Những giá trị từ việc đăng cai ASIAN Games sẽ không mất đi

Nhân dịp Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội, Báo Văn Hoá đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic VN, Hoàng Vĩnh Giang, một trong những người đã tham gia vào quá trình vận động giúp Việt Nam nhận được quyền đăng cai SEA Games 22 năm 2003, Asian Indoor Games 3 - 2009, Asian Beach Games 5 2016 và Asian Games 18 năm 2019.

PV: Thưa ông, trong cuộc trả lời chất vấn tại Quốc hội vào ngày 13.6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của các đại biểu, trong đó có cả việc VN giành quyền đăng cai Asian Games 18-2019, vậy ông nghĩ sao về điều này?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi rất vui vì mặc dù không phải là một nhà thể thao nòi nhưng Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trả lời rất thấu tình đạt lý. Những chất vấn về công việc của ba ngành trong đó có TDTT, những chia sẻ của Bộ trưởng rất thực tế, rất xát. Tôi rất tâm đắc với ý kiến là một dân tộc như Việt Nam bỏ ra 150 triệu USD là một việc cần thiết và nếu phải đầu tư gấp nhiều lần cũng là cần thiết để có một cú hích lịch sử. Phải nói thẳng là ý tưởng đăng cai Asian Games không phải do tự nhiên mà có. Đây là một trong các đề án đã được đưa vào Chiến lược phát triển TDTT của Việt Nam đến năm 2020 do Chính phủ phê duyệt, đã được Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Khóa 11 khẳng định. Chính phủ còn phê duyệt Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định huớng đến 2030,quy hoạch tổng thể thủ đô hà nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 và nhất là Kế hoạch đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại đến năm 2020.

Để đạt mục tiêu này, nước ta còn phải đối đầu với nhiều khó khăn nhưng ngoài những kế hoạch đầu tư phát triển cho từng vùng miền thì với Hà Nội việc đầu tư riêng cho giao thông đến năm 2020 để hoàn thiện 7 tuyến đường cao tốc qua thủ đô, 8 cây cầu xây mới qua sông Hồng, sông Đà và sông Đuống, hoàn thiện vành đai 3 đã và đang triển khai một kế hoạch với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 20.4 tỷ USD (bằng nhiều nguồn khác nhau). Nếu tính một cách giống như nhiều Đại hội thể thao nguời ta thuờng tính gộp tổng đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị cho sự kiện thì đúng như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói có thể coi Asian Games 18 năm 2019 lớn hơn nhiều con số 150 triệu USD – chi cho việc tổ chức và xây dựng một số công trình thể thao cần thiết. Con số nói trên có thể là 150 triệu USD + sân đua xe đạp lòng chảo (bằng nguốn vốn đầu tư nước ngoài khoảng gần 500 triệu USD), làng VĐV cũng khoảng 200 triệu USD (vốn XHH )+ tổng ngân sách địa phuơng đầu tư xây dựng Khu liên hợp Asiad Hà Nội tại Cổ Loa, Đông Anh do thành phố Hà Nội chủ trì và đầu tư vừa phục vụ cho việc đăng cai một vài môn thể thao mới theo sự phân công của chính phủ và từng buớc xây mới khu liên hợp thể thao của thủ đô phục vụ cho sự phát triển của bờ đông-bắc sông Hồng và +kinh phí nâng cấp duy tu bảo dưỡng các công trình đã xây dựng từ SEA Games 22 và Asian Indoor Games 3 tại 15-16 tỉnh, thành vệ tinh quanh Hà Nội (nếu không đầu tư sẽ xuống cấp và sẽ là một thảm họa về sự lãng phí) = hơn 20 tỷ USD

PV: Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng nói về khả năng Việt Nam còn phải tiến tới đăng cai Olympic, thưa ông?

Cá nhân tôi chưa bao giờ có đủ dũng khí để đoán rằng bao giờ Việt Nam có cơ hội đó. Tôi chỉ biết rằng còn lâu lắm song tôi rất thán phục về sự lạc quan và mạnh dạn của Bộ truởng và tôi xin khẳng định nếu ai đó nghĩ rằng đấy là chuyện khôi hài thì tôi vạn lần không tán đồng vì ta còn nhớ khi Nhật và Hàn Quốc đăng cai Olympic, họ không hơn Việt Nam ở thời điểm hiện nay nhiều đâu. Chỉ có điều ý tưởng bơi ra biển lớn của những con người dám nghĩ, dám làm đó đã được sự ủng hộ của đại đa số nhân dân nuớc họ và kết quả là ngày nay Nhật Bản và Hàn Quốc là hai cường quốc về kinh tế phát triển, riêng về thể thao ở châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Asian Indoor Games chỉ có 3 tuổi rồi chết yểu?

Đó là sự suy diễn do thiếu thông tin, tôi cũng cho rằng đây là việc nhỏ. Xin thưa rằng Asian Indoor Games không biến mất mà nó được ghép với Asian Martial Arts Games để đỡ tốn kinh phí hơn, đỡ mất thời gian hơn khi mà tại châu Á có thêm nhiều đại hội; đấy là kết quả của sự năng động và sáng suốt của Uỷ ban Olympic Châu Á

PV: Cũng trong buổi trả lời chất vấn nói trên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có chia sẻ rằng Huân tước Stephen Green - Quốc vụ khanh Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh đã khen HN đẹp và dự đoán trong tương lai HN có thể trở thành chủ nhà của một kỳ Thế vận hội? Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi là người Hà Nội, nên nhận định về Hà Nội không tiện, có lẽ để người nước ngoài nhận xét thì chắc là khách quan hơn. Với tư cách là một công dân tôi rất tự hào bởi ngoài việc là một thủ đô vì hòa bình, đẹp một cách cổ kính, một trong những thủ đô với hơn 1000 tuổi – ngàn năm văn hiến, nơi có tốc độ phát triển chóng mặt, Hà Nội còn là một thủ đô-một thành phố chiếm kỷ lục về việc sở hữu nhiều bài hát, bài thơ về mình. Riêng về những yếu tố làm cho vị Huân tước kia nhận định là trong một tương lai nào đó Hà Nội có thể trở thành chủ nhà của một kỳ Olympic là rất bình thường, tại sao không? Nó ở thì tương lai mà. Hãy thử làm những người biết thời thế và hãy để cho thế hệ sau đánh giá thế hệ đi trước là những cô, chú, bác biết nhìn xa trông rộng...

PV: Ông nghĩ gì về việc có người cho rằng không nên đăng cai ASIAD vì dân ta còn nghèo, trình độ thể thao thành tích cao của chúng ta ngày càng đi xuống?

Đảng và Chính phủ không phải không biết dân ta còn nghèo vì thế việc xoá đói giảm nghèo có lúc nào lơ là đâu. Còn việc nói là đừng tổ chức ASIAD 18 để dân ta bớt đói nghèo thì tôi cho rằng có vẻ hơi quá lo xa. Bởi nếu không nâng cấp các cơ sở vật chất từ thời SEA Games năm 2003 và Asian Indoor Games 3-2009 thì các công trình sẽ xuống cấp và đó mới thực sự là một sự lãng phí. Còn các Quy hoạch phát triển đất nước cho các vùng miền, từng thành phố cần tiến hành để đến năm 2020 VN trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại thì nếu không đăng cai Asian Games, các công việc đó vẫn đang được triển khai.

Asian Games có làm cho dân ta nghèo đi hay không? Thật khó nói ở thời điểm này vì có một cách tiếp cận khác là Asian Games giúp cho huy động tiềm năng đất nước một cách tổng lực, nâng cao vị thế của đất nước, giúp phát triển, thu hút đầu tư, du lịch.quảng bá về nhiều mặt như kinh tế, du lịch giúp Việt Nam được nối tiếng hơn về đất nước con người. Tôi cho rằng người dân sẽ có cơ hội được hưởng thụ nhiều hơn về mặt tinh thần, được tự hào hơn về quê huơng đất nước, về truyền thống lịch sử và chắc rằng việc đăng cai Asian Games không làm người dân nghèo đói vì những chi phí dùng cho ASIAD không biến mất hết mà phần lớn còn để lại cho thế hệ sau đó là những cơ sở để sử dụng nhằm nâng cao sức khoẻ toàn dân vì mục tiêu "dân cường thì nước thịnh", như lời Bác Hồ dạy.

PV: Vấn đề về chuyên môn của ASIAD thì sao thưa ông?

Đây là vấn đề còn có nhiều cách nhìn khác nhau. Có người cho rằng thể thao thành tích cao của Việt Nam ngày càng đi xuống, tôi không thể hoàn toàn tán đồng, đúng là có những môn, những mặt chúng ta còn chậm trễ nhưng chúng ta có những thành tựu không cho phép bất kỳ ai đánh giá một cách phiến diện. Sau 20 năm hội nhập TTVN đã vững vàng ở Top 3 ĐNÁ, chúng ta đã có nhiều VĐV hàng đầu thế giới, châu lục mà truớc đây chúng ta chưa có. Thành tích 18 VĐV của 11 môn Olympic lọt qua vòng loại để tham dự Olympic London 2012 là một thành tích đánh dấu chúng ta có sự đột phá hơn trước. Chúng ta có những Ánh Viên, Hoàng Ngân, Tiến Minh, Trường Sơn, Xuân Vinh... cùng hàng loạt những VĐV trẻ khác là sự đảm bảo cho thành tích tại Asian Games 18. Chúng ta sẽ đạt chỉ tiêu 10-15 HCV để ít nhất có vị trí thứ 10.

PV: Ông có suy nghĩ gì về Chương trình mục tiêu quốc gia?

Chương trình này chỉ chính thức hoạt động 5 năm (từ 1998 đến 2003) chứ không phải là 10 năm như một vài người nhớ nhầm. Lúc đó ông Nguyễn Đình Khoái, Cố Vụ trưởng Vụ TTTTC1 cùng Lãnh đạo các Sở TDTT thực hiện Chương trình quốc gia này; chuơng trình đuợc dành cho hai đối tượng. Thứ nhất cho những VĐV trọng điểm của một số địa phương. Khi đó là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội tôi còn nhớ rất rõ một năm riêng Hà Nội ký hợp đồng và được hưởng khoảng 700-800 triệu. Phần thứ hai là dành cho một số tỉnh, thành để phát triển VĐV không nhằm phục vụ cho SEA Games 2003.

Kinh phí này Vụ TTTT Cao ký hợp đồng với lãnh đạo các địa phương theo nguyên tắc phải trả 20% số sản phẩm là những VĐV mà địa phuơng có nghĩa vụ phải trả cho Vụ TTTT Cao. Số VĐV đạt tiêu chuẩn theo hợp đồng là những VĐV sẽ đuợc Vụ bổ xung vào các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia. Tôi còn nhớ ông Khoái luôn hài lòng về việc Hà Nội luôn có tỷ lệ "giao nộp sản phẩm cao-50% trở lên. Do đó giá trị của Chương trình quốc gia này là vô cùng quý nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nó chỉ mới mang ý nghĩa kích cầu,"mồi" cho các tỉnh, thành, ngành đầu tư vào công tác đào tạo VĐV cho SEA Games 2003 (vì 800 triệu mà HN ký hợp đồng với vụ TTTT Cao chỉ là phần bổ xung quý giá cho kinh phí hàng chục tỷ của địa phương đầu tư cho SEA Games. Từ nay đến cuối năm 2019 còn hơn 6 năm, Chương trình quốc gia rất cần sớm đề xuất xin Chính phủ, và chắc rằng lần này sẽ xin một chuơng trình tuơng xứng với mục tiêu là Asiad với sự đầu tư có trọng điểm hơn lần trước.

Xin cảm ơn ông.

Theo Báo Văn Hoá

Ảnh trong bài
  • Những giá trị từ việc đăng cai ASIAN Games sẽ không mất đi