Định hướng công tác TDTT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội của Đảng

Dựa trên quan điểm, định hướng về TDTT trong văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, là một lĩnh vực văn hóa, giáo dục, một chính sách xã hội, đồng thời là một lĩnh vực dịch vụ, công tác TDTT góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Cụ thể là: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”; phấn đấu để trở thành một “động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. ... xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh”, như Đại hội XI của Đảng đã đề ra.

Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hoá, xã hội. Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể,...”. “Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc”. “Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao đại chúng, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng một số môn thể thao thành tích cao nước ta có ưu thế. Kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao”.

Theo định hướng trên, công tác thể dục thể thao cần tiếp tục đổi mới, tạo nền tảng về các mặt cho những bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc của sự nghiệp thể dục thể thao vào năm 2020, khi nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

  * Thành tựu

- Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển sâu, rộng trên địa bàn cả nước; các hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức đa dạng, với nhiều nội dung phong phú, thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học có nhiều chuyển biến tích cực.

-Thể thao thành tích cao có bước phát triển, thành tích một số môn đạt được trình độ châu Á và thế giới. Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên được quan tâm và đầu tư đúng mức, thành tích thể thao được duy trì, nhiều môn thể thao có bước phát triển, như: thể dục dụng cụ, bắn súng, bơi lội...

- Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho thể dục thể thao từng bước được nâng cấp và xây dựng mới. 

- Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, mở rộng, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao.

 * Những hạn chế  

- Việc thể chế các văn bản của Đảng về công tác thể dục thể thao chưa đảm bảo tiến độ quy định; công tác giáo dục đạo đức chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên chưa được tiến hành thường xuyên.

- Phong trào thể dục thể thao phát triển, song các chính sách phát triển TDTT quần chúng chưa đồng bộ.

- Ở một số cơ sở công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa quan tâm đúng mức.

- Thành tích một số môn thể thao có dấu hiệu chững lại; các hiện tượng tiêu cực, vi phạm đạo đức thể thao còn nhiều, nhất là trong bóng đá…  

* Nhiệm vụ trọng tâm năm 2013

Năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”, Thể thao Việt Nam cần tập trung vào những nhiệm vụ chính:

- Tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020, với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm.

- Đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng: chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp, tiến tới chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014; tổ chức các giải, hội thi thể thao quần chúng và tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ làm công tác thể dục thể thao quần chúng; chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao khuyết tật Đông Nam Á lần thứ VII (Paragames VII); giải Vovinam thế giới; giải Vovinam Đông Nam Á; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ V tại Việt Nam...

- Thể thao thành tích cao tập trung vào chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 27 năm 2013 tại Myanmar, Đại hội thể thao võ thuật và trong nhà Châu Á tại Hàn Quốc…; rà soát lực lượng vận động viên toàn quốc để lựa chọn đào tạo lực lượng vận động viên thi đấu tại ASIAD 2014, 2019, Olympic 2016; triển khai kế hoạch chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016, Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại Việt Nam...

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, đạo đức, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao;

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao;

- Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học theo hướng khoa học công nghệ thể dục thể thao để phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đào tạo cán bộ, tuyển chọn, huấn luyện vận động viên…;

- Mở rộng quan hệ quốc tế với các nước có nền thể thao phát triển

Phan Thanh Cẩm (Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo TW)

 

Ảnh trong bài
  • Định hướng công tác TDTT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội của Đảng