Về công tác phối hợp chỉ đạo giữa ngành TDTT và ngành Giáo dục đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học

Với phương châm vận động tổ chức phong trào khỏe là: “Đi từ gốc đến ngọn: Lấy thể dục làm căn bản. Lấy dân chúng làm trường hoạt động. Cố lo phổ thông thể dục trong toàn dân” và “Thể dục, đức dục, trí dục là mục đích của cơ quan phụ trách sức khoẻ toàn dân”. Lúc ấy Nha Thanh niên và Thể dục Trung ương nằm trong Bộ Quốc gia Giáo dục .

Ngay từ những ngày đầu sau cách mạng tháng 8 năm 1945 Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của giáo dục thể chất và thể thao cho thế hệ trẻ, trong Thư gửi học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới trung thu 1945, Bác Hồ khuyên: “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang” (Báo cứu quốc 17/9/1945). Với phương châm vận động tổ chức phong trào khỏe là: “Đi từ gốc đến ngọn: Lấy thể dục làm căn bản. Lấy dân chúng làm trường hoạt động. Cố lo phổ thông thể dục trong toàn dân” và “Thể dục, đức dục, trí dục là mục đích của cơ quan phụ trách sức khoẻ toàn dân”. Lúc ấy Nha Thanh niên và Thể dục Trung ương nằm trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Phong trào khoẻ trong trường học được phối hợp từ cấp trung ương đến cơ sở và cũng năm 1946 Phòng Thể dục trung ương đã xây dựng Chương trình “Thể dục trong nền giáo dục mới” đưa ra thảo luận tại Hội nghị giáo giới toàn quốc để thống nhất thực hiện. Điều đó thể hiện sự chỉ đạo và yêu cầu khách quan của việc phối hợp công tác chặt chẽ, gắn kết giữa 2 ngành Giáo dục và Thể dục thể thao.

Xác định đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, trong những năm qua, ngành Thể dục thể thao và Giáo dục đã tham mưu cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính Phủ ban hành các văn bản lãnh đạo và chỉ đạo về Thể dục, thể thao trong trường học như: Các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác thể dục thể thao, gần đây nhất là Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 1 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến 2020, trong đó đặc biệt chú trọng đến giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; Pháp lệnh Thể dục, thể thao ban hành năm 2000 và Luật Thể dục, thể thao ban hành năm 2006; Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến 2020 cũng xác định vai trò của giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp Thể dục thể thao nói chung. Đồng thời, hai ngành đã tích cực chủ động triển khai các hoạt động phối hợp nhằm chỉ đạo, hướng dẫn công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học như:

1. Việc ban hành các văn bản liên tịch giữa 2 Bộ:

-Thông tư liên tịch số 403/GD-TDTT ngày 17/6/1975 giữa Bộ Giáo dục và Tổng cục Thể dục thể thao về việc ban hành tiêu chuẩn rèn luyện thân thể mới áp dụng cho học sinh các trường phổ thông; Thông tư này đã được thực hiện trong nhiều thập niên qua cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 53/2006/QĐ-BGDĐT ngày 18/9/2008 quy định về việc đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên.

-Thông tư liên tịch số 34/2005/TTLT-BGDĐT-UBTDTT ngày 29/12/2005 về hướng dẫn phối hợp quản lý và chỉ đạo công tác TDTT trường học giai đoạn 2006-2011.

-Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về chỉ đạo công tác thể dục, thể thao trong trường học giai đoạn 2011-2015 với mục đích củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào TDTT trong trường học, nâng cao sức khoẻ, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển TDTT trường học theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giờ học thể dục nội khoá, đa dạng hoá các hình thức hoạt động ngoại khoá...

2. Về phối hợp tổ chức, chỉ đạo các hoạt động:

- Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch trước đây là Uỷ ban TDTT đã thường xuyên phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo, tổ chức các hội thi theo định kỳ như: Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc, Hội thi Văn hoá - Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc; Hội thi sư phạm – Văn nghệ - Thể thao các trường Sư phạm toàn quốc và các giải thể thao toàn quốc từng môn cho học sinh, sinh viên...

-Tổng cục TDTT phối hợp giúp Bộ GD&ĐT tuyển chọn các vận động viên tham gia các Đại hội TDTT học sinh, sinh viên khu vực và các giải thể thao quốc tế khác.

- Tổng cục TDTT đã cử các chuyên gia có kinh nghiệp và trình độ tham gia cùng Bộ GDĐT biên soạn chương trình giảng dạy môn Thể dục cho các cấp học trong các trường phổ thông.

- Từ năm 2010, Tổng cục TDTT đã thường xuyên mở các lớp tập huấn bơi lội, cứu đuối cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc nhằm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 là đảm bảo 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khoá.

Tuy nhiên, việc phối hợp quản lý, chỉ đạo giữa hai Ngành về công tác TDTT trong trường học còn gặp rất nhiều khó khăn; công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học còn chưa được coi trọng ở không ít các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất về sân bãi, phòng tập, dụng cụ tập luyện còn thiếu và lạc hậu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; đội ngũ giáo viên thể dục còn chưa đáp ứng đủ cho các trường, vẫn còn các giáo viên phải kiêm dạy nhưng chưa được đào tạo về giáo dục thể chất; chương trình chính khoá cũng như ngoại khoá còn bất cập. Điều đó ảnh hưởng không tốt tới chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh, đòi hỏi phải có sự quan tâm thích đáng và sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành mới có thể tạo bước chuyển biến tích cực, rõ nét đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Để đạt được hiệu quả cao hơn nữa về giáo dục thể chất và thể thao cho học sinh trong các trường phổ thông, cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch ở cấp tỉnh, huyện và xã, đặc biệt là sự năng động sáng tạo phối hợp giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường. Các địa phương, nhất là ở các xã, phường, thị trấn cần có kế hoạch chủ động phối hợp để sử dụng cơ sở vật chất sân bãi của trung tâm văn hoá, thể thao xã vào việc giáo dục thể chất và thể thao cho học sinh. Trong thời gian tới hai Ngành cần triển khai các hoạt động phối hợp cụ thể, tích cực và chặt chẽ hơn trong việc biên soạn, chỉnh lý và bổ sung chương trình giáo dục thể chất các cấp; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Thể dục cho các nhà trường để đáp ứng với tình hình mới. Quan tâm, chỉ đạo các trường đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất sân bãi thể dục thể thao, thành lập và đưa vào hoạt động nề nếp các câu lạc bộ TDTT cơ sở theo điều kiện, đặc thù của từng trường nhằm đạt được các mục tiêu Giáo dục thể chất và thể thao nhà trường trong Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

                                                                                Vũ Trọng Lợi (Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng)

 

Ảnh trong bài
  • Về công tác phối hợp chỉ đạo giữa ngành TDTT và ngành Giáo dục đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học