Nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp triển khai công tác TDTT quần chúng năm 2013

Trong những năm qua, hoạt động thể dục thể thao quần chúng được phát triển với những bước đi vững chắc, ổn định và có chiều sâu, công tác xã hội hoá TDTT ở địa phương đã có những bước phát triển đáng kể và ngày càng được đẩy mạnh. Với mục tiêu khuyến khích vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào các hoạt động TDTT, những người làm công tác TDTT đã và đang rất nỗ lực vì sự phát triển một nền Thể dục thể thao mang tính nhân dân, khoa học và đại chúng.

Phát triển các môn thể thao dân tộc (Ảnh: CTV)
Năm 2012 là năm thứ 2 thực hiện chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 của Chính phủ, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 và các Chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, Nhà nước, công tác TDTT quần chúng ngày càng được các cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm, chú trọng. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2012 ngành TDTT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, tổ chức vận động, hướng dẫn phát triển thể dục thể thao quần chúng trên phạm vi toàn quốc góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Những kết quả đã đạt được

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020 đã được các địa phương hưởng ứng gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, vận động người dân tự chọn một môn thể thao hoặc một hình thức tập luyện phù hợp đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đưa tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên trên toàn quốc khoảng 22.176.300 nghìn người đạt 25,49%, số gia đình thể thao là 2.919.621 đạt 16,6%.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng hơn tới các hoạt động TDTT ở cơ sở cấp xã phường thị trấn, huy động được nhiều đối tượng tham gia vào các loại hình hoạt động TDTT. Số Câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở tăng đáng kể ước đạt 45.080 CLB. Số giải thể thao quần chúng được tổ chức nhiều hơn năm trước với 39.105 giải.

Các địa phương cũng đã quan tâm tới việc phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bắt vịt, chạy cà kheo, pháo đất, bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, tù lu, tung còn, lân sư rồng....

Một số địa phương có điều kiện đã quan tâm phát triển một số môn thể thao giải trí mới như Leo tường giả, Vũ đạo giải trí, Mô tô nước, Dù lượn, Diều bay có động cơ, Ô tô địa hình, Câu cá Thể thao, E-Sport... kết hợp việc kinh doanh dịch vụ một số môn thể thao giải trí tại các khu du lịch là các hoạt động lành mạnh đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhân dân quan tâm tới các môn thể thao mới, hiện đại.

Nhiều Bộ, ngành đã tích cực triển khai các hoạt động TDTT cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động  trong năm 2012 như ngành Y tế, Hội nhà báo,Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân và một số Tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động thực hiện giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường. Năm 2012, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công nhiều hoạt động như Hội khỏe Phù Đổng các cấp và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tại Cần Thơ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết 4 năm công tác giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường đang tích cực triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ về giáo dục thể chất và thể thao nhà trường và các giải thi đấu thể thao khác.      

Lực lượng vũ trang đã duy trì tốt việc kiểm tra thể lực chiến sỹ khoẻ hàng năm trong Quân đội và Công an. Bộ Quốc phòng đã tổ chức tốt Hội thao TDTT toàn quân năm 2012. Bộ Công an tổ chức Hội thao với nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Công tác TDTT quần chúng năm 2012 đã có những bước phát triển mới chắc chắn, tuy nhiên phong trào TDTT quần chúng giữa các vùng, miền phát triển chưa đồng đều, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi các điều kiện dành cho TDTT còn thấp, các công trình TDTT công cộng cho người dân còn thiếu nhiều và lạc hậu. Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường còn nhiều bất cập. Thể thao trong các đối tượng lao động xã hội còn chưa được quan tâm đúng mức nhất là trong các khu công nghiệp tập trung. Thể thao cho người khuyết tật còn chưa được quan tâm ở các địa phương, cơ sở. Công tác xã hội hoá các hoạt động Thể dục thể thao quần chúng đã được quan tâm nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Năm 2013 là năm thứ 3 thực hiện chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 của Chính phủ, năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW  ngày 1 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, cũng là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch tổ chức cuộc vận động toàn dân Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012-2020 và là năm toàn ngành triển khai tổ chức Đại hội TDTT các cấp từ cơ sở đến cấp tỉnh với định hướng:

Phát triển đồng bộ thể dục, thể thao trong trường học, trong lực lượng vũ trang với phong trào thể dục, thể thao quần chúng ở xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu và vui chơi giải trí của các đối tượng nhân dân trên các địa bàn trong cả nước.

Tăng cường quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với giáo dục thể chất bắt buộc; đồng thời tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia để phát triển thể thao cho mọi người, đẩy mạnh phát triển các môn thể thao dân tộc, nhất là trong lực lượng thanh thiếu niên, học sinh.

Thực hiện xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao, kết hợp việc kinh doanh thể dục, thể thao với công tác cung ứng dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về thể dục thể thao quần chúng. Tăng cường giao lưu về Thể thao dân tộc với bạn bè quốc tế nhằm giới thiệu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian Việt Nam ra nước ngoài, góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với định hướng đó, trong năm 2013, viêc phát triển công tác TDTT quần chúng được xác định với 7 nhiệm vụ trọng tâm đó là:

- Tập trung nghiên cứu soạn thảo các văn bản QPPL và văn bản quản lý nhà nước về TDTTQC trong đó đề xuất nội dung  sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao năm 2006 được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất, đồng thời triển khai xây dựng một số đề án khác về TDTTQC .

- Triển khai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội TDTT cấp xã, huyện, tỉnh tiến tới Đại hội TDTT TQ lần thứ VII-2014.

- Khai thác, phổ biến các môn thể thao dân tộc, các trò chơi vận động dân gian tại các vùng miền của các dân tộc; xây dựng đề án về Giữ gìn và phát triển Võ cổ truyền dân tộc trình lãnh đạo phê duyệt.

- Tổ chức và phối hợp tổ chức các giải thể thao quần chúng, các lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên các môn thể thao dân tộc, thể thao giải trí theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, trong đó trọng điểm là Hội thi thể thao dân tộc miền núi toàn quốc ở hai khu vực; Đại hội thể thao học sinh Đông nam Á 2013 tại Việt nam.

- Phối hợp với Liên đoàn Vovinam Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức tuyển chọn, tập huấn đội tuyển Vovinam Việt Nam tham dự các giải Vô địch Vovinam thế giới lần thứ III tại Pháp, giải Vô địch Vovinam Đông nam Á lần thứ II tại Campuchia, môn Vovinam tại SEAGames 27  tại Myanmar.

- Chuẩn bị lực lượng VĐV thể thao người khuyết tật thi đấu tại Para Games 2013

- Phối hợp với các hiệp hội, liên đoàn thể thao và các tổ chức tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng; thi đấu các môn thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội và tạo thói quen hoạt động, vận động hợp lý suốt đời cho nhân dân.

6 giải pháp thực hiện

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, cần triển khai thực hiện 6 giải pháp, cụ thể:

- Tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển phong trào thể dục, thể thao trong toàn ngành TDTT. Đồng thời tham mưu, tổ chức theo dõi đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ chính trị; Chiến lược phát triển TDTT đến 2020; Kế hoạch thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”giai đoạn 2012-2020; Hướng dẫn số 2500 về tổ chức Đại hội TDTT các cấp của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch.

- Tăng cường công tác thông tin – truyền thông trong cộng đồng xã hội về tác dụng, lợi ích của luyện tập thể dục, thể thao và trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người đối với sự nghiệp nâng cao sức khỏe bồi dưỡng nhân lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa trong đó có chương trình đầu tư về xây dựng thiết chế Văn hóa -Thể thao cơ sở và bảo tồn phát triển các môn thể thao dân tộc; Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào thể dục, thể thao vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

- Đi sâu, đi sát cơ sở nghiên cứu tìm biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc củng cố và tăng cường xây dựng hệ thống thiết chế về Văn hóa – Thể thao cơ sở, phổ biến xây dựng câu lạc bộ thể dục, thể thao cơ sở, mô hình điểm về phát triển thể dục, thể thao quần chúng đối với từng vùng, miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau.

- Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa ở các địa phương. Tuyên truyền phổ biến hướng dẫn mọi đối tượng quần chúng tập luyện, tham dự thi đấu thể dục, thể thao trong các câu lạc bộ từng môn hoặc nhiều môn thể thao được thành lập, hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, xã, phường và thị trấn.

 - Thực hiện nghiêm túc Luật cán bộ, công chức; nội quy, quy chế làm việc của Bộ, Tổng cục và của đơn vị, động viên cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, đổi mới phương pháp làm việc. Tích cực phòng và chống tham nhũng, lãng phí trong việc tổ chức các hoạt động TDTTQC. Nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, năng lực công tác quản lý, học tập nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công tác của Thể dục thể thao trong giai đoạn mới hiện nay. Tăng cường tính chủ động, đoàn kết, phối hợp giúp đỡ nhau công tác trong Vụ và phối hợp tốt với các Vụ, đơn vị trong Tổng cục và Bộ để hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Vũ Trọng Lợi (Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng)

Ảnh trong bài
  • Nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp triển khai công tác TDTT quần chúng năm 2013