Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại Beach Games III?
Trước khi tham dự Beach Games III tại Hai Yang - Trung Quốc, Tổng cục TDTT đã tính toán để xây dựng kế hoạch cho các đội tuyển. Theo chương trình thi đấu tại Beach Games III, hầu hết các môn Thể thao thế mạnh của Việt Nam đều không được đưa vào chương trình thi đấu tại Đại hội, trong khi các môn được lựa chọn lại hoàn toàn là những môn mang tính tập thể và một số môn trên biển.
Do vậy, các đội tuyển của đoàn Thể thao Việt Nam được hình thành theo 2 hướng: một là giao cho Tp. Hồ Chí Minh chuẩn bị lực lượng cho các môn: Bóng ném, Bóng rổ, Trượt Patanh, Leo tường...còn lại là tỉnh Khánh Hoà và một số tỉnh miền Trung sẽ tập trung các VĐV của 2 đội tuyển nam và nữ ở các môn: Bóng đá nam và Cầu Mây, Đua thuyền...
|
Ông Lâm Quang Thành - Trưởng đoàn TTVN, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục TDTT trả lời phỏng vấn của phóng viên (Ảnh: Văn Duy ) |
Với kế hoạch chuẩn bị khá chu đáo, đoàn Thể thao Việt Nam đã nỗ lực hết mình và giành được 2 HCB ở môn Cầu mây nữ và 1 HCĐ ở môn Bóng ném nữ. Dù chưa đạt được như mong muốn, nhưng kết quả này cũng được coi là thành công mới của Thể thao bãi biển Việt Nam ở đấu trường châu Á. Còn ở một số môn khác mặc dù các VĐV của Việt Nam đã rất cố gắng nhưng thành tích đạt được chưa cao tiêu biểu như ở môn Bóng đá nam các VĐV của chúng ta thi đấu rất quyết tâm và ngang ngửa với chủ nhà Trung Quốc (được đánh giá là đối thủ mạnh nhất giải) trong trận bán kết (chỉ thua ở phạt đền). Ở các môn còn lại chúng ta tham dự mang tính học hỏi để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các giải quốc tế diễn ra trong thời gian tới và đặc biệt là Beach Games V do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Trong quá trình tham dự Beach Games III, đoàn Thể thao Việt Nam đã gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Như chúng ta cũng biết, Hai Yang là vùng có bờ biển đẹp, trước kia chưa được xây dựng và còn rất hoang sơ, nhưng hiện nay Chính phủ Trung Quốc đã và đang đầu tư rất mạnh về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng giao thông và nhiều lĩnh vực khác để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế biển của tỉnh Sơn Đông.
Tham dự Beach Games III, đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã gặp những khó khăn nhất định như: việc di chuyển từ Việt Nam sang HaiYang kéo dài 13 tiếng đồng hồ. Hơn nữa, việc chuyển chặng bay kéo dài cũng phần nào làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của các thành viên trong đoàn . Tuy vậy, đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã lên đường và đến HaiYang đúng thời gian để chuẩn bị tập luyện, thi đấu. Đến HaiYang, đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã gặp những khó khăn nhất định như: BTC của nước chủ nhà đã thay đổi lịch thi đấu, tập luyện ở một số môn chưa thật hợp lý, tiêu biểu là môn Cầu mây nữ, Việt Nam được xếp lịch thi từ sáng để đấu trận chung kết quyết định với Trung Quốc ở nội dung đồng đội thì ngay 3 tiếng sau đó chúng ta lại phải đấu trận Regu (nội dung đội tuyển) với tuyển Thái Lan (đối thủ được đáng giá là mạnh nhất giải). Hay ở môn Bóng gỗ, VĐV phải thi đấu từ sáng tới chiều (thi đấu cả buổi trưa).
Do vậy, các VĐV của Viêt Nam đã rất nỗ lực và cố gắng để thi đấu đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, ở một số môn Thể thao mang tính tập thể như Bóng ném, Bóng đá, Đua thuyền... đây là những môn mà từ trước đến nay Việt Nam khó có thể tranh chấp thành tích với các nước trong châu lục. Nhưng thật đáng biểu dương là tuyển Bóng ném nữ Việt Nam đã thi đấu khá xuất sắc để đạt được tấm HCĐ, đây được xem như thành công mới của các đội tuyển Bóng ném nữ nói riêng và Thể thao bãi biển Việt Nam nói chung.
Thưa ông, ở Beach Games III ông đánh giá như thế nào về công tác tổ chức của nước chủ nhà - Trung Quốc?
Chúng ta biết rằng Trung Quốc là đất nước có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện Thể thao lớn. Sau Olympic Bắc Kinh (2008) và Á vận hội ở Quảng Châu (2010) thì đây là Đại hội mà Trung Quốc đã rất tính toán để biến một nơi hoang sơ như Hai Yang trở thành 1 đô thị biển.
Điều này không những thúc đẩy và giúp cho sự phát triển của khu vực này mà nó còn giúp cho Trung Quốc quảng bá tốt về hình ảnh của đất nước mình. Bên cạnh đó, tạo ra sức hút về du lịch của Hai Yang đến được với đông đảo bạn bè quốc tế, đặc biệt là 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đến với Beach Games III. Chính những điều đó cho thấy sự thành công của Trung Quốc khi chọn địa điểm tổ chức Beach Games III.
Ngoài ra, các cơ sở vật chất phục vụ cho Đại hội đều được BTC bố trí hợp lý, khoa học và hiệu quả rất tốt tiêu biểu như khu vực ăn, ở dành cho các đoàn VĐV, quan chức, báo chí... và các phòng chức năng tại các địa điểm thi đấu được thiết kế theo kiểu di động, hợp lý và khá đẹp mắt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trên công tác tổ chức của Trung Quốc tại Beach Games III vẫn còn những điểm hạn chế so với các kỳ Đại hội trước, đặc biệt là ở Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ II tại Muscat - Oman.
N. Hương