Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012-2020

Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại đã được triển khai rộng khắp trong cả nước và được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng cuộc vận động, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, ngành TDTT đã có những kế hoạch, biện pháp cụ thể để cuộc vận động diễn ra thành công, hiệu quả. Việc đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012 - 2020 còn nhằm thực hiện những mục tiêu mà chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã đặt ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác TDTT

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác thể dục thể thao. Người cho rằng, "giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công". Chính vì vậy, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã xác định rõ thể dục, thể thao là một trong những nhiệm vụ cách mạng quan trọng.

Người đã nhìn thấy tác dụng to lớn của thể dục, thể thao đối với sức khoẻ, nên Bác đã khuyên mọi người "lúc ngủ dậy tập ít phút thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ như vậy là sức khoẻ". Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng "việc đó không tốn kém, khó khăn gì, già trẻ gái trai ai cũng làm được". Ý thức được điều đó, hàng ngày Bác đã thực hành rèn luyện thân thể ở mọi lúc, mọi nơi trên chiến khu Việt Bắc gian khổ hay khi ở Hà Nội trong những ngày chiến tranh ác liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo về việc chăm chỉ rèn luyện thân thể.

Không những thế, Bác còn quan tâm đến đội ngũ cán bộ ngành TDTT. Dù rất bận, nhưng Bác đã đến thăm và động viên các thế hệ cán bộ thể dục, thể thao phải học tập chuyên môn nghiệp vụ giỏi "không phải chỉ để trở thành ông kiện tướng này, bà kiện tướng nọ mà phải học tập trở thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên" để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân vì công tác thể dục thể thao cũng là công tác cách mạng như những công tác cách mạng khác.

Sự nghiệp thể dục thể thao phát triển được như hôm nay đó là nhờ Đảng ta có đường lối lãnh đạo đúng đắn dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thể dục thể thao trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.

Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác TDTT

Thực hiện đường lối phát triển TDTT trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khoẻ, tầm vóc con người Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển TDTT quần chúng và TTTTC (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng CSVN, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Khoá XI đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 01 tháng 12 năm 2012 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020).

Việc triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" là thực hiện hoá nhiệm vụ trong chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, thể chế hoá quan điểm, đường lối phát triển TDTT của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, là TDTT phải góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ trí tuệ và thể lực, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, tạo dựng nhân cách và lối sống lành mạnh cho các thế hệ người Việt Nam.

Trong những năm qua, phong trào tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân đã có bước phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Tính đến năm 2011, cả nước có khoảng 24% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; có 15% tổng số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình tập luyện thể thao thường xuyên; có 40.000 Câu lạc bộ TDTT cơ sở. TDTT quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những bước tiến đáng kể: số người tập luyện TDTT thường xuyên tính trung bình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt khoảng 6-8% dân số; khoảng 2-3% tổng số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình luyện tập TDTT.

Đạt được những kết quả trên, Nhà nước đã không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực phát triển TDTT như:

Quản lý về TDTT tiếp tục được củng cố và hoàn thiện; bên cạnh hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về TDTT, đã hình thành hệ thống các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp về TDTT.

Nhà nước đã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu tập luyện, giải trí thể thao của nhân dân. Tính đến năm 2005, các công trình thể dục thể thao đã có sự tăng đáng kể cả về lượng và chất, nhất là thời kỳ chuẩn bị tổ chức SEA Games 22 năm 2003. Hiện nay có 572 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu câp quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, có khoảng 27.149 công trình thể thao công cộng phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân do nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội đầu tư xây dựng; khoảng 60-70% xã, phường, thị trấn đã dành đất cho TDTT, trong đó khoảng 30% xã phường có sân bóng, hồ bơi, nhà tập.

Chính sách xã hội hoá hoạt động thể thao đã thu hút thêm nguồn lực xã hội phù hợp với xu thế phát triển của thể thao hiện đại trên thế giới. Đời sống của nhân dân được cải thiện, nhu cầu văn hoá tinh thần của nhân dân tăng lên, đây là điều kiện thuận lợi để thể thao chuyên nghiệp, kinh doanh dịch vụ thể thao phát triển.

Vũ Trọng Lợi (Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng)

Ảnh trong bài
  • Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012-2020