Một số kết quả đạt được trong công tác TDTT trường học

Tổng kết Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư (Khóa IX) “về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010”, Ban Bí thư đã nhận định: sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) nước ta đã có nhiều tiến bộ rõ nét, nhiều nội dung của Chỉ thị đã đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với sự phát triển cả bề rộng và chiều sâu của phong trào thể dục thể thao quần chúng nói chung, công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt sau:

Giờ học môn thể dục của học sinh tiểu học (Ảnh: VD)
Về giáo dục thể chất nội khoá: tính đến năm 2010, cả nước có trên 90% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khoá có nề nếp theo quy định; trên 60% số trường học có hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá có nề nếp, tổ chức thường xuyên các hoạt động thể thao cho học sinh, sinh viên;   

Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện thể dục thể thao của học sinh sinh viên ngày càng đa dạng và dần đi vào nền nếp. Trong đó, các sinh hoạt dưới hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao trường học có tổ chức, có người hướng dẫn ngày càng được phát triển. Nhiều nội dung tập luyện phong phú được đưa vào các hoạt động ngoại khoá đặc biệt là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được đưa vào lồng ghép với phong trào thi đua “trường học thân thiên, học sinh tích cực”.

Các hoạt động thi đấu thể thao từ trung ương đến cơ sở ngày càng phát triển đa dạng, hệ thống thi đấu lớn như Hội khoẻ Phù Đổng các cấp, Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc cùng hàng chục giải thi đấu cấp toàn quốc hàng năm, thu hút hàng chục triệu học sinh sinh viên tham gia.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao ở các trường học được đào tạo, nâng cao kiến thức đã từng bước đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao ở trường học các cấp đã bước đầu được quy hoạch và đầu tư xây dựng.

Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được tăng cường, sát với thực tế, thể hiện ở các văn bản quy phạm pháp luật ngày một hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nhà trường theo từng lĩnh vực trong công tác thể dục thể thao trường học; về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, sáng tạo và chủ động của học sinh trong học tập, mặt khác, công tác nghiên cứu khoa học về giáo dục thể chất và y tế trường học ngày càng được chú trọng.

Công tác vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất, xây dựng nếp sống lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn, giáo dục nhân cách lối sống thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diên cho học sinh sinh viên.

Tham gia các hoạt động thể dục thể thao trong khu vực và quốc tế, đoàn Thể thao Việt Nam luôn khẳng định được vị thế của thể thao học sinh, sinh viên trên trường quốc tế. Điều đó được chứng minh qua số lượng huy chương của đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam liên tục tăng dần qua mỗi kỳ đại hội. Cụ thể, tại Đại hội thể thao sinh viên thế giới tại Serbia (tháng 7 năm 2009), đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam đã giành 02 HCB, 01 HCĐ xếp thứ 45/143 đoàn tham dự. Ngay sau đó 2 tháng (tháng 9/2009), tại Đại hội sinh viên Đông Nam Á diễn ra tại Thái Lan đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam đã giành18 HCV, 16 HCB và 23 HCĐ, xếp thứ 2 toàn đoàn...

Hàng năm, đều tổ chức các giải thể thao cho học sinh, sinh viên nhằm đánh giá công tác giáo dục thể chất và luyện tập của các nhà trường. Đặc biệt, theo chu kỳ 4 năm/1 lần, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động lớn như: Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc, Hội thi nghiệp vụ sư phạm văn nghệ thể thao các trường sư phạm toàn quốc, Hội thi Văn hoá thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc. 

Tuy nhiên, ở một số cơ sở công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có lúc còn bị coi nhẹ, thiếu bình đẳng so với các môn học khác. Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học còn trong tình trạng thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong khối các trường đại học, cao đẳng.

Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về giáo dục thể chất và thể thao trường học luôn bị thay đổi, phân tán dẫn tới hiệu quả hoạt động hạn chế; nội dung hoạt động thể thao ngoại khoá trong nhà trường còn nghèo nàn, chưa thực sự tạo được sự hứng thú cho học sinh, sinh viên. Giáo viên thể dục còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng chuyên môn; chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên thể chất còn nhiều bất cập.

Phạm Thanh Cẩm

 

Ảnh trong bài
  • Một số kết quả đạt được trong công tác TDTT trường học