Là một trong 9 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Hồng, mặc dù chỉ cách Thủ đô Hà Nội 60km, nhưng nền kinh tế của Hưng Yên còn nhiều hạn chế. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo nền kinh tế Hưng Yên đang trên đà phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Riêng đối với hoạt động TDTT, từ khi tách tỉnh (năm 1997 từ tỉnh Hải Hưng) cho đến nay gặp nhiều khó khăn (hầu như là xây dựng mới hoàn toàn trên mọi mặt cả về cơ sở vật chất và lực lượng VĐV, ngay cả trụ sở của Sở TDTT Hưng Yên hiện nay là tiếp quản từ Bệnh viện cũ...) nhưng ngành TDTT tỉnh vẫn đạt được thành tựu đáng biểu dương, trong đó phải kể đến thể thao thành tích cao. Lý giải cho điều này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Bằng - Giám đốc Sở TDTT Hưng Yên.
* Sau khi tách tỉnh, TDTT đã có nhiều thay đổi và có những bước phát triển, xin ông cho biết vài nét khái quát về TDTT của Hưng Yên ?
- Sau khi được tách tỉnh năm 1997, phong trào TDTT của Hưng Yên còn rất nhiều khó khăn, hầu như chúng tôi phải xây dựng mới về mọi mặt. Tuy nhiên, xác định những khó khăn trước mắt và lâu dài, chúng tôi đã đề ra phương hướng phát triển TDTT trên nhiều mặt, trong đó lấy TDTT quần chúng làm nền tảng. Trong những năm qua, vừa xây dựng vừa phát triển, TDTT quần chúng của tỉnh nhà bước đầu đã được duy trì và phát triển tốt; các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng (số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao, số cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể...) hàng năm đều vượt kế hoạch được giao; công tác giáo dục thể chất phối hợp với các ngành khác đều được tăng cường và đẩy mạnh; công tác xã hội hóa TDTT đã có nhiều bước tiến bộ đáng phấn khởi.
* Còn về thể thao thành tích cao có những điểm nổi bật gì, thưa ông?
- Sở phải xây dựng gần như là từ đầu về lực lượng VĐV để phát triển thể thao thành tích cao. Hàng năm, có khoảng 100 VĐV năng khiếu của 11 môn thể thao được tập luyện tập trung tại trường Nghiệp vụ Thể thao của tỉnh - đơn vị sự nghiệp của TDTT Hưng Yên. Từ năm 2002 đến nay, trình độ và thành tích của VĐV Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc. Trước tình hình thực tế còn nhiều khó khăn, Sở TDTT phát triển thể thao thành tích cao dựa theo quan điểm là "phát huy một số môn Thể thao truyền thống của tỉnh như: Bóng chuyền nữ, Bóng bàn, Điền kinh... sau đó sẽ đầu tư một số môn thể thao mới như: Đua thuyền, Bắn cung, Pencaksilat, Wushu, Boxig..." Chỉ tính riêng năm 2005, tham gia SEA Games 23 Hưng Yên có 5 VĐV (cùng 1 trọng tài) đã giành 2 HCV và 1 HCB; Lê Thị Thanh Huyền đã xuất sắc giành HCV thế giới môn Võ gậy. Đặc biệt, Dương Thị Thu Nền đã giành HCV hạng 75kg tại giải Boxing trẻ Châu Á mở rộng năm 2006... Trong vài năm gần đây, Sở TDTT luôn có 7-8 VĐV trong đội tuyển và dự tuyển quốc gia.
* Ngành TDTT Hưng Yên đã có những giải pháp như thế nào trong công tác phát triển thể thao thành tích cao, thưa ông ?
- Ở Hưng Yên quy trình huấn luyện của Sở còn nhiều mặt hạn chế lại thêm điều kiện cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn, nên trong công tác đào tạo VĐV thành tích cao, chúng tôi đã chọn cách làm đó là thực hiện thật tốt công tác tuyển chọn; sau khi tuyển chọn được các VĐV có năng khiếu thì sẽ gửi đi tập huấn ở nơi có phong trào phát triển mạnh và đáp ứng đầy đủ nhu cầu tập luyện cả về cơ sở vật chất và chuyên môn. Vì còn hạn hẹp về kinh phí nên chúng tôi chỉ cử một số VĐV trong các môn thể thao là thế mạnh của Hưng Yên đi tập huấn nước ngoài. Sắp tới, ( tháng 7) các VĐV Cử tạ sẽ tập huấn tại Trung Quốc trong 2 tháng còn các đội tuyển khác hiện đang tập trung tại TTHLTTQG I và Trung tâm đào tạo VĐV tại Hà Nội.
* Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TDTT tại tỉnh Hưng Yên, ông thấy vấn đề gì được coi là khó khăn đối với sự nghiệp phát triển TDTT tỉnh nhà?
- Trong vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế còn nhiều điều bất cập. Tại các cơ sở không có định biên cán bộ phụ trách hoặc kiêm nghiệm, mô hình tổ chức thì không thống nhất: có huyện gọi là "Phòng Văn hoá Thể thao" nhưng có huyện là "Trung tâm thể thao". Việc tổ chức theo các mô hình khác nhau đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng Hưng Yên, mà nhiều tỉnh khác đều gặp phải khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng còn thiếu đặc biệt là đối với cấp cơ sở. Sở đã tham mưu cho tỉnh và đã ban hành Nghị quyết, chỉ thị về vấn đề quy hoạch đất dành cho TDTT. Cụ thể quy định như sau: toàn tỉnh có 12ha, trong đó từ 2-3 ha/huyện và 0,2-0,3 ha/thôn. Nhưng trên thực tế, để quy hoạch được diện tích đó còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh chưa có một nhà thi đấu đa năng để tổ chức các giải quốc gia hay quốc tế mà chỉ có một số nhà tập đơn giản, sân vận động thì nhỏ không đáp ứng quy mô. Như vậy, việc đón các đội tuyển quốc gia, quốc tế về thi đấu tại địa phương - tạo điều kiện cho các VĐV tỉnh nhà tham gia thi đấu, học hỏi là rất khó khăn. Lại thêm một khó khăn đối với TDTT ở tỉnh Hưng Yên đó chính là nhận thức của chính quyền các cấp trong tỉnh về tầm quan trọng của TDTT còn chưa tương xứng.
* Thưa ông, công tác xã hội hoá trong sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh nhà thì sao? Việc triển khai các hoạt động TDTT mang tính xã hội hoá ở Hưng Yên diễn ra như thế nào?
Trước sự phát triển của mọi lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường và trước những khó khăn của tỉnh, chúng tôi cho rằng xã hội hoá là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào TDTT. Nhưng công tác xã hội hóa ở Hưng Yên vẫn chỉ mang tính chất nhất thời. Phải nói rằng, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã được đầu tư phát triển nhiều ở Hưng Yên, dù vẫn chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng chính điều này đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện xã hội hoá TDTT. Ở Hưng Yên, công tác xã hội hoá mới được thể hiện ở một số hoạt động như: thường xuyên vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ các giải thi đấu TDTT, tổ chức các hoạt động TDTT (giải quần vợt Bưu điện, giải quần vợt ABC, giải bóng đá Sufat...); bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện đơn giản, đầu tư một phần cho một số đội tuyển... đã mang lại hiệu quả trong quá trình phát triển TDTT quần chúng cũng như thể thao thành tích cao. Hy vọng, công tác xã hội hoá TDTT tại tỉnh Hưng Yên tiếp tục được thực hiện và sẽ theo một quy trình thống nhất nhằm tạo sự ổn định lâu dài trong sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh nhà.
* Xin cám ơn ông!
Hồng Xiêm thực hiện