhou Yanxin (Trung Quốc), đây là VĐV đã giành tới 5 HCV, phá 5 kỷ lục của Đại hội ở các nội dung: 4x100m tiếp sức hỗn hợp, 100m hỗn hợp, 100m ngửa, 4x100m tiếp sức tự do, 50m ngửa nhưng đến nội dung 200m hỗn hợp thì Zhou Yanxin đã phải chịu đứng sau Ánh Viên, chỉ với thành tích là 2 phút 10 giây 36, trong khi Ánh Viên là 2 phút 10 giây 05. Zhou Yanxin là VĐV dày dạn kinh nghiệm và hơn Ánh Viên ít nhất là 6 năm tập luyện thể thao đỉnh cao, trong khi Ánh Viên mới chỉ tập luyện đỉnh cao gần 3 năm nay. Đặc biệt Zhou Yanxin là VĐV từng đoạt HCĐ thế giới ở nội dung 200m ngửa tại Giải vô địch thế giới bể bơi 25m, tổ chức ở UAE ngày 17.12.2010.

Ở môn Cờ vua, kỳ thủ Ding Liren đã từng thắng Quang Liêm ở trận bán kết cờ nhanh và cũng thắng Quang Liêm ở vòng bảng cờ chớp, cuối cùng đã chịu thất bại trước Quang Liêm trong ván cờ quyết định ở trận chung kết...

Nói như vậy để thấy, khi đánh giá hay nhận định vấn đề chúng ta nên có cách nhìn rộng hơn, bao quát hơn. Và cũng tùy vào từng cách tiếp cận vấn đề để chúng ta có sự nhìn nhận chuẩn xác và cụ thể hơn. Nếu đem so sánh các sân chơi thể thao hay trình độ của các VĐV thì dù ở hoàn cảnh nào cũng trở nên khập khiễng, mỗi sân chơi đều có quy chuẩn riêng và mỗi VĐV đều có những tố chất và thông số chuyên môn riêng.

Theo định hướng của ngành TDTT, Sea Games 27 là mục tiêu chính của TTVN hướng đến trong năm 2013, vậy thành công từ AIMAG 4 có sức ảnh hưởng nào không khi thời gian từ nay cho đến ngày hội Thể thao lớn nhất ĐNA đang đến gần?

Xét ở một khía cạnh nào đó, về mặt lý thuyết AIMAG4 rõ ràng hơn hẳn SEA Games về số lượng các nước tham dự và yêu cầu về mặt trang thiết bị phục vụ thi đấu. Việc có được thành tích cao tại AIMAG 4 sẽ tạo nhiều hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý cho các VĐV Việt Nam. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm tích lũy được từ các đấu trường châu lục sẽ làm hành trang bổ ích giúp các VĐV Việt Nam thi đấu xuất sắc tại sân chơi khu vực.

Có thể nói, AIMAG 4 chính là bước tạo đà hữu ích giúp TTVN tự đánh giá và nhìn nhận rõ nét về vị trí, trình độ của mình tại sân chơi châu lục. Từ đó, đưa ra những nhìn nhận, đánh giá lực lượng chuẩn xác nhất trước khi chúng ta bước vào sân chơi chính mà ngành Thể thao nước nhà hướng đến trong năm 2013 là SEA Games 27.

Vân Anh - Nguyệt Hương 

Ảnh trong bài
  • Từ thành công  AIMAG 4 tạo hiệu ứng tích cực cho TTVN đến với sân chơi chính của năm - SEA Games 27