Thiết chế thể dục thể thao (07/06/2006)

Trong sự thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như trước ngưỡng cửa hội nhập WTO của Việt Nam, có nhiều vấn đề được thay đổi và cần được nhận thức phù hợp với tình hình thực tế xã hội. Theo đó, đã có những ý kiến khác nhau về thiết chế Thể dục Thể thao, dưới đây Trang tin điện tử Uỷ ban Thể dục Thể thao xin nêu nguyên văn ý kiến của GS-TS.Dương Nghiệp Chí về vấn đề này.

Trong sự thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như trước ngưỡng cửa hội nhập WTO của Việt Nam, có nhiều vấn đề được thay đổi và cần được nhận thức phù hợp với tình hình thực tế xã hội. Theo đó, đã có những ý kiến khác nhau về thiết chế Thể dục Thể thao, dưới đây Trang tin điện tử Uỷ ban Thể dục Thể thao xin nêu nguyên văn ý kiến của GS-TS.Dương Nghiệp Chí về vấn đề này.

Thiết chế Thể dục Thể thao

Thuật ngữ thiết chế được sử dụng rộng rãi ở các ngành văn hoá nước ta từ những năm 70 của thế kỷ trước, ở ngành thể dục thể thao ít người quan tâm. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp, Nhà nước làm cả: làm kinh tế, làm văn hoá, làm giáo dục, làm y tế, làm thể dục thể thao ... Chỉ có một loại thiết chế tổ chức Nhà nước, chỉ có một khuôn mẫu. Vì thế, ít người quan tâm tìm hiểu về thiết chế.

Ngày nay, xã hội vận hành trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không thể làm tất cả như xưa, mà chỉ giữ vai trò chủ đạo, hỗ trợ như “bà đỡ”. Vậy là, xã hội phát triển không chỉ dựa duy nhất vào tổ chức Nhà nước, không chỉ theo một khuôn mẫu như trước đây. Người ta bắt buộc phải tìm hiểu, nhận thức mới về thiết chế ngoài tổ chức Nhà nước hoặc những thiết chế tồn tại liên quan tới tổ chức Nhà nước. Đây là vấn đề chung của mọi ngành, mọi lĩnh vực trong thời kỳ quá độ chuyển từ nền kinh tế kế hoạch bao cấp sang nền kinh tế thị trường, không chỉ của Ngành thể dục thể thao.

Nhận thức chung về thiết chế.

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam, thiết chế xã hội là khái niệm chỉ toàn bộ hệ thống tổ chức và hệ thống giám sát mọi hoạt động của xã hội. Các thiết chế xã hội có nhiệm vụ:

1) Đáp ứng các nhu cầu khác nhau của cộng đồng và của các thành viên.

2) Điều chỉnh hoạt động.

3) Kết hợp hài hoà các bộ phận, đảm bảo sự ổn định cộng đồng.

Xã hội có một số loại thiết chế sau đây:

1) Thiết chế kinh tế: bao gồm những thiết chế liên quan đến sản xuất và phân phối của cải, điều chỉnh sự lưu thông tiền tệ; tổ chức và phân công lao động xã hội (xí nghiệp, công ty, sàn giao dịch chứng khoán...).

2) Thiết chế chính trị là những thiết chế hệ thống tổ chức, hệ thống giám sát quốc tế hoặc phạm vi quốc gia (Chính phủ, Quốc hội, tổ chức chính trị, đảng phái chính trị).

3) Thiết chế tinh thần là những thiết chế liên quan đến tổ chức hoạt động văn hoá, giáo dục, khoa học, thể thao, tôn giáo (Nhà văn hoá, câu lạc bộ, Sở thể dục thể thao, Nhà thờ...).

4) Thiết chế giao tiếp công cộng bao gồm tất cả các khuôn mẫu, hành vi tổ chức giao tiếp công cộng (lễ hội, đám cưới, tang lễ...).

Thiết chế xã hội thường biến đổi theo thể chế. Thể chế là tổng hợp các phương pháp, phương thức vận hành Nhà nước và vận hành xã hội, các chế độ chính sách, sự phân chia quyền lực và lợi ích. Những năm gần đây, nhờ đổi mới thể chế kinh tế, phương thức và các chính sách vận hành nền kinh tế, hình thành các thiết chế mới như doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Sự đổi mới thể chế kinh tế thể hiện Nhà nước không làm bao biện cả, bắt đầu phân chia quyền lực, quyền lợi đúng với các quy luật vận hành nền kinh tế thị trường. Sự hình thành và hoàn thiện thiết chế (hệ thống tổ chức, hệ thống giám sát...) phụ thuộc chính vào thể chế.

Nhận thức về thiết chế thể dục thể thao.

Thiết chế thể dục thể thao là chỉ hệ thống tổ chức và hệ thống giám sát hoạt động thể dục thể thao hội tụ đầy đủ các yếu tố: bộ máy tổ chức và nhân sự, cơ sở vật chất, nội dung hoạt động, quy chế hoạt động và giám sát, kinh phí hoạt động. Loại thiết chế nào thiếu một trong những yếu tố này sẽ không hoạt động được. Trong thiết chế thể dục thể thao có thiết chế Nhà nước về thể dục thể thao, thiết chế xã hội về thể dục thể thao. Mỗi loại này lại có thể phân nhỏ theo một số nội dung hoạt động như: thiết chế hành chính Nhà nước, thiết chế sự nghiệp (chuyên môn) thể dục thể thao, thiết chế kinh doanh thể dục thể thao....

Thiết chế thể dục thể thao phụ thuộc vào thể chế quản lý thể dục thể thao. Do nước ta đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên thể chế quản lý thể dục thể thao ở nước ta hiện nay còn khác biệt với các nước tiên tiến chủ yếu như sau:

1) Phương thức can thiệp, phân quyền lực của Nhà nước có khác biệt rõ rệt: Số ít nước tiên tiến, Nhà nước không trực tiếp làm thể dục thể thao, mà xã hội làm thể dục thể thao, trừ thể dục trường học (Mỹ, ý...). Đa số các nước còn lại, Nhà nước và xã hội kết hợp làm thể dục thể thao nhưng xã hội làm là chính, Nhà nước chỉ hướng dẫn và hỗ trợ. Còn ở nước ta hiện nay, Nhà nước và xã hội kết hợp làm thể dục thể thao nhưng Nhà nước làm là chính, xã hội chỉ hỗ trợ một phần.

2) Tỷ trọng đầu tư Ngân sách Nhà nước cho thể dục thể thao có khác biệt lớn: ở các nước tiên tiến tỷ trọng đầu tư Ngân sách của Nhà nước cho thể dục thể thao có khác nhau, nhưng đều thấp so với đầu tư của xã hội. Nguồn Ngân sách Nhà nước thường chiếm tỷ trọng 10 - 30% tổng kinh phí phát triển thể dục thể thao. Còn ở nước ta, môn thể thao đạt thành tựu tốt nhất trong công tác xã hội hoá như môn bóng đá, nguồn Ngân sách Nhà nước các cấp chi cho phát triển bóng đá vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 68%, xã hội chỉ khoảng 32%. Từ tỷ trọng đầu tư thể hiện sự phân bổ quyền lực trong thể chế thể dục thể thao. Nhà nước đầu tư nhiều so với xã hội, quyền lực của Nhà nước sẽ chiếm nhiều so với quyền lực của xã hội.

Từ sự khác biệt tạm thời về thể chế quản lý thể dục thể thao, ta thấy các thiết chế thể dục thể thao ở nước ta hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với các nước tiên tiến:

1) Thiết chế quản lý hành chính Nhà nước về thể dục thể thao của ta có từ cấp Trung ương đến cấp xã, phường thị trấn, khác với các nước tiên tiến. Các thiết chế này ở nước ta đang thu hẹp để chuyển sang thiết chế sự nghiệp thể dục thể thao (như trung tâm thể dục thể thao quận, huyện...). Sự chuyển đổi này vẫn cần tiếp tục thống nhất, hoàn thiện ngay từ tên gọi, đến nội dung, quy chế hoạt động và giám sát, thu chi kinh phí... Nhiều đơn vị sự nghiệp sẽ mãi là sự nghiệp có thu hay sẽ là đơn vị dịch vụ công ích, cần xác định rõ hơn.

2) Các thiết chế thể dục thể thao cơ sở thiếu đa dạng hoá như ở các nước tiên tiến. Vì vậy, ta thực hiện Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg là rất cần thiết, nên vừa tích cực triển khai, và vừa làm rõ thêm. Bên cạnh các loại câu lạc bộ thể dục thể thao sự nghiệp có thu của Nhà nước, cần phát triển các loại hình câu lạc bộ thể dục thể thao khác:

- Câu lạc bộ thể dục thể thao hoặc cơ sở thể thao giải trí phúc lợi công cộng do xã hội tự quản.

- Câu lạc bộ thể dục thể thao tư nhân hoặc cổ phần.

- Câu lạc bộ thể dục thể thao của các ngành, Hội quần chúng trên địa bàn phường, xã, thị trấn.

Đa dạng hoá thiết chế thể dục thể thao cơ sở, đa dạng hoá sở hữu tài sản thể dục thể thao là xu thế phát triển chung của thế giới.

3) Thiết chế câu lạc bộ thể thao nhà nghề nên xác định rõ như các nước tiên tiến. Thể thao nhà nghề là một bộ phận của thể thao thành tích cao, nhưng được phân thành 3 loại:

- Loại 1: Các môn thể thao dựa vào kinh doanh thi đấu, bán vé thi đấu là nguồn thu chính (Bóng đá, Boxing, Bóng chày...). Các môn thể thao này muốn kinh doanh tốt cần có trình độ thi đấu tốt của câu lạc bộ.

- Loại 2: Các môn thể thao dựa vào chất lượng dịch vụ du lịch, dịch vụ cho các hội viên là nguồn thu chính (Golf, Bowling...). Câu lạc bộ Golf có Golf thủ trình độ thế giới càng tốt, nếu không cũng vẫn kinh doanh tốt mà ít phụ thuộc vào trình độ thi đấu cao của câu lạc bộ.

- Loại 3: Các môn thể thao dựa vào cá cược trực tiếp là nguồn thu chính (đua ô tô, đua ngựa...). Doanh số ít phụ thuộc vào trình độ thi đấu cao của vận động viên của câu lạc bộ.

Ở nước ta, thiết chế câu lạc bộ thể thao nhà nghề không chỉ xây dựng cho môn bóng đá, mà cần xây dựng cho số ít môn khác như Golf, Bowling. Chính môn bóng đá đủ tiêu chí nhà nghề còn cần một quá trình 20 - 30 năm, còn môn Golf nếu hoạt động tốt là đã đủ tiêu chí thể thao nhà nghề.

Từ khi thành lập ngành thể dục thể thao ở nước ta, đã bắt đầu hình thành thiết chế thể dục thể thao. Từ đó đến nay, rất nhiều loại thiết chế thể dục thể thao đã ra đời từ cấp Trung ương đến cơ sở, và phát huy tác dụng tốt qua từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên trong 15 - 20 năm tới, thiết chế quản lý thể dục thể thao chắc sẽ từng bước đổi mới, kéo theo sự thay đổi hoặc điều chỉnh, hoàn thiện các loại thiết chế thể dục thể thao hiện nay. Dự báo xu thế thay đổi thứ nhất là, giảm sự can thiệp của Nhà nước, tăng sự tham gia của xã hội làm thể dục thể thao; thứ hai là sự hình thành và phát triển các thiết chế kinh tế thể dục thể thao và các thiết chế về thể thao giải trí. 

 

Ảnh trong bài
  • Thiết chế thể dục thể thao (07/06/2006)