Phát triển TDTT quần chúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng: những nhiệm vụ cần triển khai

Xác định được nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của Thể thao Việt Nam nói chung, phong trào TDTT quần chúng nói riêng là một trong những yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, cần tạo ra những cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, điều hành các hoạt động TDTT quần chúng theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.

Cùng với những thành tích đã đạt được, phong trào TDTT quần chúng vẫn còn những tồn tại, yếu kém thể hiện ở chỗ: thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đều. Phong trào thể dục thể thao được duy trì khá nền nếp trong lực lượng vũ trang, người cao tuổi và công chức, viên chức; song, do nhiều nguyên nhân khách quan, có dấu hiệu giảm sút về chất lượng hoạt động trong thanh, thiếu niên học sinh và công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu đô thị lớn.

Điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện thể dục thể thao của người dân tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn. Các công trình thể thao chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã; điều kiện tập luyện và mức độ hưởng thụ các giá trị của TDTT ngày càng có sự cách biệt giữa các vùng, miền và các đối tượng nhân dân. Do thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất và chưa có chính sách rõ ràng về cán bộ nghiệp vụ, hướng dẫn viên thể dục thể thao ở cấp xã, phường, thị trấn nên chất lượng hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở chưa cao.

Những yếu kém tồn tại nói trên rất cần được nghiêm túc khắc phục, sửa chữa trong những năm tới; trước mắt cần xác định rõ nhiệm vụ phát triển TDTT quần chúng theo những nội dung cơ bản sau:

1. Tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, tổ dân phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa ở các địa phương, các ban, ngành và đoàn thể.

Phấn đấu đến năm 2020 trong cả nước có 33% dân số thường xuyên tham gia tập luyện TDTT và có 25% số hộ gia đình luyện tập TDTT dưới mọi hình thức.

2. Tuyên truyền phổ biến hướng dẫn mọi đối tượng quần chúng tập luyện, tham dự thi đấu thể dục, thể thao trong các câu lạc bộ từng môn hoặc nhiều môn thể thao được thành lập, hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, xã, phường và thị trấn.

3. Củng cố và tăng cường hệ thống thiết chế về quản lý các mô hình thể dục, thể thao quần chúng: câu lạc bộ thể dục, thể thao, mô hình điểm về phát triển thể dục, thể thao quần chúng đối với những vùng có mức độ phát triển kinh tế - xã hội đặc trưng.

+ Ban hành thiết chế văn hóa – thể thao đối với từng cụm, điểm dân cư gắn kết với quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị - nông thôn mới;

+ Ban hành và hướng dẫn thực hiện quy chế về tổ chức thi đấu, lễ hội thể thao, công tác phong danh hiệu, thể thao dân tộc và thể thao giải trí; xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu về phát triển thể dục, thể thao quần chúng;

+ Thành lập, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động đối với các Hội đồng thể dục, thể thao, Câu lạc bộ thể dục, thể thao ở cấp xã;

 + Duy trì và hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao cho mọi người chu kỳ hàng năm, hai năm hoặc bốn năm…;

  + Ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển thể dục, thể thao đối với các đối tượng xã hội đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật.

4. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư và ban hành các chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao quần chúng. Khuyến khích phát triển thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch.

5. Ban hành các quy chuẩn về quy hoạch đất đai cho thể dục, thể thao; tăng cường đầu tư xây dựng các sân chơi bãi tập, công trình thể thao trong quần thể Trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã, cụm thôn – bản, thôn, bản.

6. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên thể dục, thể thao quần chúng; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên thể dục, thể thao cấp xã và thôn, làng, bản.

7. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền cơ sở và các cán bộ ngành thể dục, thể thao về vai trò của hoạt động thể dục, thể thao, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

8. Xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động thể dục, thể thao tại các thôn, bản và xã; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển thể dục, thể thao ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

9. Đưa công tác sưu tầm, thống kê phân loại các trò chơi vận động dân gian trong các lễ hội truyền thống hàng năm của các dân tộc thiểu số thành một nội dung của nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; lựa chọn một số trò chơi vận động dân gian để đề xuất đưa vào thi đấu trong hệ thống thi giải thao quốc gia; chú trọng bảo tồn và phát triển các môn võ cổ truyền dân tộc.

10. Ban hành và hướng dẫn thực hiện quy chế hoạt động của các câu lạc bộ thể dục, thể thao người khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục, thể thao người khuyết tật. Ban hành bổ sung các điều kiện đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao của người khuyết tật trong quy chuẩn xây dựng cơ sở tập luyện, sân bãi thể thao; thí điểm xây dựng ở một số tỉnh, thành phố các Trung tâm huấn luyện thể thao cho người khuyết tật.

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, Tổng cục TDTT cần chủ động phối hợp với các Cục, Vụ, đơn vị có liên quan để tham mưu cho Bộ trưởng chỉ đạo triển khai việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo dựng cơ chế chính sách để quản lý điều hành các hoạt động TDTT quần chúng trong cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

TS.Lê Anh Thơ

Ảnh trong bài
  • Phát triển TDTT quần chúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng: những nhiệm vụ cần triển khai