Khoa học - công nghệ thể thao và tầm nhìn Olympic

Khoa học – công nghệ TTVN phục vụ cho Đại hội thể thao Olympic là một thử thách lớn. Đây là kết quả phối hợp giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học, bác sĩ thể thao và huấn luyện viên, vận động viên. Trong bài viết này chỉ trình bày cách tìm lời giải về khoa học – công nghệ đối với một môn thể thao trọng điểm.

Khoa học – công nghệ thể thao và tầm nhìn đến Đại hội thể thao Olympic là hoàn toàn mới. Vì từ khi thành lập ngành đến này, khoa học – công nghệ thể thao, y học thể thao chỉ có tầm nhìn mang tính chất chung: góp phần nâng cao thành tích thể thao. Trong những năm qua đã làm được một số việc như: Nghiên cứu về chiến lược phát triển ngành; Nghiên cứu về xã hội học, kinh tế học thể dục thể thao; Sử dụng công nghệ cao nghiên cứu số ít vấn đề về sinh lý học, sinh cơ thể thao; Điều tra đánh giá thể chất từ 6 – 60 tuổi; Đề xuất đề án tổng thể phát triển thể lực người Việt Nam; Nghiên cứu số trình độ tập luyện của số ít vận động viên; Nghiên cứu về chấn thương, dinh dưỡng và bổ sung dinh dưỡng; Thực hiện các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ Sea Games 22 và AIG III; Đào tạo nghiên cứu sinh; Xuất bản tạp chí “Khoa học thể thao”... Một khối lượng công việc không nhỏ của khoa học công nghệ và y học thể thao đã góp phần phát triển ngành thể dục thể thao. 

Tuy nhiên, tầm nhìn đến Olympic lại là vấn đề hoàn toàn khác, là một thử thách rất lớn đối với khoa học – công nghệ thể thao Việt nam, đối với khoảng 130 tiến sĩ khoa học trong ngành, đối với các nhà quản lý và huấn luyện viên thể thao. Chưa kể tới 10 môn thể thao trọng điểm loại 1, giả thiết Tổng Cục thể dục thể thao chỉ yêu cầu khoa học - công nghệ có tầm nhìn đến Olympic cho một môn cử tạ, ta đã thiếu nhiều lời giải. Đây là những lời giải tổng hợp, cần thiết của các nhà quản lý, các nhà khoa học (trong đó có các nhà y học thể thao) và các huấn luyện viên từ cấp trung ương tới cấp tỉnh thành, ngành, không thể chỉ là lời giải riêng của các nhà khoa học. Dưới đây chúng tôi chỉ nêu lên một số ít vấn đề cần có lời giải về khoa học công nghệ đối với môn cử tạ để mong đạt được huy chương thường xuyên trong các Đại hội thể thao Olympic. 

Thứ nhất, sau “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020”, môn cử tạ cần có chiến lược phát triển (quy hoạch) trong mỗi chu kỳ Olympic, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (từ trung ương tới địa phương, ngành đều cần có). Các nội dung tối thiểu cần đưa vào chiến lược là:

1/ Thực trạng và dự báo thành tích của các vận động viên trong, ngoài nước;

2/ Các dữ liệu khoa học công nghệ về trình độ tập luyện của từng VĐV;

3/ Công tác tuyển chọn, huấn luyện và thi đấu (trong đó có kế hoạch huấn luyện và thi đấu);

4/Công tác nghiệp vụ bao gồm các nội dung báo cáo, các nội dung tổng kết từng năm và 4 năm; Đề xuất từng hạng mục kinh phí và nguồn kinh phí.

 Đây là tài liệu quan trọng, cần được chuẩn bị công phu và  lưu trữ bằng công nghệ thông tin của môn thể thao trọng điểm. 

Thứ hai, Hệ thống tuyển chọn năng khiếu thể thao môn tử tạ. Những nội dung chủ yếu cần có là:

1/ Các giai đoạn tuyển chọn và nội dung, tuyển chọn của từng giai đoạn.

2/ Tổ chức cơ sở tuyển chọn và số lượng vận động viên (CLB trường học, CLB nghiệp dư, các trường hoặc trung tâm huấn luyện cấp tỉnh thành, ngành, cấp trung ương …). Các tiêu chuẩn tuyển chọn ở từng giai đoạn cần có là:

- Về hình thái cơ thể (ví dụ, đối với nam 16 – 17 tuổi chỉ số tỷ lệ giữa thể trọng/ chiều cao thân thể tính bằng g/cm quá 360 – 380; tỷ lệ giữa cánh tay/ cẳng tay khoảng 1,28; tỷ lệ giữa đùi/cẳng chân phải khoảng 1,18 …). Nhìn chung yêu cầu tứ chi ngắn, vai rộng, thân trên ngắn, tráng kiện, cơ bắp phát triển chắc, tinh hoàn to, tránh phát dục sớm..

- Tố chất thể lực: nhanh, mạnh, bền, mềm dẻo, linh hoạt khéo léo. Ví dụ, độ mềm dẻo ( độ linh hoạt khớp vai) của VĐV 12 – 13 tuổi đối với nam cần có góc độ khớp vai 1800 và vươn ra sau không quá 5 0; khớp cổ chân không quá 850

- Kỹ thuật chuyên môn: Cách đánh giá khi sơ tuyển; Cách đánh giá khi đã tập 3 – 4 năm trở lên cần ghi hình và phân tích kỹ thuật 3 D những thông số sau ở các lần cử tạ quan trọng hoặc thi đấu: 1/ Sự cân bằng giữa hai vai, hai đầu tạ khi cử; 2/ Phân tích quỹ đạo của tạ và sự ổn định gia tốc, tốc độ so với thời gian; 3/ Sự ảnh hưởng của tốc độ đối với sự ổn định trọng tâm cơ thể; 4/ Sự biến đổi cột sống; 5/ Quỹ đạo vùng vai, lưng và tính ổn định của lực; 6/ Quy luật biến đổi của các khớp khi cử tạ; 7/ Quy luật biến đổi tư thế và kỹ sảo phát lực của hai môn cử giật, cử đẩy với các trọng lượng khác nhau.

- Đánh giá nhận xét về phẩm chất ý chí, chọn lựa về loại hình thần kinh. 

Thứ ba, kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện trong quá trình huấn luyện, chuẩn bị thi đấu và một số vấn đề có liên quan. Những nội dung chính cần kiểm tra đánh giá đối với VĐV cử tạ ở giai đoạn thành tích thể thao cao cần bao gồm:

- Kiểm tra đánh giá chức năng cơ thể VĐV bằng các chỉ tiêu sinh lý – sinh hóa (hệ thống tim mạch, hệ thống miễn dịch, hệ thống nội tiết tố, hệ thống vận chuyển O2 và tình trạng thiếu máu, hệ thống thần kinh và cảm giác, hệ thống chịu tải của cơ bắp và tổn thương tổ chức, hệ thống trao đổi năng lượng vật chất, hệ thống trao đổi năng lượng ưa khí và yếm khí). Đối với từng môn thể thao, ta chọn một số chỉ tiêu chính, một số chỉ tiêu phụ để kiểm tra bổ sung, nhận xét tổng hợp. Đối với môn cử tạ có thể chọn mấy chỉ tiêu chính sau:

(1) Chỉ số testosterone/cortisol trong máu (kiểm tra vào sáng sớm), nếu không quá 25-30% mức bình thường tức là tập luyện không quá tải hoặc trạng thái thi đấu tốt (không cần điều chỉnh kế hoạch huấn luyện).

(2) Chỉ số Axit lactic trong máu ngay sau buổi tập nặng có thể đạt trên 15mmol/l, nhưng hồi phục nhanh trong vòng 8-10g trở lại bình thường (1-2mmol/l, trước thi đấu 3 mmol/l) phản ánh năng lực trao đổi chất ưa khí tốt. Cần chú ý VĐV cấp cao môn cử tạ ở tùy từng thời kỳ, có thể phải tập nặng từ 3-5 buổi mỗi tuần (sắp xếp huấn luyện trong tuần của VĐV cử tạ không như nhiều môn khác).

(3) Chỉ số Hemoglobin ở nam VĐV từ 120-160g/l, ở nữ 110-150g/l. Sau buổi tập nặng khoảng 24g phải hồi phục, không thấp hơn chuẩn này.

- Kiểm tra đánh giá tố chất thể lực và thành tích thi đấu (bằng nhiều loại test chuyên môn).

- Kiểm tra đánh giá kỹ thuật (như đã trình bày ở trên).

- Kiểm tra đánh giá các giải pháp tâm lý dùng để điều chỉnh tâm lý.

- Kiểm tra đánh giá dinh dưỡng và bổ sung dinh dưỡng.

- Kiểm tra Doping.

- Kiểm tra đánh giá hiệu quả ứng dụng mới các thiết bị bổ trợ huấn luyện sức mạnh bột phát.

 Chỉ tính riêng đối với môn cử tạ, nếu khoa học công nghệ và y học thể thao đạt tầm nhìn đến Đại hội Olympic đã biết bao vấn đề thiếu lời giải. Muốn đạt đến tầm nhìn cao nhất thế giới, ta phải thay đổi như: nhận thức, quản lý, đầu tư, tổ chức khoa học công nghệ…Trong đó, vấn đề cực kỳ quan trọng liên quan tới công tác tuyển chọn và động lực của VĐV là xã hội phải coi thể thao thực sự là một nghề, VĐV thể thao thành tích cao có thành tích thi đấu xuất sắc, sau khi thôi nghề cần được đảm bảo tương lai tốt, ổn định như theo mọi nghề khác. Đây cũng chính là một vấn đề quan trọng  trong khoa học quản lý. 

GS.TS.Dương Nghiệp Chí, TS. Vũ Thái Hồng - Viện KHTDTT
(Theo Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế "Phát triển thể thao - tầm nhìn Olympic"

Ảnh trong bài
  • Khoa học - công nghệ thể thao và tầm nhìn Olympic