Bệnh viện Thể thao Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn

Bệnh viện Thể thao Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là bệnh viện đa khoa khám và chữa cho tất cả các đối tượng nhân dân và vận động viên (dịch vụ theo yêu cầu và bảo hiểm y tế). Bệnh viện cũng là bệnh viện chuyên ngành đầu tiên và duy nhất hiện nay của nước ta dành cho vận động viên, người dân bị chấn thương trong quá trình tham gia hoạt động thể thao. Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Quang – Giám đốc Bệnh viện về những bước phát triển mới trong giai đoạn hiện nay.

Ông có thể khái quát qua về khối lượng công việc mà Bệnh viện TTVN đã đạt được trong năm qua?

Về cơ bản, năm 2011 là một năm khó khăn do tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đã nỗ lực để hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, các chỉ số chữa bệnh so với năm 2010 đều tăng từ 100 – 300%. Số lượt khám bệnh là hơn 22.000 lượt, trong đó khám cấp cứu là 501 lượt, khám thường là hơn 15.000 lượt và khám sức khoẻ là hơn 6.000 lượt. Đã có hơn 900 lượt VĐV được khám tại đây. Đặc biệt là không có một trường hợp tai biến lớn nào xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh.

Để hoàn thành được khối lượng công việc như vậy, Bệnh viện phải có sự đầu tư lớn về CSVC?  và đặc biệt là con người?

Chúng tôi đã đưa 4 kỹ thuật mới vào thực hiện: Máy quét sinh học chẩn đoán sàng lọc, máy nội soi, điện não đồ và máy chụp CT Scaner. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, tuyển cơ bản đủ số hộ lý làm việc tại bệnh viện và các khoa lâm sàng; lên kế hoạch đào tạo cán bộ theo sát thực tế và nhu cầu. Hiện tại, đang có 21 cán bộ theo học nâng cao chuyên môn.

Tuy nhiên, CSVC của bệnh viện cũng còn nhiều khó khăn do tình trạng sụt, lún, nứt của công trình xây dựng. Bệnh viện cũng chưa đủ phòng làm việc cũng như triển khai các máy móc thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Hiện nay, bệnh viện đang bố trí, sắp xếp vị trí các phòng, ban cho hợp lý, thuận tiện và tiến hành dự án chống xuống cấp CSVC.

Dường như số lượng VĐV đến đây khám và điều trị vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng?

Số lượng VĐV đến khám chưa cao, chiếm khoảng 5% số lượt. Đây cũng là một trăn trở của chúng tôi khi là một bệnh viện chuyên ngành phục vụ công tác thể dục thể thao. Chúng tôi cho rằng cần xây dựng các tuyến dưới của bệnh viện để các đơn vị tuyến dưới có thể chuyển các VĐV cần điều trị, khám bệnh lên bệnh viện. Bên cạnh đó cũng cần có quy trình tham vấn, đào tạo về chuyên môn cho các tuyến dưới với bệnh viện.

Công tác tổ chức tham vấn chuyên môn và phối hợp giữa Bệnh viện TTVN với các bệnh viện khác?

Chúng tôi đã ký thoả thuận hợp tác với bệnh viện Việt Đức để có thể hỗ trợ điều trị, cấp cứu cho các bệnh nhân. Điều này không chỉ góp phần giải toả sức ép lên bệnh viện Việt Đức mà còn nâng cao chất lượng chuyên môn của bệnh viện, nhất là khi bệnh viện có thế mạnh trong chuyên môn phẫu thuật chỉnh hình, hồi phục chức năng, vật lý trị liệu và y học cổ truyền. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác chuyên môn với một số bệnh viện như Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện saint Paul, Bệnh viện E, Bệnh viện 198…

Cũng với mục đích tăng cường chất lượng chuyên môn, Bệnh viện đã mời 3 đợt chuyên gia nước ngoài sang làm việc và phẫu thuật tai bệnh viện với tổng số 77 ca phẫu thuật.

Bệnh viện sẽ triển khai những công việc gì để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của mình?

Chúng tôi đã xác định phải tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có và tận dụng những nguồn lực khác của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân để đưa Bệnh viện hoạt động ổn định, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cụ thể là sớm ổn định công tác tổ chức, nhân lực, từng bước triển khai hoạt động độc lập của 16 khoa và 5 phòng chức năng khi có đủ điều kiện; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng của bệnh viện; tuyển thêm các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng tại một số khoa còn thiếu, tái cơ cấu nhân sự các khoa, phòng cho phù hợp.

Bệnh viện cũng sẽ chú trọng mở rộng các loại hình dịch vụ y tế, dự kiến năm nay sẽ khám và điều trị cho 24.000 lượt người; triển khai một số dịch vụ kỹ thuât mới như phẫu thuật nội soi ổ bụng, cột sống, khớp vai, laser thẩm mỹ, bào chế, sản xuất thuốc dùng trong bệnh viện, triển khai đề tài khoa học cấp bộ về nghiên cứu quy trình sản xuất thuốc chữa trị chấn thương phần mềm cho VĐV.

Để triển khai được những công việc trên, bệnh viện cũng cần sự hỗ trợ của các cấp?

Chúng tôi không thể triển khai được công việc nếu không nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các cơ quan chức năng. Bộ VH,TT&DL cũng như Tổng cục TDTT đã đầu tư hỗ trợ chống xuống cấp và nâng cấp bệnh viện, đảm bảo CSVC tốt nhất trong điều kiện có thể để làm việc. Bệnh viện cũng đã xây dựng Đề án phát triển bệnh viện Thể thao Việt Nam đến năm 2020 để làm cơ sở cho các hoạt động của bệnh viện. Một trong những vẫn đề cấp thiết cần triển khai để đảm bảo bệnh viện hoạt động có hiệu quả là phải xác định tuyến dưới cho Bệnh viện để có sự thống nhất về chuyên môn cũng như công tác chỉ đạo chung trong toàn quốc. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho các VĐV các tuyến được điều trị, khám nhanh chóng, thuận tiện và có chất lượng chuyên môn.

Xin cám ơn ông và chúc bệnh viện Thể thao Việt Nam ngày một phát triển, trở thành một điạ chỉ tin cậy cho các VĐV cũng như của người dân.

NPV

 

Ảnh trong bài
  • Bệnh viện Thể thao Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn