Thể dục thể thao Quảng Trị một chặng đường.(12/04/2006)

Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt và ngành Thể dục thể thao Quảng Trị cũng chịu chung tình cảnh đó. Từ đó đến nay đã gần trọn 17 năm, một quãng thời gian không phải dài trải qua những thử thách nghiệt ngã, nhưng với quyết tâm ngành TDTT cùng với các ngành khác đã góp phần xây dựng một quê hương Quảng Trị giàu đẹp.

Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt và ngành Thể dục thể thao Quảng Trị cũng chịu chung tình cảnh đó. Từ đó đến nay đã gần trọn 17 năm, một quãng thời gian không phải dài trải qua những thử thách nghiệt ngã, nhưng với quyết tâm ngành TDTT cùng với các ngành khác đã góp phần xây dựng một quê hương Quảng Trị giàu đẹp.

Có thể nói, năm 2005 là một năm thành công toàn diện của ngành TDTT Quảng Trị. Phong trào TDTT quần chúng trong cả tỉnh đã có bước phát triển sâu, rộng gắn với các cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và Đại hội TDTT các cấp. Ngoài ra Thể thao thành tích cao đã có kết quả khả quan trong các cuộc thi đấu trong và ngoài tỉnh, là do Sở TDTT đã tập trung xây dựng được một hệ thống đào tạo vận động viên có hiệu quả, không chỉ đào tạo trong tỉnh mà đã mạnh dạn đầu tư gửi VĐV đi tập huấn ở các trung tâm thể thao mạnh. Được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, Uỷ ban TDTT, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành cũng được tăng cường. Công tác quản lý ngành TDTT có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở TDTT tỉnh Quảng Trị - Trần Công Quyền về một số thành tích đã đạt được trong năm qua và định hướng trong những năm tiếp theo.

* Xin ông cho biết những nét chính của ngành TDTT tỉnh Quảng Trị trong năm vừa qua?

Về Thể thao thành tích cao: Tuy công tác đào tạo còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng bước đầu tương đối đã ổn định nơi ăn, ở cho vận động viên, cơ sở vật chất được tăng cường, hệ thống đào tạo từng bước đã được hình thành, cộng với sự phối kết hợp giữa các ngành và đơn vị, huyện thị ngày càng có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV. Thể thao thành tích cao đã được hình thành các tuyến: Đội tuyển tỉnh: có 16 vận động viên, Đội tuyển trẻ: 09 vận động viên; tuyến năng khiếu tập trung 26 vận động viên được tập trung đào tạo ở các môn Điền Kinh, Canoing, Lặn, Cầu Lông, Bơi Lội, Cờ Vua...Và gửi VĐV đi đào tạo tại các tỉnh bạn như môn Lặn (2 VĐV), Cầu lông ( 2 VĐV), Canoing ( 4 VĐV) trong đó có 1 VĐV Cầu Lông được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia. Đồng thời nhằm chuẩn bị lực lượng VĐV tham gia Đại hội TDTT toàn quốc, trong năm 2005, tỉnh Quảng Trị đã tham gia 13 giải toàn quốc và đạt được 26 huy chương các loại trong đó 1 HCV, 8HCB, 17 HCĐ và được phong cấp 1 kiện tướng, 1 dự bị kiện tướng, 11 VĐV đạt cấp 1 quốc gia. Đặc biệt trong năm 2005 VĐV cầu lông Phùng Nguyễn Phương Nhi tham gia trong đội tuyển trẻ Việt Nam dự giải vô địch Cầu Lông Châu Á tại Indonesia, VĐV điền kinh Trần Viết Thắng đã giành HCB tại giải Điền kinh vô địch trẻ toàn quốc, được phong cấp kiện tướng quốc gia và đội tuyển Bóng đá U13 đại diện cho nhi đồng Việt Nam đi tham dự Festival tại Lào giành giải Fair play. Tổ chức đăng cai thành công giải Bóng đá toàn quốc Cúp Vinamilk bảng IV tại Quảng Trị hai đội U11, U13 tỉnh nhà đều đạt giải nhì được tham gia vòng chung kết tại Thành phố Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về Thể thao quần chúng: Phong trào TDTT quần chúng trong năm qua tiếp tục diễn ra sôi nổi, sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, gắn với các đối tượng, địa bàn, vùng miền, với các hình thức phong phú đa dạng. Lồng ghép trong phong trào thi đua chung của toàn ngành, đặc biệt Đại hội TDTT cấp cơ sở thật sự là ngày hội của toàn dân. Được tổ chức có quy mô, thu hút đông đảo quần chúng tham gia sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, Ban, ngành, Đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động TDTT. Nhiều cơ sở chú trọng khai thác các môn thể thao dân tộc như: Đua thuyền, Cướp cù, Kéo co, đi xe đạp chậm...và các trò chơi dân gian. Thu hút hàng vạn lượt người đến tham dự trong các ngày Tết cổ truyền. Đặc biệt Ngành TDTT đã tổ chức thành công giải Đua thuyền truyền thống nằm trong chương trình "Lễ hội Thống nhất non sông" tổ chức tốt cuộc chạy rước đuốc "Đuốc sáng Việt Nam - Hành trình theo chân Bác" đi qua địa phương. Tính đến nay toàn tỉnh đã có gần 19.2% dân số của tỉnh tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình Thể thao chiếm 11.6% trên tổng số hộ trong toàn tỉnh, với hơn 430 CLB và điểm tập TDTT.

Trong năm 2005, công tác Thể dục Thể thao trường học đã đạt được số thành tích đáng khích lệ đó là: triển khai được 17 lớp năng khiếu thể thao trong hệ thống các trường học thuộc tỉnh với hơn 300 em tham gia tập luyện các môn Điền Kinh, Bơi Lội, Cờ Vua, Karatedo, Teakwondo, Bóng đá (triển khai quyết định số 32/ QĐ-BGD-ĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo)...

* Xin ông cho biết những định hướng của Thể dục Thể thao tỉnh nhà trong thời gian tới?

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT, tạo động lực mới thúc đẩy thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao sức khoẻ và đời sống tinh thần của nhân dân. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư mạnh vào các môn thể thao trọng điểm về cả hai mặt; tăng nguồn nhân lực và củng cố, phát triển cơ sở vật chất, tạo bước chuyển mới về thể thao thành tích cao. Tập trung xây dựng phong trào cơ sở, gắn phát triển TDTT với xây dựng làng, xã văn hoá. Trước mắt tiếp tục thực hiện đề án phát triển Thể thao quần chúng ở phường, xã, thị trấn giai đoạn II, tạo bước chuyển mới trong phong trào TDTT cấp phường, xã thị trấn. Thực hiện ký kết xây dựng lực lượng giữa các ngành của tỉnh, các huyện, thị và tổ chức tập huấn các lớp chuyên đề về TDTT quần chúng ở cơ sở.

Tiếp tục đầu tư cho các môn Thể thao trọng điểm: Điền Kinh, Cờ Vua, Bơi Lội, Canoing, Lặn, Cầu Lông và xây dựng đội tuyển tỉnh tham gia Đại hội TDTT toàn quốc gồm các môn: Điền Kinh, Lặn, Cầu Lông, Canoing... phấn đấu đạt huy chương. Củng cố và chú trọng công tác tuyển chọn, hình thành các tuyến nghiệp dư cấp huyện, thị để tạo nguồn cho các tuyến năng khiếu. Tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất chuẩn bị đăng cai Hội thi Thể thao khuyết toàn quốc năm 2007. Tổ chức lại một số môn, quy hoạch vùng, quy hoạch tuyến cho từng môn để có hệ thống đào tạo liên tục và ký hợp đồng đào tạo đối với những VĐV chuẩn bị cho Đại hội TDTT năm 2010. Tăng cường cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện, chế độ dinh dưỡng cho VĐV, tạo mối quan hệ với các bộ môn thuộc Uỷ ban TDTT. Liên đoàn hiệp hội thể thao quốc gia, Trung tâm huấn luyện quốc gia để nhằm tạo điều kiện giúp đỡ trong công tác đào tạoVĐV.

* Theo quan điểm cá nhân, để phát triển nền Thể dục Thể thao của một tỉnh (Quảng Trị) trong thời gian tới - cụ thể là năm 2006 cần những yếu tố gì?

Năm 2006 là một năm tỉnh cần ưu tiên tập trung kinh phí đầu tư cho hoạt động Đại hội Thể dục Thể thao các cấp tiến đến Đại hội toàn quốc lần thứ V và công tác chuẩn bị đăng cai Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ III - 2007. Trước mắt trong năm 2006 cần tập trung khởi công 2 công trình: Bể bơi tổng hợp, và một số hạng mục còn lại của sân vận động Đông Hà. Đối với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban quản lý cơ sở hạ tầng sớm triển khai công trình Bể bơi tổng hợp để kịp phục vụ cho Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ III, đồng thời thi công bảo đảm chất lượng và kỹ thuật theo tiêu chuẩn Thể thao. Đối với Uỷ ban TDTT cần quan tâm và hỗ trợ cho địa phương về một số cơ sở vật chất để chuẩn bị cho Hội thi Thể thao khuyết tật toàn quốc lần thứ III - 2007.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TT







 

Ảnh trong bài
  • Thể dục thể thao Quảng Trị một chặng đường.(12/04/2006)