Năm 2012, Thể thao Việt Nam hướng đến các sân chơi mang tầm thế giới

Năm 2011 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đồng thời cũng là năm bản lề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn 2011 - 2015. Nhìn lại 1 năm đi qua, Thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển và khởi sắc nhất định ở các đấu trường quốc tế và trong nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
- ông Vương Bích Thắng (Ảnh: Văn Duy )
Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn Phóng viên Trang Tin điện Tử TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vương Bích Thắng - Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTTT nhằm tìm hiểu về những thành tích mà Thể thao Việt Nam đạt được trong năm 2011 và những hướng đi mới cho nền Thể thao nước nhà trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình về những ngày đầu xuân Nhâm thìn 2012?

Nhân dịp đầu năm 2012, thay mặt cho Tổng cục TDTT tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, VĐV, HLV lời chúc tốt đẹp nhất!. Năm 2012, là năm toàn ngành tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, đồng thời cũng là năm mà thể thao Việt Nam hướng tới sân chơi lớn nhất thế giới đó là Olympic Luân Đôn, chính vì vậy, tôi mong mỗi cán bộ, công chức, viên chức...  cùng nhau đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực hết mình trong công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2012 của toàn ngành đã đề ra, góp phần đưa Thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thưa ông, năm 2011 Thể thao Việt Nam đã tạo ra những dấu ấn về thành tích với nhiều gương mặt VĐV trẻ xuất sắc đã xuất hiện ở cả đấu trường quốc tế cũng như trong nước, điều đó cho thấy ở một số môn đã có sự kế thừa, ông nghĩ gì về điều này?

Tại các đấu trường quốc tế và trong nước mà tiêu biểu là SEA Games 26 tại Indonesia, Thể thao Việt Nam đã tiếp tục giữ vững vị trí thứ ba trong khu vực Đông Nam Á đó là điều rất đáng tự hào. Bên cạnh đó, ở các giải trong nước và quốc tế diễn ra trong năm 2011 đã có nhiều gương mặt VĐV trẻ thi đấu đạt thành tích xuất sắc ở các môn Thể thao trọng điểm như: Điền kinh, Cử tạ, Bơi, Boxing... đó là những tín hiệu vui cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh của nền Thể thao nước nhà trong tương lai. Điều đó cũng cho thấy công tác đào tạo VĐV trẻ của Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể. Hy vọng, trong thời gian tới những gương mặt VĐV trẻ đó sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa về thành tích góp phần đưa Thể thao nước nhà lên những tầm cao mới ở đấu trường thế giới.  

Vậy ông có đánh giá gì về những thành tích mà thể thao Việt Nam đạt được trong năm qua?

Có thể nói, trong năm 2011 được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, sự phối hợp chặt chẽ trong công tác của các Vụ, đơn vị trong Bộ cùng với sự phấn đấu, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Tổng cục TDTT đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành VH,TT&DL trong việc thực hiện các kế hoạch công tác năm 2011.

Lãnh đạo Tổng cục TDTT luôn bám sát các nhiệm vụ của Bộ, của ngành để chỉ đạo, điều hành, bảo đảm hoạt động của ngành đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn đề cao, phát huy được vai trò, trí tuệ của tập thể lãnh đạo và tập thể cán bộ, viên chức của Tổng cục TDTT; các công tác xây dựng, soạn thảo đề án trong kế hoạch năm đều được đảm bảo đúng tiến độ; phong trào TDTT trong cả nước tiếp tục được mở rộng và phát triển về chiều sâu, gắn với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.

Thành tích của Thể thao Việt Nam trong năm 2011 đã được khẳng định qua các con số cụ thể như: số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc đạt 24,1%; 1.719 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng quốc gia, 403 VĐV đạt đẳng cấp dự bị kiện tướng quốc gia và 2.122 VĐV đạt cấp I quốc gia. Và Thể thao Việt Nam đã đạt được hàng trăm huy chương các loại tại các đấu trường Thể thao mang tầm thế giới, châu lục, khu vực Đông Nam Á và trong nước, trong đó chỉ riêng tại SEA Games 26, TTVN đã giành tới 96 HCV.

Bên cạnh những kết quả đạt được chắc hẳn Thể thao Việt Nam vẫn còn có những điểm hạn chế, thưa ông?

Đúng vậy, với những thành tích đạt được trong năm 2011, công tác Thể dục Thể thao nói chung trong năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại. Phong trào TDTT quần chúng phát triển song còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và cán bộ hướng dẫn viên TDTT nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thành tích một số môn Thể thao có dấu hiệu chững lại; kết quả thi đấu của đội tuyển Bóng đá U23 tại SEA Games 26 tạo dự luận không tốt, ảnh hưởng tới các thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam; Hệ thống cơ sở huấn luyện thể thao thành tích cao còn thiếu thốn, lạc hậu và bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là tại các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia do trung ương trực tiếp quản lý; Công tác quản lý tổ chức thi đấu, tham dự các giải thể thao còn nhiều tồn tại; các hiện tượng tiêu cực trong thi đấu thể thao, đặc biệt là trong Bóng đá, tuy đã hạn chế nhưng vẫn còn diễn biến phực tạp; Trình độ, năng lực của một số cán bộ, huấn luyện viên còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu tham mưu, quản lý nhà nước và huấn luyện nâng cao thành tích thể thao...

...Vậy theo ông nguyên nhân do đâu dẫn đến những mặt còn hạn chế đó?

Có lẽ, nguyên nhân một phần do công tác phân công nhiệm vụ ở từng cán bộ chuyên trách chưa được cụ thể và rõ ràng, đôi khi mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công việc nên dẫn đến công tác quản lý chuyên môn của mỗi cá nhân chưa thật tốt như mong muốn. Hơn nữa, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước còn thiếu thốn và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân tham gia tập luyện TDTT. Kinh phí dành cho công tác đầu tư, huấn luyện các VĐV ở các môn thể thao trọng điểm còn ít và thiếu...

Để Thể thao Việt Nam có những bước tiến xa hơn trong tương lai, ngành Thể thao nước nhà đã đề ra phương hướng nhiệm vụ gì trong năm 2012, thưa ông?

Năm 2012 là năm đầu tiên ngành TDTT triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT Việt Nam đến năm 2020"; Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Cùng với đó, TTVN còn chuẩn bị lực lượng tham dự các sự kiện thể thao lớn như Olympic, Paralympic tại Luân Đôn, Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 3... chính vì vậy trong năm 2012, nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành đặt ra đó là: tăng cường công tác quản lý nhà nước về TDTT, trong đó tập trung vào việc tham mưu xây dựng thể chế và giám sát các hoạt động thể thao chuyên nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng; đặc biệt là việc chuẩn bị tốt lực lượng VĐV tham dự các đại hội Thể thao quốc tế, nhất là Olympic, Paralympic London 2012 và SEA Games 27; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TDTT.

Hy vọng, với những kế hoạch đã được xây dựng rất cụ thể, nghành Thể thao sẽ thực hiện có hiệu quả và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã được đề ra trong năm 2012. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này

N.H

Ảnh trong bài
  • Năm 2012, Thể thao Việt Nam hướng đến các sân chơi mang tầm thế giới