Một số vấn đề về triển khai Luật TD,TT (tiếp)

Sau 04 năm triển khai thực hiện (từ ngày 1/7/2007), Luật Thể dục, thể thao đã từng bước đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ trong hoạt động thể dục, thể thao, góp phần thúc đẩy sự nghiệp TDTTngày càng phát triển theo đúng quan điểm định hướng phát triển thể dục, thể thao của Đảng. Để giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về TDTT Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề xung quanh việc triển khai, thực hiện Luật TDTT,Trang tin TDTT xin giới thiệu bài viết của tác giả Vũ Trọng Lợi – Phó trưởng Ban rà soát, đề xuất sửa đổi Luật TD,TT- Tổng cục TDTT; nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Uỷ ban TTDTT.

Việc thực hiện các quy định về thể dục, thể thao cho mọi người

Về thể dục, thể thao quần chúng:

Chương II, Mục I Luật Thể dục ,thể thao  quy định : chính sách phát triển thể dục, thể thao quần chúng; phong trào thể dục, thể thao quần chúng; thi đấu thể thao quần chúng; thể dục, thể thao cho người khuyết tật; thể dục, thể thao cho người cao tuổi; thể dục phòng bệnh, chữa bệnh; các môn thể thao dân tộc; thể thao giải trí và thể thao quốc phòng. Nội dung này được cụ thể hoá tại Nghị định số 112/2007/NĐ-CP (các điều 4, 5, 6, 7 và 8); Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc (Điều 14); Luật Người cao tuổi năm 2009 và Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi (Điều 3); Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này dã tạo cơ sở pháp lý  thúc đẩy hoạt động TDTT quần chúng phát triển; các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã ý thức được trách nhiệm và quyền hạn của mình trong việc tự tổ chức tập luyện TDTT và tham gia phát triển phong trào TDTT quần chúng. Số người tham gia ủng hộ, giúp đỡ, đóng góp cho hoạt động TDTT quần chúng theo chủ trương xã hội hóa ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, các quy định về TDTT quần chúng trong Luật Thể dục , thể thao đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Cụ thể như: Chỉ tiêu đánh giá phong trào TDTT quần chúng gồm chỉ tiêu về người tập luyện thể thao thường xuyên và gia đình thể thao là chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bao quát và phản ánh hết sự phát triển TDTT quần chúng , trong khi đó chưa có điều nào quy định về phát triển thể dục thể thao quần chúng nói riêng và thể dục thể thao nói chung bao gồm những nội dung cụ thể gì và thẩm quyền ban hành tiêu chí đánh giá sự phát triển đó do ai quy định, ai tiến hành thống kê đánh giá.v.v.  Việc quản lý hoạt động thi đấu thể thao quần chúng có yếu tố nước ngoài chưa được Luật Thể dục, thể thao quy định. Bên cạnh đó có những nội dung cần thiết đã được quy định trong các văn bản dưới luật có thể đưa vào Luật như vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT quần chúng chưa được quy định cụ thể trong Luật, nhưng đã được quy định trong Nghị định số 112/2007/NĐ-CP  hướng dẫn và quy định chi tiết một số điều của Luật Thể dục, thể thao  .

Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường

Nội dung giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường bao gồm các quy định về: khái niệm giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường, đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao trong giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quyền và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao và của người học; thi đấu thể thao trong nhà trường. Các nội dung trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 7 Nghị định số 112/2007/NĐ-CP.

Triển khai các quy định của Luật Thể dục, thể thao, công tác giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường tính đến năm 2009, cả nước có trên 80% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khoá có nền nếp theo quy định; có trên 60% số trường học có hoạt động thể thao ngoại khoá thường xuyên; có 85% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn thể lực theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TDTT trong trường học những năm qua cho thấy quy định trong Luật Thể dục, thể thao về lĩnh vực này cần nghiên cứu bổ sung như  vấn đề về đội ngũ giáo viên thể dục, đặc biệt là cấp tiểu học; thiết chế thể thao trong trường học thế nào để khuyến khích người học tham gia tập luyện TDTT nâng cao sức khoẻ, tạo tiền đề cho việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao. Hay như còn thiếu quy định về chuẩn giáo viên, giảng viên TDTT; chuẩn cơ sở vật chất TDTT trong nhà trường. Do đó, việc thực thi các vấn đề về TDTT trong trường học rất cần được quan tâm có những quy định cụ thể thống nhất.

Về thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang

Quy định về hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang,Luật quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với TDTT trong lực lượng vũ trang, trách nhiệm của các đơn vị trong lực lượng vũ trang, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sỹ.

Nhìn chung các quy định của Luật Thể dục, thể thao về TDTT trong lực lượng vũ trang cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn, nêu cao trách nhiệm của Nhà nước, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan và quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng cán bộ, chiến sỹ đối với hoạt động này. Trên cơ sở đó, công tác TDTT trong lực lượng vũ trang từng bước đi vào ổn định, vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thể lực phục vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa góp phần vào thành tích thể thao chung của đất nước. Tuy nhiên trong thực tế còn một bộ phận của lực lượng vũ trang là dân quân tự vệ cũng cần được quy định về giáo dục thể chất như thế nào là phù hợp?

Việc thực hiện các quy định về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp

Về Thể thao thành tích cao

Cụ thể hóa Luật Thể dục, thể thao, đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các quy định về xây dựng cơ sở vật chất thể thao thành tích cao, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên (Điều 9, 10 Nghị định 112), chế độ chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên; chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên….Có thể nói, thể thao thành tích cao hiện nay được điều chỉnh bằng hệ thống văn bản pháp quy toàn diện nhất so với các lĩnh vực khác của hoạt động TDTT.

Thực hiện các quy định của Luật Thể dục, thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý nhà nước về thể thao thành tích cao đã được tăng cường và bước đầu đi vào nề nếp.

Hệ thống cơ sở đào tạo tài năng thể thao từng bước được hoàn thiện và có sự chỉ đạo, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống thi đấu thể thao quốc gia ngày càng được mở rộng, ổn định và phù hợp với hệ thống lịch thi đấu hàng năm của thế giới, châu lục và khu vực tạo điều kiện cho vận động viên nâng cao thành tích thể thao. Chế độ, chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên đã và đang được hoàn thiện. Các khoản chi về chế độ dinh dưỡng, tiền công hàng ngày, bảo hiểm, thưởng vật chất.. đã cơ bản được đảm bảo ở tuyến tỉnh, đội tuyển quốc gia. Các chính sách ưu tiên, hướng nghiệp cho vận động viên cũng được cải thiện góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho vận động viên yên tâm tập luyện, phấn đấu, công hiến cho tổ quốc.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật đã được nhà nước quan tâm và đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thiện, nâng cao thành tích thể thao và đào tạo vận động viên.

Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung hoàn thiện điều chỉnh một số tồn tại như quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức...còn chưa phù hợp với thực tiễn. Chưa có quy định về thẩm quyền ban hành hoặc công nhận áp dụng  luật thi đấu thể thao.

Về thể thao chuyên nghiệp

Nội dung này được quy định tại Mục 2 Chương III Luật Thể dục, thể thao, qua  thực hiện quy định của Luật, thể thao chuyên nghiệp đã đạt được những thành công nhất định trong các môn bóng đá, thể hình, bóng chuyền, quần vợt… Tuy nhiên thực tiễn thi thành Luật cho thấy cần xác định cụ thể hơn nội hàm “thể thao chuyên nghiệp” để phân biệt rõ với thể thao thành tích cao, từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp.

Đến nay, trước những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Thể dục thể thao tiến hành rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao để Bộ trưởng xem xét báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Ảnh trong bài
  • Một số vấn đề về triển khai Luật TD,TT (tiếp)