Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý VHTTDL: “Hào hùng trong quá khứ, vững vàng trong hiện tại và xán lạn ở tương lai”

Năm 2012, Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tròn 35 tuổi. Ba mươi lăm năm, trải qua bao thăng trầm, biến động với bốn lần đổi tên, ba lần di dời trụ sở, hết chia tách, lại sáp nhập..., song trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với sự đồng tâm hiệp lực của các thế hệ lãnh đạo cán bộ, giảng viên, nhà Trường đã không ngừng vươn lên, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên các mặt công tác.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Nguyên hiệu trưởng
Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý VHTTDL,
nay vẫn đang đảm nhiệm là Bí thư Chi bộ
của Trường (Ảnh: Văn Duy)
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, cũng đúng vào dịp cả nước đang tưng bừng đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, để ghi nhận những thành tích mà tập thể và các cá nhân của Nhà trường đã đạt được trong chặng đường đã qua, phóng viên Trang tin Điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khánh – Nguyên Hiệu trưởng, nay vẫn đang đảm nhiệm là Bí thư Chi bộ Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường, với tư cách từng là lãnh đạo nhà trường, xin ông  chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình nhân ngày Lễ trọng đại này?

Có thể nói, đời người ai cũng có những cảm xúc vui mừng để chào đón ngày sinh nhật rồi ngày mừng thọ nhưng đối với một cán bộ công chức thì rất vui mừng để đón chào các ngày lễ kỷ niệm chào mừng ngày thành lập cơ quan, đơn vị của mình. Với tư cách nguyên Hiệu trưởng và nay vẫn đang là Bí thư chi bộ của Trường thì tôi và toàn bộ cán bộ anh chị em nhà trường rất vui mừng, phấn khởi để đón chào ngày Lễ trọng đại này. Bởi nó không chỉ đơn thuần là một niềm vui lớn mà ở đó là một bài học truyền thống để giáo dục cho thế hệ trẻ biết đến những công lao, những thành tựu, sự đóng góp của nhiều thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước để phát huy, kế thừa và xây dựng nhà Trường ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ công chức, lãnh đạo ngành, đặc biệt là Bộ VHTTDL trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

35 năm một chặng đường không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn, ông có thể chia sẻ đôi điều về thành tích đã đạt được trong 35 năm qua?

35 năm một chặng đường lịch sử đầy khó khăn và thử thách, trong giây phút ngắn ngủi thì không thể nói hết những khó khăn và thành tựu đã đạt được của Trường. Song trên chặng đường gian nan và đầy khó khăn ấy, điểm lại những nét nổi bật có thể nói được ngay đó chính là Nhà trường đã bám sát đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước mà cụ thể là sự quản lý trực tiếp của các Bộ, đầu tiên là Bộ Văn hóa, sau đó là Bộ văn hóa thông tin và hiện nay là Bộ VHTTDL. Qua năm tháng, Trường đã tổ chức thành công hàng nghìn các khóa học bồi dưỡng cho hàng vạn các cán bộ công chức làm công tác văn hóa, văn hóa thông tin, văn hóa thể thao và du lịch. Và các đồng chí cán bộ công chức ấy đã trưởng thành, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong công các quản lý của ngành, trong đó có những người được bổ nhiệm là Thứ trưởng, Cục trưởng, Giám đốc Sở VHTTDL và nhiều vị trí quan trọng khác.

Đây là những thành tích cơ bản và thực tế nhất mà Trường đã đạt được, đó là những thành tựu rất đáng tự hào, chứ không chỉ thành tích là những tấm Huy chương, Huân chương của Đảng, Nhà nước trao tặng cho nhà Trường. Nhà trường luôn đánh giá cao thành tích đó, bởi chúng tôi quan niệm rằng các tấm Huân chương, Huy chương là một sự ghi nhận, còn vào đời sống thực tiễn ngày nay thì chúng tôi tự hào có một đội ngũ cán bộ công chức, quản lý các lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình ngày càng giàu có về bản lĩnh chính trị, tinh thông về trình độ chuyên môn để đủ sức và đủ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thành tích là thế và để có được kết quả như ngày hôm nay chắc hẳn Trường đã phải trải qua bao thăng trầm, theo ông đâu là những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn đó?

Có lẽ, để có được những bài học kinh nghiệm được rút ra tạo cơ sở cho sự phát triển mới thì theo tôi không có kinh nghiệm nào tốt hơn đó chính là Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch phải giữ vững được sự ổn định, đoàn kết, đồng nhất về ý tưởng trăm người như một, chung sức chung lòng sát cánh và nỗ lực phấn đầu hoàn thành các nhiệm vụ, Chỉ thị của Đảng, nhà nước và Bộ VHTTDL giao. Bài học thứ 2 mà tôi muôn nhắc đến đó là muốn có con đường phát triển bền chặt thì không có con đường nào khác ngoài việc tăng cường củng cố giáo dục chính trị đối với đội ngũ cán bộ công chức, tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ có học hàm, học vị và cơ sở vật chất cũng phải được cải thiện để cho Trường xứng tầm là một đơn vị duy nhất của Bộ VHTTDL về công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh hiện nay cũng như sự phát triển trong tương lai. Đây là những bài học kinh nghiệm được rút ra và tôi cho đó là điều không thể tách rời cho sự phát triển của Nhà trường trong mọi thời kỳ.

Trong sự đi lên, phát triển của nhà trường ở những tầm cao mới chắc có lẽ không thể thiếu tới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đặc biệt là Bộ VHTTDL, vậy ông nghĩ sao về điều này?

Đúng như vậy, ngay thời điểm tôi đang đảm nhiệm là Hiệu trưởng và hiện nay vẫn đang là Bí thư chi bộ của Trường hay ở thời điểm tới đây thì các thế hệ làm công tác quản lý tại Trường luôn biết ơn sự quan tâm đầy trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ. Và gần đây, Trường cũng đã đề nghị, sự phát triển của Trường không chỉ dừng ở đây mà hướng đến phát triển ở một tầm cao mới đó chính là con đường tiến tới thành Học viện. Bởi vì, tất cả các cán bộ đến học tại Trường này, đều là những người có trình độ chuyên môn tốt, có người là cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Do vậy, để xứng tầm với sự phát triển của nó thì việc tiến lên thành Học viện là một sự tất yếu của tương lai. Muốn làm được điều đó thì một mặt Bộ VHTTDL nên cho phép Nhà trường được tuyển dụng các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành văn hóa, thể thao, du lịch về trường, tạo thành đội ngũ cán bộ hùng hậu vững chắc về chuyên môn, để từ đó có thể xây dựng các giáo trình,  giáo án cập nhật được những thông tin mới của thời đại và kịp thời bổ sung được kiến thức cho các cán bộ quản lý VHTTDL trên phạm vi toàn quốc ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông về trình độ chuyên môn đáp ứng được tình hình hội nhập và phát triển của đất nước.

Với tư cách là một nhà giáo, một nghệ sỹ và đã từng là một nhà quản lý, ông có thể chia sẻ một số những cảm xúc của mình nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam?

Nếu như được phép trở lại 10 năm nữa để ta ngắn bó với sự nghiệp này, dù đó chỉ là ước mơ thôi bởi tôi đã về hưu và càng về hưu tôi càng phấn khởi và tự hào vì tôi đã có một quãng thời gian đẹp gắn bó, cùng chung với đội ngũ cán bộ công chức ở đây xây dựng Nhà trường lên tầm vóc và vị thế như ngày hôm nay. Tôi tin tưởng những điều đó sẽ đọng lại những ký ức trong tập thể và cá nhân cán bộ nơi đây, nó đi theo tôi suốt cả cuộc đời và nó cũng đã để lại những ấn tượng khó phai và tôi tin rằng những đồng nghiệp của tôi ở lại sẽ cùng chung ý tưởng xây dựng Nhà trường vững mạnh và tiến lên Học viện trong tương lai gần. Vào thời điểm này cả nước đang từng bừng không khí hướng đến kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi Trường cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập đúng vào dịp này. Nhân đây, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người đã và đang hay sắp được làm thầy, cô giáo sẽ luôn có lòng yêu nghề và ý chí xây dựng một nền giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện hơn. Với lòng tri ân của mình, tôi xin gửi tặng tới các đồng nghiệp của tôi đang công tác tại Trường một câu nói mà tôi luôn tâm đắc khi nói về sự phát triển đi lên của nhà Trường rằng: “Hào hùng trong quá khứ, vững vàng trong hiện tại và xán lạn ở tương lai”.

NPV thực hiện

Ảnh trong bài
  • Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý VHTTDL: “Hào hùng trong quá khứ, vững vàng trong hiện tại và xán lạn ở tương lai”