Một số vấn đề xung quanh công tác đào tạo bác sỹ thể thao (28/02/2006)

Bác sỹ thể thao là một bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển nền thể dục thể thao. Trong những thành công của nền thể thao Việt Nam thời gian qua luôn có sự đóng góp của lực lượng bác sỹ thể thao, cán bộ y học thể thao. Tuy nhiên, lực lượng này còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng. Thế nhưng họ đã cố gắng hết mình, làm việc cần mẫn và thầm lặng vì sự thành công chung của Ngành. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quý Phượng - Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao xung quanh vấn đề đào tạo bác sỹ thể thao cho Ngành.

Bác sỹ thể thao là một bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển nền thể dục thể thao. Trong những thành công của nền thể thao Việt Nam thời gian qua luôn có sự đóng góp của lực lượng bác sỹ thể thao, cán bộ y học thể thao. Tuy nhiên, lực lượng này còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng. Thế nhưng họ đã cố gắng hết mình, làm việc cần mẫn và thầm lặng vì sự thành công chung của Ngành. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quý Phượng - Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao xung quanh vấn đề đào tạo bác sỹ thể thao cho Ngành.

Thưa ông, ông có đánh giá gì về thực trạng bác sỹ thể thao của Việt Nam hiện nay. Ý nghĩa của đội ngũ bác sỹ thể thao đối với sự phát triển TDTT?

Hiện nay trong ngành TDTT có hơn 90 bác sỹ và cán bộ y học thể thao đang công tác tại Viện Khoa học TDTT, Trường Đại học TDTT I, II, Trường Cao đẳng TDTT, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các Sở TDTT tỉnh, thành, các ngành TDTT Quân đội và Công an nhân dân. Trong đó, chỉ có 6 bác sỹ có trình độ sau đại học chuyên ngành Y học thể thao. Về chất lượng đội ngũ bác sỹ thể thao còn ở mức thấp vì chúng ta chưa đào tạo một cách cơ bản và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động y học thể thao còn thiếu thốn. Như vậy, chúng ta có thể thấy đội ngũ bác sỹ thể thao của chúng ta vừa ít về số lượng và chất lượng chưa cao. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ của y học thể thao đối với đòi hỏi của sự nghiệp TDTT ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, đội ngũ bác sỹ thể thao của ngành đã có nhiều cố gắng, có những đóng góp tích cực, góp phần nhỏ bé của mình trong thành tích chung của thể thao Việt Nam trong những năm gần đây. Các bác sỹ thể thao đã chủ động chăm sóc sức khỏe cho VĐV tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG, đảm bảo y tế cho các cuộc thi đấu thể thao ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Hướng dẫn cho VĐV biết cách ăn uống, sinh hoạt ngày một khoa học hơn.

Chúng tôi đánh giá đội ngũ bác sỹ thể thao của ngành hiện nay mới hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp. Chúng ta mới chỉ hoàn thành một số phần việc của y học thể thao theo đúng nghĩa của nhiệm vụ này. Nền y học thể thao của chúng ta mới chỉ bắt đầu hình thành và đang phát triển.

Xin ông cho biết tình hình hiện nay của khoá đào tạo bác sỹ thể thao đầu tiên của Việt Nam như thế nào? Ý nghĩa của khoá đào tạo đầu tiên này? sau khi tốt nghiệp, lực lượng bác sỹ thể thao được phân bổ như thế nào?

Khóa đào tạo bác sỹ thể thao hiện nay đang học học kỳ thứ ba, trong tổng số 6 học kỳ. Đây là khoá bác sỹ thể thao đầu tiên được đào tạo một cách cơ bản ở nước ta với sự kết hợp của Học viện Quân Y và Viện Khoa học TDTT. Lực lượng bác sỹ thể thao này sau khi tốt nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt chịu trách nhiệm về công tác y học thể thao tại các cơ sở mà họ công tác. 13 học viên khoá I là các bác sỹ đang công tác tại Trung tâm HLTTQG I, II, III; các sở TDTT Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Huế và Viện Khoa học TDTT. Hiện họ đang là những bác sỹ chính hoặc các Trưởng, Phó phòng y học thể thao tại các đơn vị nêu trên. Do vậy việc phân công công tác rất thuận lợi.

Trong quá trình đào tạo bác sỹ thể thao có những thuận lợi, khó khăn gì?

Chúng tôi có sự trợ giúp của Học viện Quân Y, các giáo sư, tiến sỹ của các nước có nền y học thể thao tiên tiến như Nga, Đức, Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Thái Lan... và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Uỷ ban Thể dục Thể thao, các cơ quan, đơn vị cử các bác sỹ đi học. Ngoài ra, các học viên đã có chỗ làm ổn định, các kiến thức học được sẽ giúp ích cho công việc hàng ngày của họ, nên các học viên rất cố gắng để đạt kết quả tốt nhất. Điều đó tạo thuận lợi cho chúng tôi trong công tác đào tạo.

Tuy nhiên, do các bác sỹ thể thao đang công tác và giữ vị trí quan trọng tại các phòng y học thể thao tại các đơn vị trải dài từ Bắc đến Nam, do vậy khoá I chúng tôi đào tạo theo phương thức tại chức, dù sao cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đào tạo. Các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và đào tạo còn thiếu thốn, kinh nghiệm của các giảng viên còn những hạn chế nhất định, vì đây còn là công việc mới mẻ đối với cả cơ sở đào tạo lẫn cán bộ giảng dạy. Việc mời nhiều giảng viên nước ngoài còn gặp khó khăn do kinh phí đào tạo hạn hẹp.

Với cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, xin ông cho biết định hướng về việc đào tạo bác sỹ thể thao trong thời gian tới?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển sinh các khoá đào tạo bác sỹ thể thao hàng năm. Mỗi năm tuyển từ 15 đến 20 học viên, với hy vọng trong 5 - 10 năm tới, chúng ta có đủ đội ngũ bác sỹ thể thao có trình độ chuyên môn cao, phục vụ đắc lực cho công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV của ngành, góp phần vào thành tích chung của sự nghiệp TDTT trong những năm tới. Đồng thời, Viện chúng tôi sẽ khuyến khích các bác sỹ tốt nghiệp loại khá, giỏi tham gia thi tuyển để theo học chuyên ngành Y học thể thao, nâng cao chất lượng công tác thi tuyển đầu vào và chất lượng công tác đào tạo chuyên sâu Y học thể thao. Không chỉ mời các giảng viên nước ngoài, chúng tôi sẽ liên hệ và tạo điều kiện cho các học viên có thời gian đi thực tập ở nước ngoài để có điều kiện tiếp cận với các nền Y học thể thao tiên tiến về chuyên môn cũng như cách thức tổ chức hoạt động y học thể thao một cách hiệu quả và nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ bác sỹ thể thao.

Ông có kiến nghị gì trong công tác đào tạo bác sỹ thể thao cho ngành?

Thứ nhất, ngành chúng ta nên hỗ trợ thêm kinh phí cho công tác đào tạo bác sỹ thể thao từ nguồn ngân sách Nhà nước. Hiện nay, kinh phí đào tạo bác sỹ thể thao do cơ sở gửi cán bộ đi học chi trả. Do vậy việc đào tạo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc mời giảng viên, chuyên gia giỏi của nước ngoài.

Thứ hai, Vụ Tổ chức cán bộ nên xem xét việc tuyển các bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại khá giỏi về ngành và cử đi đào tạo bác sỹ thể thao để các bác sỹ có thể yên tâm với kiến thức được học sẽ phục vụ cho công việc của họ sau này.

Thứ ba, chúng ta nên cử các bác sỹ đi đào tạo chuyên sâu y học thể thao ngắn hạn và dài hạn ở các nước có nền y học thể thao tiên tiến. Có thể kiển khai nhiều hình thức liên doanh, liên kết đào tạo và sử dụng nhiều nguồn kinh phí khác nhau: kinh phí Nhà nước, kinh phí một phần Nhà nước hoặc tạo cơ chế liên hệ cho một bộ phận bác sỹ đi học tự túc.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Xiêm thực hiện







 

Ảnh trong bài
  • Một số vấn đề xung quanh công tác đào tạo bác sỹ thể thao (28/02/2006)